Xâm hại bia 'bảo vật quốc gia': Lỗi 'không giám sát'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/4 vừa qua, Sở VH,TT&DL Hà Nam đã chính thức có công văn báo cáo với các cơ quan chức năng về vụ xâm hại bia Sùng Thiện Diên Linh (từng được TT&VH đề cập trong số báo ngày 20/4).
Cụ thể, trước lễ đón nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia vào sáng 18/4, bia Sùng Thiện Diên Linh đã được các đơn vị địa phương tổ chức "làm vệ sinh" để nhân dân chiêm ngưỡng trong ngày vinh danh. Và, theo phát hiện của một số chuyên gia Hán Nôm, quá trình làm vệ sinh này đã được thực hiện một cách cẩu thả, không tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn và tạo ra nhiều vết xước lớn trên bề mặt bia cổ.
Theo báo cáo ngày 21//4 của Phòng Văn hoá Thông tin huyện Duy Tiên (nơi đặt bia Sùng Thiện Diên Linh), các cán bộ văn hoá tại đây đều hoàn toàn hiểu rõ nguyên tắc bảo tồn nên "không hề có chuyện xâm hại". Lý do của hành động "vệ sinh" bia được quy về trách nhiệm của một nhóm thợ được giao nhiệm vụ dọn dẹp, chỉnh trang quanh khu vực nhà che bia. Theo đó, khi thấy các bia bị rêu mốc, nhóm thợ đã tự ý "cọ rửa" bia bằng chổi rễ và đây là hành động vô thức.Thực tế trên bề mặt bia Sùng Thiện Diên Linh do dùng chổi quét nên có đường chổi, chỗ còn rêu, chỗ trắng.
Một mặt cam kết sẽ sớm đặt hàng rào gỗ ngăn cách du khách trực tiếp chạm vào bia cổ và đặt biển thông báo, một mặt phòng Văn hoá thông tin huyện Duy Tiên cũng cho biết: thợ thi công được chỉ đạo chùi rửa, đánh bóng bia cổ bằng giấy ráp, bàn chải sắt… như dư luận nêu ra là không chính xác. Tuy nhiên, theo kết luận của Sở VH,TT&DL Hà Nam, mặc dù các hoạ tiết hoa văn và số lượng chữ Hán trên bia không mất đi, việc xây xước các chữ Hán và hoa văn này là có thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị của bia, cũng như tới tâm lý của khách thăm quan. Hiện, Sở VH,TT&DL Hà Nam đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thiếu ý thức trách nhiệm gây ra vụ việc trên và sớm có hình thức xử lý theo các quy định hiện hành.
Được dựng từ thời Lý (và xây lại trong thời Mạc), bia Sùng Thiện Diên Linh đặt tại chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên) với kỹ thuật chạm khắc đá rất tinh xảo, kèm theo đó là bài bi ký khắc trên bia với những thông tin đặc biệt quan trọng về Phật giáo cũng như đời sống văn hóa xã hội thời Lý.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa