Xây dựng công trình nhân tạo ở Biển Đông tác động tiêu cực đến an ninh khu vực
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực", với sự tham của hơn 200 đại biểu là học giả, chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không, đó cũng chính là bổn phận, trách nhiệm và tâm nguyện của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, do quan điểm, lập trường và yêu sách về chủ quyền của các quốc gia trong khu vực còn nhiều khác biệt, nên thời gian qua Biển Đông vẫn đang "cộn sóng". Đặc biệt, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc lại tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn tại 7 nơi trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, học giả, quan điểm chính trị và phản ứng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đối với hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông có thể vẫn còn khác biệt, nhưng tác động tiêu cực của hành vi này đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi quốc gia trên thế giới.
Thảo luận về khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo và công trình, thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các chuyên gia, học giả đã nêu rõ các căn cứ, vấn đề pháp lý liên quan như khái niệm, phân loại, quy chế pháp lý, quyền tài phán quốc gia đối với đảo và công trình, thiết bị nhân tạo; vai trò của đảo nhân tạo trong việc hoạch định và phân định biển; lịch sử hình thành, phát triển và chế độ pháp lý của vùng nước an toàn xung quanh các đảo và công trình, thiết bị nhân tạo cũng như thực tiễn xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia trên thế giới.
Tiến sỹ Alena Ponkina, Giảng viên Đại học Luật Kutafin - Moscow (Liên bang Nga) cho rằng: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển khẳng định quyền của quốc gia ven biển trong việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế.
Trong khi đó, các quy tắc pháp lý quốc tế loại trừ khả năng tạo ra lãnh hải hoặc những vùng biển khác xung quanh các đảo nhân tạo cùng với ngoại lệ của vùng an toàn, được tạo ra tối đa là 500m nhằm mục đích an toàn hàng hải. Theo Tiến sỹ Alena.I.Ponkina, các đảo nhân tạo và các vùng biển xung quanh chúng có thể không được thiết lập, nếu như nó có thể can thiệp đến việc sử dụng các tuyến đường biển được công nhận và cần thiết cho hàng hải quốc tế.
Trình bày tham luận với nội dung "Vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo: Tình trạng pháp lý", Giáo sư, Tiến sỹ Erik Franckx, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije Universiteit pussels (Vương quốc Bỉ), Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Hay- Hà Lan, chỉ rõ: Các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một "vùng an toàn hợp lý” xung quanh chúng, được quy định bởi UNCLOS 1982, vốn thông thường không được vượt quá 500m.
Mặt khác, thẩm quyền của quốc gia ven biển trong vùng an toàn theo đó không phải tùy nghi, mà vì lợi ích được bảo vệ không chỉ đối với bản thân các đảo nhân tạo mà còn đối với hoạt động hàng hải.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo khẳng định, việc "đảo hóa" của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và các quốc gia khác; vi phạm các chuẩn tắc của pháp luật quốc tế, tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hại trong việc một quốc gia ngang nhiên “chà đạp” lên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và sẵn sàng vi phạm luật pháp quốc tế, trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông; đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; hủy hoại môi trường và hệ sinh thái biển, gây ra tác hại lâu dài đối với ngư dân trong vùng Biển Đông - những người phải dựa vào biển để mưu sinh qua nhiều thế hệ.
Đánh giá về tác động của việc xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực, các đại biểu đã phân tích, làm sáng tỏ những tác động tiêu cực của hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, môi trường, kinh tế, thương mại quốc tế và các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, liên quan đến quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển.
Theo Tiến sỹ Phạm Văn Võ, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: Hoạt động xây dựng công trình nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông tác động tiêu cực đến môi trường biển, hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển là vi phạm Luật Môi trường quốc tế. Hoạt động đó trái với tinh thần của nguyên tắc 2 của Tuyên bố Stockholm cũng như không phù hợp với nguyên tắc 7 của Tuyên bố Rio De Janeiro về môi trường và phát triển.
Mặt khác, việc tàn phá các rạng san hô và những tác động của nó đến hệ sinh thái biển là vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Điều 192 và Điều 193 của UNCLOS.
Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm nghĩa vụ hợp tác trong việc bảo vệ môi trường, nhất là trong việc cung cấp thông tin về tác động môi trường của hành vi xây dựng đảo nhân tạo được quy định tại Điều 197, 198, 199, 200, 201 của UNCLOS.
Đề cập đến vấn đề này, Giáo sư Tiến sỹ Jay L.Batongbaca, Khoa Luật Đại học Philippines, Giám đốc Viện Quan hệ Hàng hải và Luật Biển cho rằng: Việc xây dựng các đảo nhân tạo thông qua việc cải tạo đất, dẫn đến việc chúng sẽ hủy hoại hoàn toàn đối với nơi cư ngụ của các rạng san hô, gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường biển và hành động có chủ ý của Trung Quốc trong việc thực hiện những hành động cải tạo đất ồ ạt là trái với nghĩa vụ của nước này trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển được quy định rõ trong UNCLOS.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Jay L.Batongbaca, các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong vùng Biển Đông được thực hiện với tốc độ đáng báo động cùng với tác động to lớn đến môi trường biển, tạo ra một thách thức trực tiếp đối với việc giải quyết công bằng và khách quan các tranh chấp trên biển Đông.
Để ngăn chặn âm mưu và các hành động "đảo hóa" của Trung Quốc, ô ng Anup Singh, Phó Đô đốc, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng hải quân miền Đông Ấn Độ cho rằng: Trong bối cảnh này, cách duy nhất để đưa đến hòa bình và ổn định đó là các bên tranh chấp cần tìm kiếm công lý thông qua các thiết chế tài phán quốc tế. Mặt khác, các ASEAN cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này, vì lợi ích chung của khu vực.
Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)