loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tiền vệ Bùi Trần Vũ và Hữu Thắng tưởng như đã bị đẩy ra đường, khi trái bóng mùa giải 2018 chỉ còn ít ngày nữa là lăn, nếu báo chí không phát giác - đấu tranh, và không có những cánh tay đưa ra.
Tương tự là trường hợp của cựu thủ môn Long An - Minh Nhựt, được giảm án vào phút cuối, sau hành động phản cảm và bị kết án ở trận đấu với CLB TP.HCM hồi đầu mùa giải 2017. Nhưng đội trưởng Huỳnh Quang Thanh thì không may mắn như vậy. Thanh nếu được xóa án hoạt động bóng đá vĩnh viễn, anh sẽ được Quyền chủ tịch CLB TP.HCM, Lê Công Vinh - đồng đội và là người bạn thân của Quang Thanh trong màu áo ĐTQG trước đây, tạo điều kiện đi học HLV, đặng sau này làm việc cho đội bóng.
Nhưng, với trường hợp của Nsi và Claudicier thì phức tạp hơn, khi các cầu thủ này tự ý xé rào đàm phán hợp đồng với CLB mới, trong khi bản hợp đồng cũ vẫn còn giá trị. “Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất mùa giải 2017”- Claudicier chạy ngược chạy xuôi, hết FLC Thanh Hoá rồi CLB Sài Gòn, trong khi đội bóng cần đàm phán đầu tiên phải là Quảng Nam, thì cầu thủ người Brazil lại không gõ cửa. Tệ hơn, theo phát ngôn của lãnh đạo Quảng Nam FC, Claudicier và đại diện của anh còn làm giả một bức thư của FIFA hòng gây sức ép để Quảng Nam nhả giấy chuyển nhượng quốc tế ITC.
Trong một diễn biến khác, tệ hơn, cựu tiền đạo HAGL Tạ Thái Học - một trong những nạn nhân của thứ bóng đá bạo lực xấu xí năm nào, có thể sẽ nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, sau khi không tìm được chỗ đứng ở CLB cũ và cũng không thể tìm được bến đỗ mới như hứa hẹn ban đầu. Tạ Thái Học có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất, nhưng vẫn có câu: Còn người, còn của. Tạm gác một bên những khuất tất, thì bóng đá mang sự đào thải rất khắc nghiệt. Thái Học còn trẻ và còn đầy đủ sức lao động.
Cách đây hơn 10 năm, người Đức đã thống kê rằng, cứ 50 ngàn đứa trẻ bước vào các Học viện bóng đá hay Trung tâm đào tạo trẻ, thì sẽ sản sinh ra một tuyển thủ quốc gia như Ozil chẳng hạn. Về chọn lọc tự nhiên và đào thải, tất nhiên với một nền bóng đá vùng trũng như Việt Nam, khó thể so sánh. Mặc dù vậy, việc có thể vượt qua các tuyến trẻ để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cũng rất nhiêu khê. Tiếc rằng, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp lại không biết quý cái nghề, phung phí các cơ hội và cẩu thả. Họ ném sự nghiệp của mình qua cửa sổ vì nhiều lý do, mà lý do tệ nhất là “bán mình cho quỷ”.
Vừa tái xuất V-League sau 4 năm nghỉ ngơi, bầu Đại quay trở lại chức danh điều hành quen thuộc tại CLB Sài Gòn. Tuy nhiên, điều quen thuộc gắn liền với ông lại xảy đến, lần này là tranh chấp chữ ký của ngoại binh Nsi Amougou.
Một cầu thủ nếu biết giữ gìn, sẽ có khoảng trên dưới 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp, nhưng sau đó là một khoảng trống mênh mông, thậm chí khiến họ chới với. Ngay từ khi còn thi đấu, họ đã phải chuẩn bị hành trang cho mình sau khi giải nghệ, tuy nhiên, chỉ một số ít nghĩ mình sẽ làm HLV bóng đá và đầu tư cho nghề huấn luyện. Và, sau khi không còn lựa chọn nào khác, họ mới bắt đầu và thường là đã muộn. Ai cũng bảo bóng đá khắc nghiệt, nhưng khắc nghiệt đến đâu, bạn phải trải qua nó mới biết được.
Một thông điệp truyền đi là, phải biết trân quý từng khoảnh khắc với nó, tránh phung phí và đừng 'phản bội' lại tổ nghề. Người xưa dạy, 'gái có công chồng chẳng phụ', đừng tự làm khó mình và đừng dồn mình vào chân tường, hãy nỗ lực không ngừng.
Tùy Phong
loading...