Xúc phạm thiên nhiên, ô uế di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh lố lăng và phản cảm của ông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) cùng 3 người khác trước nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng cũng như khi đi xe máy qua đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bị dư luận và cộng đồng mạng lên án dữ dội trong mấy ngày qua là điều dễ hiểu.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, cuối cùng ông Hiếu cũng đã thay mặt nhóm bạn nhận sai, gửi lời xin lỗi tới cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với xin lỗi là lời viện dẫn “bảo vệ môi trường” cho thấy ông Hiếu và nhóm bạn chưa thực sự thành tâm.
“Bảo vệ môi trường” hay phá hoại, xúc phạm môi trường? Kể cả cách biện luận, mục đích của nhóm người này là tốt, chỉ sai phương pháp(?!). Xin lỗi, đó chỉ là ngụy biện. Bảo vệ môi trường có muôn vàn cách khác nhau, nhưng chắc chắn không bao giờ chấp nhận hành vi lố bịch, phản cảm. Đến như danh dự, nhân phẩm của mình còn không bảo vệ được, bị thẳng thừng gọi là “bọn điên” thì còn bảo vệ được ai? Nói rộng ra, hành vi “lệch chuẩn”, phản văn hóa không bảo vệ được bất cứ ai, bất cứ cái gì. Người thường cũng thừa hiểu điều đó huống chi là ông Trần Chí Hiếu, vốn là một chuyên gia truyền thông, nghe đâu cũng khá “nổi tiếng” trên mạng.
Hành vi vấy bẩn thiên nhiên, hoen ố di sản của nhóm ông Trần Chí Hiếu không phải là trường hợp ngoại lệ. Chưa bao giờ di sản văn hóa, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh quốc gia và thế giới bị tổn thương trước hội chứng khỏa thân như trong thời gian vừa qua. Hình ảnh đôi nam nữ nồng nỗng tại Di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại dậy sóng “khoảng trời này là của riêng em” ô uế Di sản văn hóa thế giới Hội An. Chẳng lẽ chừng ấy chưa đủ sức cảnh tỉnh ông Hiếu và nhóm bạn? Tôi nghi ngờ mục tiêu cao cả “bảo vệ môi trường” của ông Hiếu và nhóm bạn, còn nếu muốn trở thành người nổi tiếng thì nhóm người này đã đạt được. Nhưng xin lỗi, đây không phải nổi tiếng mà là tai tiếng.
Hơn bao giờ hết, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ thiên nhiên đang hết sức cấp thiết và là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Ðiều 27 của Công ước bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới năm 1972 của UNESCO cũng đã ghi rõ: “Các nước tham gia Công ước này cố gắng bằng mọi cách thích hợp, nhất là bằng các chương trình giáo dục và thông tin để làm cho nhân dân nước họ củng cố lòng tôn trọng và gắn bó đối với di sản văn hóa và tự nhiên như đã định nghĩa tại các Ðiều 1 và 2 của Công ước”.
Đúng vậy. Tôn trọng và gắn bó đối với di sản văn hóa và tự nhiên là những điều tưởng chừng thiết yếu, hiển nhiên nhưng lại là điều mà rất nhiều người trong chúng ta đang thiếu. Trước khi kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật thì tốt hơn nếu mỗi người tự điều chỉnh hành vi của chính mình.
Mẹ Thiên nhiên nuôi dưỡng, che chở và là “cõi đi về” của tất cả chúng ta. Thiêng liêng và rất bao dung, nhưng đừng xúc phạm, làm Mẹ nổi giận. Không biết có luật nhân quả của tự nhiên hay không, nhưng sự trừng phạt của Mẹ Thiên nhiên như thế nào thì tất cả chúng ta đã thấm rồi.
Và di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam cũng đã bị tổn thương quá nhiều trước những hành vi vẽ, viết, khắc bậy lên hiện vật; leo trèo, ngồi xổm lên di tích để selfie, xin đừng có thêm bất cứ hành vi ô uế nào lên di sản nữa. Rất cần sự ứng xử đúng đắn với di sản văn hóa của tiền nhân. Tôn trọng quá khứ cũng là tôn trọng chính mình.
Theo Báo Văn hóa