Nhà văn gốc Việt Linda Lê: Tôi chọn một con đường đơn độc
* Ký ức tuổi thơ của chị khi ở Việt Nam như thế nào?
- Mọi kỷ niệm về Việt Nam của tôi đều gắn liền với cha tôi, ông gần như là người hướng lối cho tôi, người đã dạy cho tôi những điều của cuộc sống. Ông rất kín đáo, nhưng ông cũng biết truyền sang cho tôi một tình yêu nồng nhiệt với các môn nghệ thuật ở mọi hình thức của chúng. Ông rất gắn bó với Việt Nam, ông đã ở lại đất nước khi tôi theo mẹ tôi sang Pháp học tiếp, năm tôi mười bốn tuổi.
* Ký ức ấy có ám ảnh chị? Và có khi nào chị thể hiện trên trang viết?
- Vì các kỷ niệm của tôi về cơ bản đều liên quan tới cha tôi (ông đã mất ở TP. HCM năm 1995), thành ra tôi cảm thấy một nghĩa vụ về ký ức rất mạnh mẽ: mọi thứ tôi đã viết về đất nước quê hương đều là một hình thức vinh danh cha tôi. Tôi tìm cách tái tạo dựng những cảm giác đã hợp nhất tôi với ông, làm sao cho lúc nào ông cũng tiếp tục hiện diện.
* Sinh ra tại Việt Nam, sống tại Pháp và đạt được sự nghiệp văn chương bằng tiếng Pháp, điều ấy có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Ở bất kỳ đâu tôi cũng cảm thấy mình là người lạ. Việt Nam ám ảnh tôi, nhưng tôi cũng có những gắn bó mật thiết với nước Pháp, bắt nguồn từ học vấn, văn hóa của tôi. Tôi không thích bị dán nhãn đặt tên, tôi tự nhủ cần phải thoát ra khỏi mọi thứ định nghĩa. Tôi quan tâm tới văn chương nước ngoài hơn là văn chương được viết ra ở Pháp, và tôi không thuộc bất kỳ một hội nhóm văn chương nào. Tôi đã chọn một con đường đơn độc, và chính trong sự cô độc mà tôi tạo ra các tác phẩm hư cấu.
* Sau khi rời Việt Nam, định cư tại Pháp, cuộc đời chị đã có những biến đổi ra sao?
Linda Lê đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng tài năng (1990), giải văn chương sáng tạo (1993), giải fénéon (1997). Đặc biệt là giải Prix Femina cùng giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng cho tác phẩm Hồi tưởng (2007). |
* Vì sao chị đến với văn chương?
- Tôi viết để nổi loạn chống lại một trật tự sự vật nào đó, nhưng cũng là để cứu giữ quá khứ và tái tạo tương lai. Ở bước khởi đầu, tôi khá là rụt rè, nhưng sau đó, tôi đã căng hết sức mình ra để tạo ra những thế giới song song, nơi tôi diễn đạt những bức bối của mình, những nỗi tiếc nhớ, nơi tôi tìm cách thể hiện sự mạnh bạo bằng cách đẩy lùi những đường ranh giới của cái có thể.
* Trong quá trình viết, điều gì ám ảnh chị nhất?
- Cái chết, sự lưu vong, những rối loạn về chính trị.
|
- Tôi có thói quen viết vào buổi sáng, tối đến thì tôi xem lại những gì đã viết. Tôi cũng cần đọc rất nhiều khi nào viết, mặc dù những gì tôi đọc không có quá nhiều ảnh hưởng lên sự viết lách của tôi.
* Làm thế nào để chị duy trì sức viết?
- Có lẽ tốt hơn hết là chỉ viết duy nhất một quyển sách. Tôi không muốn in sách bằng mọi giá, mà đơn giản là đưa cho nhà xuất bản của tôi bản thảo mà tôi vừa viết xong, việc này luôn luôn làm tôi thấy nhẹ nhõm đi một chút, như thể tôi rời xa khỏi bản thân mình và tự cho mình quyền đan dệt ra các cốt truyện khác, những gì cho phép tôi khởi hành chinh phục những vùng đất mới.
* Văn chương đã mang lại cho chị điều gì và lấy đi điều gì?
- Văn chương đã giúp tôi sống được trong những khoảnh khắc hoang mang tột độ. Có tồn tại một nơi khác chờ sẵn người luôn luôn sẵn sàng khám phá cái chưa biết.
* Khi tác phẩm "Vu khống" được dịch ra tiếng mẹ đẻ và phát hành tại Việt Nam, chị cảm thấy điều gì đầu tiên?
- Tôi rất cảm động, tất nhiên. Như thể những mối dây liên hệ đã bị cắt đứt được nối lại.
* Lần này quay trở lại Việt Nam, tham gia 3 hội thảo ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, chị có cảm nghĩ gì sau bao năm xa đất nước?
- Mười năm rồi tôi chưa quay lại Việt Nam, tôi rất nóng lòng nhìn thấy những thay đổi đã xảy đến. Và tôi cũng rất tò mò được gặp gỡ công chúng Việt Nam.
* Ngoài tham gia hội thảo, chị có dự định nào nữa khi về Việt Nam không?
- Tôi hy vọng tìm lại các dấu vết của quá khứ tôi, cái thời tôi còn là một cô bé học sinh, thời tôi hay đi dạo với cha tôi. Dù thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn là đất nước của tuổi thơ tôi, ngay cả khi tôi đã rời đất nước được ba mươi năm.
Những ám ảnh trong Lại chơi với lửa
Là tác phẩm thứ hai của Linda Lê được dịch và xuất bản tại Việt Nam (sau tiểu thuyết Vu khống; ở nước ngoài cũng tồn tại một bản dịch tiểu thuyết Tiếng nói do Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ), tập truyện ngắn Lại chơi với lửa (Nguyễn Khánh Long dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) một lần nữa cho chúng ta bước chân vào thế giới người điên, thế giới của văn chương đậm đặc và những ẩn dụ, ngụ ngôn sắc sảo, ám ảnh. Từ lâu nay, nhà văn Pháp gốc Việt này đã được giới phê bình Pháp đặc biệt ca ngợi (sách của Linda Lê chủ yếu in ở nhà xuất bản không lớn lắm nhưng rất được tiếng là sành sỏi văn chương, Christian Bourgois), cả ở tiểu thuyết, truyện ngắn lẫn tiểu luận, được coi là nhà văn rất đặc biệt, dành cho một số lượng độc giả khiêm tốn nhưng là những độc giả khó tính, yêu văn chương. Sinh năm 1963, sang Pháp năm 1977, ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn Pháp với tập truyện Phúc Âm tội ác, Linda Lê đã là một gương mặt xuất sắc và trong vòng khoảng 20 năm cô đã khẳng định vị trí của mình, với hàng loạt tiểu thuyết như Vu khống (1993), Lời tên khùng (1995), nhất là Ba nữ thần số mệnh (1997); Linda Lê còn in một số tập tiểu luận như Mặc cảm Caliban và gần đây nhất là Xuống tới đáy cái không biết để tìm ra cái mới. Lại chơi với lửa gồm 14 truyện ngắn. Ở tập truyện này, các chủ đề thường thấy ở tác phẩm của Linda Lê được khai triển mạnh mẽ, trong một hình thức ngắn gọn, kiệm lời nhưng đa nghĩa, và nhất là rất ám ảnh. Cái chết, công việc viết văn, mối liên quan giữa người viết và công việc viết, chữ nghĩa, những quyển sách, lưu đày, nỗi hoang mang, sự điên, tội ác… được Linda Lê khai thác dưới nhiều góc cạnh, đầy dứt khoát và đau đớn. Có nhà phê bình Pháp đã gọi các truyện ngắn trong tập này là “những vết bỏng” gây nhức nhối. |