Việt Nam vs Oman: Nhận diện miếng đánh nguy hiểm nhất của Oman
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 thất bại liên tiếp, người hâm mộ mong chờ đội tuyển Việt Nam giành được kết quả tích cực hơn trước Oman, đối thủ mạnh nhưng không quá tầm của chúng ta ở vòng loại World Cup 2022.
Vòng loại World Cup 2022 châu Á:
* 23h00, 12/10: Oman vs Việt Nam (VTV6)
Soi kèo, nhận định Oman vs Việt Nam
LỊCH THI ĐẤU - KẾT QUẢ - XẾP HẠNG
- Bảng xếp hạng bóng đá - BXH vòng loại World Cup 2022 châu Á mới nhất
- Kết quả bóng đá hôm nay - KQBD trực tuyến - Kết quả vòng loại World Cup 2022
Đầu tiên là cách tiếp cận trận đấu. Tôn trọng đối thủ là cần thiết nhưng không có nghĩa là trận nào tuyển Việt Nam cũng mặc định đá phòng ngự phản công. Trước đối thủ được coi là “vừa tầm” như Trung Quốc mà ông Park vẫn chọn đá phòng ngự phản công rõ ràng là không phù hợp.
Oman có vẻ khó chơi hơn Trung Quốc nhưng được đánh giá là vẫn không quá tầm đối với chúng ta và người hâm mộ đang chờ đợi đội tuyển trình diễn lối chơi chủ động hơn, giàu sức tấn công hơn.
Việt Nam cần tránh lặp lại xu hướng thường chỉ chơi hay hơn, chỉ đá “bốc” lên, đá “nhiệt” hơn, tốc độ hơn, quyết tâm hơn sau khi bị dẫn bàn và quãng thời gian chúng ta bùng lên thường trong khoảng 15-30 phút.
3 trận đã đấu, Oman đều đá phản công do gặp các đối thủ được coi là mạnh hơn là Nhật Bản, Úc và Ả rập Xê Út. Trận nào họ cũng cầm bóng cỡ 40% trở xuống. Nhưng điều đáng nói là dù cầm bóng ít hơn các đối thủ, Oman vẫn có không ít pha phản công nguy hiểm. Họ đánh bại chủ nhà Nhật Bản 1-0 và tạo được nhiều cơ hội có thể ghi bàn dù thất bại trước Ả rập Xê út và Úc.
3 điểm mạnh nổi bật của Oman là thể lực tốt, tốc độ nhanh và mạnh vế đá biên. Trừ trận gặp Úc (vốn là đội có sở trường đánh biên, chơi bóng bổng), các trận gặp Nhật Bản và Ả rập Xê út, Oman đều thể hiện được khả năng tấn công biên nguy hiểm của họ.
Ở trận gặp Nhật Bản, đội bóng của HLV Branko Ivankovic chỉ cầm bóng 35,1% nhưng vẫn hưởng tới 6 quả phạt góc (nhiều gấp đôi chủ nhà) và bàn thắng duy nhất giúp Oman hạ gục Nhật Bản đến từ một pha lên bóng ở biên phải.
Ở trận gặp Ả rập Xê út, Oman chỉ cầm bóng 39,5% nhưng hưởng tới 8 quả phạt góc (Ả rập Xê út chỉ có 3 quả). Đó là chỉ dấu cho thấy khả năng tấn công biên khá tốt của Oman.
3 trận gặp Nhật Bản, Úc, Ả rập Xê út, ông Ivankovic đều dùng hai cầu thủ đá cánh là Abdullah Al Aghbari (trái) và Abdullah Fawaz (phải). Bộ đôi này được coi là những mũi tấn công lợi hại từ biên của Oman và tuyển Việt Nam phải đặc biệt đề phòng.
Đáng lo cho ông Park là chúng ta phòng ngự biên và chống bóng bổng ở trận gặp Trung Quốc rất không tốt. Cả hai hậu vệ cánh Văn Thanh lẫn Hồng Duy đều không mạnh về phòng ngự. Tấn Tài có vẻ cũng giỏi công hơn thủ. Ông Park cũng không còn những giải pháp phòng ngự biên đáng tin cậy hơn.
Nếu các hậu vệ cánh của chúng ta không chơi tỉnh táo, tập trung và không nhận được sự hỗ trợ từ đồng đội thì Việt Nam hoàn toàn có thể bị Oman khoét cánh trong trận đấu đêm ngày 12/10.
Trên hàng công, 3 trận vừa qua ông Ivankovic đều sử dụng cặp đôi đá chính là Khalifa Al Hajri và Al Alawi Al Mandhar. Đây đều là những cầu thủ nhanh nhẹn, xoay trở tốt, không dễ bị khống chế. Hỗ trợ cho cặp đôi nói trên là số 20 Salim Al - Yahyaei.
Tuy có thể lực tốt, tốc độ tốt và tấn công biên khá nguy hiểm nhưng Oman lại không phải đội có tổ chức chiến thuật chặt chẽ. Các cầu thủ của họ giống hầu hết các đội Tây Á khác, thường chơi bóng theo bản năng. Họ để lộ nhiều khoảng trống chính ở hai biên mỗi khi dâng cao và cũng bộc lộ nhiều sơ hở trong vòng cấm ngay cả khi vẫn có nhiều cầu thủ tham gia phòng ngự.
Đây chính là điểm tuyển Việt Nam cần tận dụng khai thác và hoàn toàn có thể khai thác được bằng những pha phối hợp nhanh, ít chạm, dựa trên khả năng di chuyển không bóng linh hoạt của các cầu thủ.
HT