'Xe ôm mà cũng được lên ti vi à'?
(Thethaovanhoa.vn) - Đây là câu hỏi của một bác U70 chạy xe ôm khu vực quận Phú Nhuận (TP.HCM) khi nghe tin có một chương trình dành riêng cho các xe ôm khắp Việt Nam.
- Hà Nội: Tranh giành khách, tài xế Grab Bike cầm gạch ném tài xế xe ôm
- Lập đội xe ôm chở sinh viên miễn phí tới điểm xe buýt
- Nữ sinh sư phạm làm xe ôm ở Hà Nội
Xin chào bác tài lên sóng HTV7 lúc 10h từ Chủ nhật ngày 7/1/2018 là một chương trình như vậy.
Ở đây không chỉ dành cho xe ôm truyền thống mà còn cả xe ôm “công nghệ” như Uber, Grab, Mai Linh… Họ sẽ hòa thành các đội để thi thố với nhau qua 3 vòng, mục đích không phải thắng thua, mà chủ yếu để chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ nỗi lòng, xóa bỏ nghi kị lẫn nhau.
Chính MC Quyền Linh cũng cho biết câu hỏi tương tự như trên đã được nhiều xe ôm đặt ra khi nhà sản xuất chương trình mời họ tham gia. Quyền Linh nói rằng chúng ta đã đưa nhiều ngành nghề lên ti vi, có ngành nghề lên quá nhiều lần, trong khi xe ôm khá thân thuộc ở các đô thị, vậy mà đây mới là lần đầu.
Sau một thời gian ghi hình và bắt đầu phát sóng, Xin chào bác tài vẫn chưa có tài trợ, nhưng MC Quyền Linh và những người sản xuất vẫn mơ mộng rằng họ có thể làm được khoảng 50 số để phát sóng nguyên năm 2018. Họ tin vào sự lan tỏa, sự chân tình mà các tài xế xe ôm đem đến cho người xem nói chung.
Trong khi nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay được làm chỉ để mua vui, giải trí, tính chất thực tế gần như vắng bóng, vì kịch bản chặt chẽ, quảng cáo tinh vi, diễn viên chuyên nghiệp diễn bài bản. Thì việc làm những chương trình như Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng… và nay là Xin chào bác tài, nơi tính chất thực tế rất đậm đặc, dường như đi ngược lại xu hướng giải trí chung.
Còn nhớ khi những số đầu tiên của Vượt lên chính mình lên sóng, lúc mà Quyền Linh còn tập tành làm MC, vấp váp và lắp bắp, nhiều người nghĩ chương trình sẽ nhanh chóng khép lại. Nhưng nhờ tính chất thực tế và chân tình, chương trình đã trở thành bạn đồng hành của dân nghèo nhiều tỉnh thành.
Nếu những chương trình như vừa kể mà thất bại vì thiếu quảng cáo, vì thiếu tài trợ… cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh các khung giờ giải trí trên truyền hình đang chi phối mạnh mẽ bởi quảng cáo.
Xin chào bác tài lại phát sóng lúc 10h ngày Chủ nhật, một khung giờ đầy thách thức, khi tỷ suất người xem khá thấp, lại do các tài xế xe ôm thể hiện, không có định dạng kịch bản cố định, không có ngôi sao... Vậy có gì mà hấp dẫn? Thế nhưng, nếu chương trình truyền hình thực tế chỉ có mỗi mua vui, giải trí thôi thì cũng thật đáng lo, vì đời sống còn đó những nỗi buồn, những lo toan cần chia sẻ.
Quyền Linh tâm sự rằng, chính câu hỏi đầu tiên một lần nữa giúp anh nhận ra sự thật rằng: Các đô thị càng đông đúc, người người ở sát cạnh nhau, thì đôi lúc càng ít nhận ra nhau. Đôi khi người khác sống quanh mình mà như không hiện diện, và ngược lại, mình cũng không hiện diện trong mắt người khác. Dù mới ra lò, hãng xe ôm Mai Linh đã có hơn 10 ngàn tài xế, vậy thì Uber, Grab, rồi xe ôm truyền thống sẽ đông hơn rất nhiều. Nghĩa là họ tạm đủ lượng khán giả để có thể làm một chương trình truyền hình thực tế. Vậy mà khi nghe “Xin chào bác tài” có người chơi chính là các tài xế xe ôm, các “bác” xe ôm lại thảng thốt. Hình như chương trình cho họ cái cảm giác được hiện diện, nên họ vừa vui vừa e ngại, thẹn thùng.
Cuộc sống sẽ không bao giờ được bình đẳng trọn vẹn, sẽ có người hoặc có nghề may mắn hơn, đó là sự thật khó phủ nhận. Chỉ còn biết hy vọng những chương trình như Xin chào bác tài có thể kể được các câu chuyện của mình để cuộc sống bớt dửng dưng, vô cảm.
Vô Ưu