Vướng tranh chấp bản quyền, V-League 2018 chưa được tường thuật trực tiếp
(Thethaovanhoa.vn)- Trong ngày vui công bố nhà tài trợ chính cho Nuticafe’ V-League 2018, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú đã thông báo tin buồn khi đơn vị này đề xuất chấm dứt hợp đồng với Next Media, công ty chuyên sản xuất V-League 2017.
- V-League 2018: Còn người, còn của
- Tuyển Việt Nam là hạt giống số 1 AFF Cup 2018, đội Công Vinh sẽ là ngựa ô của V-League
- V-League 2018: Lối chơi nào sẽ lên ngôi?
Theo thỏa thuận ký kết vào năm ngoái, VPF đã giao công ty Next Media chuyên tổ chức sản xuất các trận đấu giải VĐQG. Công ty này được khai thác giải đấu thông qua kênh truyền hình cũng như internet. Theo giao kèo, thỏa thuận chia đôi lợi nhuận nhưng VPF lại không được cung cấp điều kiện yêu cầu.
Ông Trần Anh Tú cho biết: “Từ khi tôi lên nhận nhiệm vụ, VPF đã rà soát lại vấn đề bản quyền truyền hình sau khi có những ồn ào xung quanh vấn đề này. VPF thấy có một số vấn đề bất cập về pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của VPF khi ký hợp đồng với Next Media.
Chúng tôi đã gặp họ để đề xuất thay đổi, đàm phán hợp đồng mới, có những điều khoản tài chính họ chưa thực hiện được như đối chiếu công nợ… hai bên không đảm bảo được quyền lợi cho nhau nên Hội đồng quản trị công ty vừa ra nghị quyết chính thức giao cho Thường trực HĐQT VPF (tôi và anh Trần Mạnh Hùng) thực hiện các bước pháp lý với họ.
Việc tranh chấp về kinh tế trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau thì sẽ nhờ đến trọng tài kinh tế phân xử”.
Ông Tú khẳng định VPF hoàn toàn có quyền bán bản quyền truyền hình để tạo doanh thu vì đơn vị này được VFF giao toàn quyền tổ chức giải đấu. Việc tranh chấp kinh tế với Next Media khiến vấn đề bản quyền truyền hình trở nên rắc rối và đến thời điểm hiện tại khi V-League sắp khởi tranh, BTC vẫn chưa thể có lịch tường thuật trực tiếp đến người hâm mộ.
“Vì chúng tôi đang có tranh chấp nên những Đài nào đã ký hợp đồng với Next Media thì họ sẽ không dám tham gia tường thuật còn những Đài nào không liên quan thì không có vấn đề gì”, ông Tú nói.
“Chủ trương của VPF ở năm đầu tôi nhận nhiệm vụ thì bản quyền truyền hình lúc này vẫn như trước, tức là trao đổi theo phương thức hàng đổi hàng. Đơn vị sản xuất các trận đấu được nhà Đài phát sóng trả lại quyền lợi cho VPF bằng cách cho VPF 5 phút quảng cáo trước hiệp 1, 5 phút cuối hiệp 2 và 15 phút giữa hiệp.
Vấn đề là VPF có thể thu hút được nhiều quảng cáo để thu tiền về. Những nước có nền bóng đá phát triển không bao giờ thực hiện điều này nhưng bây giờ chúng ta phải cố, thay đổi từ từ. Nếu giải đấu chúng ta hay hơn thì VPF mới có cơ sở để đàm phán hợp đồng với các đối tác với giá trị lớn hơn”, ông Tú nói thêm.
“VPF hy vọng sẽ bán được bản quyền truyền hình với giá cao và dần thực hiện như nước ngoài, đấu giá nhiều nơi để chọn ra nơi trả giá tốt nhất. Chúng tôi muốn 100% các trận đấu có tường thuật trực tiếp nhưng quan điểm là không bằng mọi giá chạy theo.
Như thế thì người tiêu dùng thấy dễ quá, họ cứ xem miễn phí. Phải học nước ngoài như giải ngoại hạng Anh, người xem Việt Nam muốn xem được thì phải mua đầu thu K+”, vẫn lời Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF.
V.H