Vĩnh biệt Linda Lê: Sứ giả đặc sắc của văn học phân tán toàn cầu
Sự ra đi vì bạo bệnh của cây bút bậc thầy Linda Lê (1963, Đà Lạt - 9/5/2022, Pháp) để lại sự tiếc nuối lớn trên văn đàn quốc tế; đặc biệt với cộng đồng Pháp ngữ. Các tác phẩm của Linda Lê đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như Tình ca ác quỷ, Vượt sóng, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa, Vu khống… đều để lại dấu ấn sâu đậm trong giới độc giả nhà nghề.
Đồng sáng lập chuyên trang phê bình văn học En attendant Nadeau (Pháp) là Pierre Benetti, viết: “Nỗi buồn và cú sốc sau sự ra đi của nhà văn - nhà phê bình văn học Linda Lê là rất lớn. Những bài phân tích của bà cho thấy bà không chỉ là một nhà văn tài năng, mà còn là một người đọc sách tuyệt vời, bà có thể tương tác với những con chữ như thể đó là những sinh vật sống”.
Nhân tính là nền tảng hơn cá tính
Mỗi người trong bản tính và dạng thức đích thực, sâu thẳm của mình là thuộc về loài người trước khi tình cờ thuộc về giới tính, gia đình, sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, ngành nghề… nào riêng. Nhân tính là nền tảng hơn cá tính. Linda Lê ý thức minh bạch mình là nhà văn, còn cái gốc gác Việt Nam, hoặc phương tiện sử dụng tiếng Pháp, chỉ là thứ yếu.
Người đọc nên tiếp cận với tác phẩm của Linda Lê trong tinh thần ấy, để nhìn thấy tầm cỡ quốc tế và khả năng đứng bên lề các trung tâm, các định kiến và các định nghĩa của Linda Lê. Mọi nghệ sĩ, nhà văn, nhà triết học, hoặc nhà khoa học chân chính đều là của loài người, phục vụ cho loài người và thuộc về mọi không gian, mọi thời gian. Linda Lê là một sứ giả đặc sắc của văn học phân tán (literature in diaspora) toàn cầu. Chúng ta cứ nghĩ toàn cầu hóa là bao quát, là chia sẻ, nhưng thực ra, trong vô số vấn đề - mà văn học là một ví dụ tiêu biểu vẫn đang - lại phân mảnh rất lớn.
Điều này càng có ý nghĩa sau cái thế kỷ 20 điêu linh vì chiến tranh, phân tán với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới bỏ mạng, hàng trăm triệu người khác ly hương, mất đi cả căn cước, tiếng nói, quê hương. Văn học của những người phân tán linh lạc (diaspora) đó rộng hơn và bao trùm lấy những văn học gạch nối, sống giữa hai quốc tịch hoặc hai ngôn ngữ, nhiều khi do ngẫu nhiên, may rủi, hơn là do chọn lựa có ý thức. Những gương mặt lớn của văn học phân tán hoặc phân mảnh trên một trăm năm qua là Joseph Conrad, James Joyce, Vladimir Nabokov, Emil Cioran, Samuel Beckett, Cao Hành Kiện… rồi Linda Lê.
Thế giới giao thông tích cực từ hơn 500 năm qua mở đầu cho tiến trình toàn cầu hóa. Tông thương, thực dân, đế quốc - chinh phục, nô lệ hóa và diệt chủng, bóc lột và đồng hóa - là những bất bình đẳng, những chiêu bài, những lăng nhục mà con người áp đặt lên đồng loại của mình. Từ đó xảy ra cả sự hủy diệt di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên, bản sắc cá nhân, cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết hết các tranh chấp và mâu thuẫn. Văn hóa là của con người, nên phải phản ánh cái thực tại đó và hướng về sự bao dung, hòa bình, an lạc, tình thương.
Sau những trang viết tưởng chừng như sắc lạnh, cổ điển của Linda Lê là cái nhìn ấm áp, yêu thương chân thật vào nỗi khổ của con người và của chính mình. Chính cái thế đứng và cái nhìn của sự phân mảnh đó, cùng sự phản tư về ngôn ngữ, chơi chữ… đã làm nên cốt cách đặc sắc và mới lạ trong văn phong của Linda Lê.
Sau những trang viết tưởng chừng như sắc lạnh, cổ điển của Linda Lê là cái nhìn ấm áp, yêu thương chân thật vào nỗi khổ của con người và của chính mình. |
“Nhà văn chỉ có thể viết khi tự cảm thấy mình là một đứa con hoang”
Trong bài phỏng vấn mà báo Lire [Đọc] hồi tháng 4/1999, Linda Lê chia sẻ: “Viết, đó là sống lưu đày. Trong khi viết, bạn không còn mái nhà nữa, bầu trời trở thành nơi chở che và trên tất cả, tôi yêu mến sự trần trụi này. Nhà văn chỉ có thể viết khi tự cảm thấy mình là một đứa con hoang. Không là con của ai, của xứ sở nào cả, đối với tôi đó là thái độ duy nhất có thể. Tôi cho rằng người ta chỉ tồn tại trong đời khi biểu lộ khát khao chống kháng lại mọi cái cố định trong chính bản thân mình. Một sự chống kháng lại tất cả những gì không cho bạn nâng cao cái đẹp và chân lý. Tôi khước từ mọi phe cánh. Như Tomas Bernhard” - dẫn theo bản dịch của Mai Sơn.
Quan điểm này đã được Linda Lê theo đuổi trong suốt văn nghiệp đồ sộ của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Linda Lê đã vượt thoát mọi quy chiếu nguồn cội, mọi so sánh song song, mọi căn cước áp đặt hoặc huyễn tưởng để trình ra thế giới những tác phẩm có giá trị kinh điển với vẻ đẹp sắc tân kỳ, sắc lạnh như kim cương.
Những tác phẩm của Linda Lê tưởng chừng như nằm trong trào lưu hậu hiện đại, hậu thuộc địa, hậu nữ quyền…, nhưng không, chúng chỉ đứng gần, mà đặc sắc hơn. Chúng không giới hạn trong văn học hoặc trào lưu thuần túy, mà còn khai mở những giá trị đạo đức, tâm linh, giải cấu trúc về những quan niệm và hệ thống áp đặt hư ảo về bản ngã, gia đình, tổ quốc, luân lý, tín ngưỡng.
- 'Thư chết' của Linda Lê đã tới Việt Nam
- Nhà văn gốc Việt Linda Lê: Tôi chọn một con đường đơn độc
- Gặp nhà văn gốc Việt Linda Lê
Hơn là một nhà văn Việt Nam, Linda Lê đã chọn làm nhà văn không biên giới của văn học phân tán toàn cầu.
Cũng trong bài phỏng vấn đã đề cập, khi được hỏi bà ao ước điều gì? Linda Lê nói: “Tuyệt nhiên không. Luôn luôn viết mà không ngờ vực, tìm từ cuối cùng, từ còn thiếu, từ của tình yêu chúng ta, lòng kiêu ngạo của chúng ta, sự hãi hùng của chúng ta, sự vô nghĩa của cuộc đời... Người ta tìm nó có lẽ khi đã quá muộn, đến độ người ta không viết nữa. Holderlin đã tìm nó trong những bước lang thang của mình, Nerval tìm nó ngay khoảnh khắc ông tự treo cổ… Chính vì nó mà tôi bị cuốn hút bởi những lời trăn trối của những kẻ hấp hối. Trong tác phẩm của Henry James có nhân vật nói: Nó đây rồi, bông hoa xinh đẹp kia. Chính cha tôi đã đòi khoảnh khắc ấy”.
Người cha - một chủ đề lớn của Linda Lê Năm 1995, sau gần 20 năm xa cách, chỉ thư từ qua lại, người cha ở Việt Nam của Linda Lê đột ngột qua đời do tai biến, trước ngày ông sang Pháp thăm con gái. Linda Lê về nước chịu tang cha và cũng lần đầu thăm lại quê hương. Chính biến cố này đã hình thành nên một chủ đề lớn về cái chết, ở nhiều cấp độ, trong nhiều tác phẩm của Linda Lê. Ví dụ hai đoạn trong tiểu thuyết Tiếng nói, do Nguyễn Đăng Thường dịch: “… Cha tôi nằm dài trên giường trong bệnh viện, thân hình người ẩn dưới một tấm khăn trải giường trắng. Tôi lại gần, nắm lấy tay cha. Dưới sức ép của tay tôi, đầu và chân tay cha rời khỏi thân hình của người, như những trái thối. Hai chân của người rụng xuống, với một tiếng gọn lỏn. Cánh tay trái của người lủng lẳng ở cuối một sợi gân chằng. Đầu người lăn xuống đất. Tôi nhảy lui lại một bước. Bàn tay phải của người, bị cắt đứt lìa ở cườm tay vẫn mắc vào tay tôi. Tôi nghiêng mình, bằng cánh tay trái, tôi kéo đầu cha tôi lại phía tôi, áp nó vào ngực tôi. Đôi mắt mở nhìn tôi chăm chú. Hai giọt nước mắt long lanh trên hai gò má. Tôi đưa tay chạm tới, chúng lạnh, cứng, tựa như hai hạt kim cương”. Và: “… Cha tôi nằm dài trên bàn mổ. Xung quanh người, bầy chó của địa ngục canh gác. Mõm chúng khạc ra lửa. Tôi tựa đầu lên đầu gối. Tôi ve vuốt những cục u trên đầu. Cục u bên phải. Cục u bên trái. Và cái mụt nhỏ trên gáy. Tôi lùa một ngón tay vào mắt phải. Tôi vò rối đám dây thần kinh, quấn chúng quanh mấy ngón tay tôi. Những dây thần kinh. Đúng là qua mớ dây thần kinh Tổ chức đã truyền tin cho tôi. Lẽ ra tôi phải đoán biết được điều ấy ngay từ trước. Bọn chúng nhấn những nốt đàn lên xuống trên mớ dây thần kinh của tôi. Đúng là qua mớ dây thần kinh cuốn hút như có từ tính ấy bọn chuyên gia vô tuyến của Tổ chức đã truyền cho tôi những lời nhắn gởi của chúng”. |
Nguyễn Tiến Văn