Nữ sinh sư phạm làm xe ôm ở Hà Nội
Hơn một tháng nay, Hoàng Thị Xuân, sinh viên khoa Giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm Hà Nội, làm xe ôm đưa đón học sinh. Công việc vừa giúp cô giáo tương lai trang trải cuộc sống, vừa hiểu được tâm lý học trò.
Xuân dự định sẽ làm 'chị xe ôm' đến khi đi thực tập tốt nghiệp.
Từng làm gia sư nhưng khi biết một công ty tuyển xế chuyên đưa đón học sinh, Xuân nộp hồ sơ, phần vì muốn kiếm thêm thu nhập, phần vì tò mò. Sau khi trình bằng lái xe và thử tay lái, Xuân được nhận vào làm. Ngày đầu tiên đến nhận việc, "cô xe ôm" quê Nam Định được phát mũ bảo hiểm, xe máy và áo đồng phục.
"Trước hôm đi làm, em hồi hộp không biết ngày mai mình sẽ thế nào. Mặc áo, đi xe có dán chữ xe ôm chắc sẽ nhiều người chú ý lắm. Mới đầu em cũng ngại nhưng giờ thì quen rồi", Xuân nhớ lại.
Đi trên đường được nhiều người chú ý, phụ huynh đợi con ở cổng trường hỏi han, Xuân thấy thích thú với công việc mới mẻ này. Cô chia sẻ, trước đây thích đi chơi nên thuộc nhiều đường ở Hà Nội, nếu đường tắc, cô rẽ vào ngõ nhỏ để học sinh không muộn giờ.
Chưa có kinh nghiệm như Xuân, 6/3 mới là ngày đi làm đầu tiên của Mai Nguyệt Anh và Phan Thị Tuyết (sinh viên năm hai ĐH Công nghiệp Hà Nội). Hai cô gái ngồi nhìn bảng giám sát các xe trên đường bằng định vị GPRS trong khi đợi quản lý phân công đưa đón học sinh. Nguyệt Anh cho hay, khi nghe con gái nói làm xe ôm, bố mẹ cô phản đối kịch liệt vì sợ vất vả, nguy hiểm.
"Bố mẹ ở quê nghĩ rằng em phải đứng ở đường mời khách đi xe và ra sức phản đối. Em phải giải thích rằng công việc chỉ là đưa các em nhỏ đi học rồi đến giờ đón về. Mất một thời gian sau, bố mẹ mới đồng ý cho em đi làm", Xuân kể.
Mỗi nữ tài xế được giao phụ trách một học sinh.
Khi có hợp đồng, quản lý sẽ giao cho các tài xế nữ như Xuân phụ trách một học sinh. Nếu có xế bận thi, các nữ sinh còn lại sẽ được điều động trợ giúp. Với hợp đồng đưa đón học sinh, phụ huynh sẽ trả tiền theo tháng. Trên mỗi xe máy đều có đồng hồ tính km và cài đặt GPRS.
Trong suốt một tháng đưa đón, Xuân và khách hàng nhỏ tuổi của mình trở nên thân thiết. Cậu bé hay chuyện trò với Xuân về bạn bè, cả việc học trên lớp. Xuân kể, có lần chú bé được điểm thấp và không muốn về nhà. Xuân phải đưa đi ăn kem và khuyên bảo em trước khi đưa về. "Hôm ấy, phụ huynh thấy muộn nên gọi điện hỏi sao giờ hai chị em chưa về đến nhà. Lúc về, em phải nói với chị ấy rằng bé được điểm kém, chị đừng mắng cháu", Xuân nói.
Hiện tại, đội đưa đón học sinh của Xuân có 5 nữ sinh nữa học ở các trường cao đẳng, đại học. Ngoài ra, đội xe ôm thân thiện này còn có nhiều nam sinh.
Trong hai tháng đi làm, Hiệp (trái) 'dính' một lần ngã xe và bị phạt vì đi ngược chiều.
Chàng sinh viên quê Ninh Bình cho biết, mỗi ngày trung bình chở 15-20 chuyến. Nhóm của Hiệp (khoảng 4 xế) đứng đón khách ở nhà chờ xe bus trước cổng ĐH Công nghiệp. Trước Tết, Hiệp kiếm được khoản lương kha khá sau khi nộp lại tiền cho quản lý. Thỉnh thoảng gặp người lớn tuổi hoặc sinh viên nghèo, cậu tự bỏ tiền túi ra trả giúp họ.
Hiệp cho hay, bên cạnh chở khách, cậu còn vận chuyển hàng hóa, bưu kiện khi khách yêu cầu. Có lần, Trung, cùng đội với Hiệp, được khách yêu cầu chuyển 5 củ khoai nướng cho cô bạn gái bị ốm ở tận Sơn Tây. Không tìm thấy nhà, tài xế này đành phải mang khoai về.
Vừa ra trường chưa kiếm được việc làm, Toàn, ĐH Thành Đô, đến xin làm xe ôm để chữa cháy. Cậu cho hay, lương ở đây được trả theo hai hình thức, nhận lương cứng 3 triệu/tháng hoặc "ăn" 80% (tiền xăng tự đổ). Nhắc tới việc con gái đi làm xe ôm, Toàn tỏ ra khâm phục.
"Nhiều bạn nam còn không dám làm việc này vì xấu hổ, ngại trong khi nhiều bạn nữ lại làm được. Con gái làm xe ôm mới đáng phục", Toàn nói.
Theo VnExpress