Iceland biến Co2 thành đá để làm sạch không khí
(Thethaovanhoa.vn) - Tại quốc gia băng đảo Ai-xơ-len, các nhà giả kim thế kỷ thứ 21 đang sử dụng công nghệ chuyển hóa khí các-bon đi-ô-xít thành đá cứng, mục đích để làm sạch các khí thải độc hại trong không khí vốn dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Công nghệ này mô phỏng lại một quá trình tự nhiên vốn có thể mất tới hàng nghìn năm. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã bơm CO2 vào loại đá ba-zan xốp, tại đây khí CO2 sẽ được khoáng hóa và lưu lại trong đá vĩnh viễn. Tham gia dự án mang tên CarbFix này là các nhà nghiên cứu và kỹ sư đến từ công ty Năng lượng Rây-ki-a-vích, Đại học Iceland, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp và Đại học Columbia ở Mỹ.
Các nhà nghiên cứu thuộc dự án này đã biến nhà máy nhiệt điện Hellisheidi, một trong những nhà máy nhiệt điện lớn nhất thế giới, thành phòng thí nghiệm của mình. Nhà máy này nằm ở khu vực núi lửa Hengill Tây Nam Iceland, trên tầng đất đá bazan được hình thành từ dung nham núi lửa, và có thể tiếp cận được nguồn nước gần như vô hạn.
Nhà máy này bơm nước từ bên dưới núi lửa để vận hành 6 tua-bin cung cấp điện và hệ thống sưởi ấm cho thủ đô cách đó 30 km. Trong khi đó, CO2 từ nhà máy được thu từ hơi nước, hóa lỏng theo phương pháp ngưng tụ rồi được hòa tan trong một lượng nước lớn. Về cơ bản là các nhà nghiên cứu đang chế tạo ra nước soda từ CO2. Sau đó, lượng nước này sẽ được dẫn theo đường ống tới các khu nhà mái vòm. Tại đây khối nước này sẽ được bơm với áp suất lớn vào lớp đá sâu 1.000 mét dưới lòng đất. Dung dịch này sẽ lấp đầy vào những lỗ hổng của lớp đá và bắt đầu quá trình đặc rắn lại. Đây vốn là một phản ứng hóa học xảy ra khi khí Co2 tiếp xúc với Canxi, magie và sắt trong đá bazan. Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết lượng khí CO2 được bơm vào đây sẽ được khoáng hóa trong vòng 2 năm.
Ước tính, dự án CarbFix này giảm lượng khí thải CO2 của nhà máy nhiệt điện xuống tới 1/3, tương đương 12.000 tấn Co2 đã được thu và lưu trữ trong đá với chi phí chỉ khoảng 25$ một tấn.
Vnews