Việt Nam vs Nhật Bản: Trải nghiệm quý giá
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Nhật Bản đang có vấn đề chuyên môn lẫn áp lực tinh thần. Đấy là cơ sở để hy vọng chúng ta có thể chơi thăng hoa và có kết quả khả quan.
KẾT QUẢ | BẢNG XẾP HẠNG | LỊCH THI ĐẤU
* 19h00, 11/11: Việt Nam vs Nhật Bản (VTV6)
Trực tiếp Việt Nam vs Nhật Bản
Soi kèo, nhận định Việt Nam vs Nhật Bản
- Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 châu Á
- Kết quả bóng đá vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
- Bảng xếp hạng vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
Cho dù kết quả chưa được như ý trong những trận đã qua nhưng Nhật Bản vẫn là “ông lớn” của bóng đá châu lục. 6 lần liên tiếp gần đây đều dự World Cup, trình độ và đẳng cấp của họ ở châu Á không thể bàn cãi.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc đội tuyển Nhật Bản thi đấu chưa tốt đến từ tình trạng mệt mỏi của các cầu thủ. Những trụ cột của Nhật Bản hầu hết chơi bóng tại châu Âu. Họ phải di chuyển hàng nghìn km để hội quân trước mỗi trận đấu. Bản thân HLV Hajime Moriyasu cũng thừa nhận, ông khó có thể truyền đạt hết những yêu cầu, ý đồ cần thiết tới các học trò không nhiều thời gian chuẩn bị.
Nói đâu xa, việc di chuyển cập rập của nhóm cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu sang Việt Nam lần này là minh chứng. HLV Hajime Moriyasu vào giờ chót mới có trong tay đầy đủ quân số cho buổi tập làm quen sân Mỹ Đình.
Trong khi đó, ông Park cùng học trò sau những trận đấu hồi tháng 10 đã được “về nhà” để vừa xả hơi dưỡng sức vừa ăn tập cả gần cả tháng trời để chờ đối thủ. Đã có kỳ vọng rằng đội tuyển Việt Nam sẽ lấy “sức nhàn đấu sức mỏi”. Liệu cơ hội để được điểm số đến từ lý do đó hay chí ít thầy trò ông Park sẽ chơi một trận ra trò.
Nếu đội tuyển Việt Nam đang khát khao đi tìm điểm số đầu tiên thì Nhật Bản cũng nặng nề tâm lý bởi sự khởi đầu không suôn sẻ. Chỉ có 6 điểm sau 4 lượt trận, nếu Nhật Bản rời Mỹ Đình mà không có được chiến thắng, họ sẽ thất thế trong chuyện tranh vé cùng Australia và Saudi Arabia.
Sức ép buộc phải thắng có thể khiến thầy trò ông Moriyasu Hajime “căng cứng” tại Mỹ Đình. Nếu đội tuyển Việt Nam biết cách tạo ra những ức chế cho đối phương, chưa biết chừng Nhật Bản sẽ càng ‘rối” trên sân. Làm được như vậy, thêm một yếu tố nữa để hướng đến kết quả tốt cho thầy trò ông Park.
Nhìn nhận những yếu tố bên lề như thế để hy vọng về trận đấu không quá lép vế của đội tuyển Việt Nam khi tiếp đối thủ “cửa trên”. Còn đặt lên bàn cân các chỉ số chuyên môn rõ ràng thì chúng ta chưa thể so bì với đối thủ.
Giá trị đội hình của các vị khách được định giá đến gần 3.000 tỉ đồng (trong khi giá trị đội hình đội tuyển Việt Nam chỉ vào khoảng 124 tỉ đồng). 17 người trong số gần 30 cầu thủ Nhật Bản sang Việt Nam lần này đang chơi bóng tại châu Âu ở các CLB danh tiếng Liverpool hay Arsenal. Nói thế, để thấy trước mắt thầy trò ông Park là ngọn núi thật sự.
Từ những thông số như thế, sự chênh lệch về trình độ, đẳng cấp rất rõ ràng. Nhưng không phải không có “cửa” nào dành cho đội tuyển Việt Nam.
Mấu chốt ở chỗ ông Park sẽ có những căn chỉnh phù hợp, biết nắm bắt và tận dụng thời cơ, cả một chút may mắn nữa. Khát khao đi tìm điểm số dựa trên tâm lý không có gì để mất cũng sẽ giúp học trò ông Park “nhẹ đầu” dễ đá. Bởi có thua Nhật Bản cũng chẳng mấy ai “nặng nhẹ” trách cứ điều gì.
Căn chỉnh đó có thể đến từ việc ông Park “vá” lại những “lỗ rò” nơi hàng thủ. Trần Đình Trọng đã sẵn sàng xung trận sẽ giúp đội tuyển Việt Nam yên tâm hơn việc gia cố sự chắc chắn trước khung thành.
Đá với Nhật Bản rất khó để đôi công và chơi “tất tay” xuyên suốt cả trận. Tuy nhiên, lựa thời điểm thích hợp, chọn diễn biến cụ thể trên sân để tung đòn cũng được xem như yếu tố gây ra bất ngờ. Ông Park cần giải phóng sức ì cho cầu thủ, để cầu thủ dám chơi và chơi được theo cách của mình. “Biết người, biết ta”, biết chắt chiu cơ hội không phải không có “vốn” để chơi và chơi “hết vốn” có thể.
Dễ gì được đá với anh hào châu lục trong một trận đấu đỉnh cao. Vậy nên, hãy chơi một trận “để đời” đi các học trò của ông Park.
Trần Tuấn