'Thư chết' của Linda Lê đã tới Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đương thời, dịch giả Nguyễn Khánh Long luôn âm mưu (đúng nghĩa đen của từ này) chuyển ngữ Thư chết (Lettre Morte, 1999) sang tiếng Việt, dù nó khá mỏng. Nay âm mưu ấy đã thành sự thật qua người khác, khi Thư chết do Bùi Thu Thủy chuyển ngữ đã được NXB Văn học cho ra mắt.
Không phải ngẫu nhiên mà Baptiste Liger đã nhận định trên tờ Lire danh giá: “Thứ ngôn từ tinh khiết và năng lượng của sự tuyệt vọng nơi Linda Lê trao cho khúc độc thoại này một sức mạnh hiếm thấy, ngang ngửa Thomas Bernhard hay Stig Dagerman”.
Trong giới cầm bút chuyên nghiệp trên thế giới, họ luôn biết phân định rõ về đẳng cấp của mình và của đồng nghiệp, mà Thomas Bernhard (1931-1989), Stig Dagerman (1923-1954) vốn thuộc “chiếu trên”. Có thể độc giả bình thường ít biết đến, nhưng giới nghề luôn xưng tụng họ là “nhà văn của nhà văn”. Đặt Linda Lê cạnh những bậc thầy này hiển nhiên Baptiste Liger có lý lẽ để bảo vệ danh dự ngòi bút của mình.
Thư chết vừa phát hành tại Việt Nam
Có lẽ đây là lý do đầu tiên và sau cùng khiến Nguyễn Khánh Long - dù mê say văn chương Linda Lê - mới chỉ mơ về việc chuyển ngữ Thư chết, nó quá khó. Như nhà phê bình văn học Czarny Norber đã nhận định: “Tuy vậy, người đọc sẽ nhầm nếu chỉ nhận ra trong Thư chết câu chuyện bệnh hoạn hay u tối. Cuốn sách tang tóc này còn là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất, một thiên đường không bao giờ tình tứ, vốn được dệt nên bởi tình yêu giữa đứa trẻ và cha của nó”. Cuộc song thoại mà như độc thoại giữa tôi với cha tôi, giữa tôi với nhân vật Nhà Xác vừa hòa quyện như một dòng ý thức miên viễn, khó tách biệt, vừa rời rạc, ơ hờ như sống và chết chẳng hề muốn quen nhau.
Đã viết thư thì phải có ý định gởi đến ai đó, dù người nhận có thể là chính mình. Người nhận trong Thư chết khá rõ ràng: người cha vừa qua đời sau hơn 20 năm cách biệt. Mà người chết nhận thư thì chẳng khác chi người mơ hồ, không xác định, hoặc không tồn tại. Chọn đối tượng đọc thư như vậy, rõ ràng Linda Lê không đơn giản muốn viết cho người đọc cụ thể nào. Viết ở đây quay về thành cuộc truy vấn chính mình, nơi tình yêu trong sáng và ẩn ức tính dục sâu thẳm cùng hiện diện trong tiềm thức của người con gái. Diễn đạt vừa rõ ràng vừa sâu lắng trạng thái mâu thuẫn này rất khó khăn, phải cần đến bút pháp của cao thủ. Linda Lê rất tinh tế ở khả năng này, để chuyển ngữ cho đạt, vốn chẳng dễ dàng gì.
Cuối cùng, thật khó để xếp Thư chết vào thể loại nào, dù từng câu thì nó là văn xuôi, nhưng suốt 100 trang chẳng xuống dòng, liền một khối ngay thẳng, diện mạo chung lại nghiêng về thơ xuôi nhiều hơn. Khá mỏng manh, nhưng phải có một khí lực sung mãn và một chất thơ tự do chảy dạt dào trong nhịp chữ thì mới viết nổi Thư chết. Cho nên đâu phải ngẫu nhiên mà văn đàn Pháp ngữ, vốn không thiếu sự kì thị giống nòi và giới tính, lại tôn vinh Linda Lê như một bậc thầy đang ló dạng.
Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, hiện đang sống ở Pháp. Chị đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng tài năng (1990), giải văn chương sáng tạo (1993), giải fénéon (1997). Đặc biệt là giải Prix Femina cùng giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng cho tác phẩm Hồi tưởng (2007). |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa