Xét xử cựu lãnh đạo Công ty chứng khoán SMES cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng
Ngày 9/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SMES (viết tắt là SMES) và Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI).
Mười bị cáo trong vụ án này bị buộc tội lợi dụng sơ hở, thiếu sót của các đối tác trong kinh doanh chứng khoán để lừa đảo chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng.
Trong số 10 bị cáo có 6 bị cáo gồm: Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SMES), Phạm Minh Tuấn (cựu Tổng Giám đốc SMES), Nguyễn Thành Nam (cựu Giám đốc SMES, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Huy Sơn (Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính SMES), Nguyễn Phương Lan (Trưởng bộ phận lưu ký chứng khoán SMES) và Cao Tuấn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Anh) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bốn bị cáo còn lại đều là cựu lãnh đạo và cán bộ của PVFI, gồm: Chu Xuân Lai (cựu Tổng Giám đốc), Lê Xuân Tân (cựu Phó Tổng Giám đốc), Vũ Xuân Công (cựu Phó Trưởng Ban dịch vụ tài chính) và Vũ Thị Hồng Lan (cựu Trưởng Ban dịch vụ tài chính) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, SMES thành lập năm 2006, có vốn điều lệ 255 tỷ đồng, do Phan Huy Chí làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc là người đại diện pháp luật. Công ty đăng ký các ngành kinh doanh như: lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tự doanh chứng khoán và môi giới chứng khoán.
Từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, bị cáo Chí và Tuấn cùng Nam, Sơn và Lan (đều là cán bộ của SMES) đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối như: tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng để tạo niềm tin và chiếm đoạt của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), PVFI và Ngân hàng thương mại cổ phần Habubank Hà Nội với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
- Yêu cầu công ty chứng khoán tuân thủ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
- Khởi tố một Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán
- Sửa quy định về trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán
Viện Kiểm sát xác định, 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại PVFI đã tiếp tay cho bị cáo Chí và các đồng phạm tại SMES thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVFI.
Cụ thể, 4 bị cáo này đều là những người có chức trách, nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, song đã không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao. Các bị cáo đã không làm đúng, đầy đủ quy trình Hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI và qui định tại Hợp đồng cung cấp dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết đã được ký kết giữa PVFI với SMES.
Khi PVFI ký kết các hợp đồng về việc niêm yết chứng khoán với SMES, các bị cáo đã không có mặt các bên cùng tham gia; không thực hiện đúng với nội dung hợp đồng... tạo điều kiện để bị cáo Phan Huy Chí cùng đồng phạm lợi dụng chiếm đoạt gần 112 tỷ đồng của PVFI.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.
Kim Anh/TTXVN