Việt Nam là trọng tâm trong chính sách 'xoay trục hướng Đông' của Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên TTXVN tại LB Nga cho biết báo “Độc lập” - một chuyên trang phân tích chính trị và thời sự quốc tế của Nga - mới đây đã đăng tải bài viết của nhà Việt Nam học kỳ cựu Grigory Lokshin bình luận về quan hệ Nga - Việt Nam cũng như những ý nghĩa trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ 29/11 - 2/12 vừa qua.
Theo bài viết, Nga là một trong những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Nga-Việt. Trước đó, khi giữ cương vị Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm Nga vào năm 2019 và gặt hái nhiều thành công với việc ký kết một loạt hiệp định thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế - thương mại, an ninh, quốc phòng….
Cũng theo bài viết, hợp tác với Việt Nam từ lâu đã là định hướng quan trọng trong kế hoạch “xoay trục hướng Đông” của Nga và ngày càng trở nên phù hợp trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay. Định hướng này không nhằm thay thế đối tác chính của Nga ở châu Á mà là để đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế-thương mại của Nga ở phía Đông.
Quan hệ Nga - Việt Nam dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tin cậy lẫn nhau về chính trị và quân sự. Đây là mối quan hệ “chiến lược” vì được xây dựng cho tương lai lâu dài. Mối quan hệ đó không chỉ được xác định dựa trên sự hiểu biết và những kỷ niệm tốt đẹp trong quá khứ mà còn phù hợp với các lợi ích chung. Trong những năm qua, hai nước đã thiết lập cơ chế tiếp xúc và đối thoại chính trị tích cực ở tất cả các cấp, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hợp tác chính trị song phương.
Về hợp tác kinh tế-thương mại giữa Nga và Việt Nam, tác giả Grigory Lokshin cho rằng quy mô quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay vẫn chưa tương xứng với mức độ quan hệ chính trị và những tiềm năng sẵn có. Các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhất của Nga đã nhiều lần đề cập đến những tiềm năng của Việt Nam với tư cách là đối tác kinh tế và chiến lược và chính sách ngoại giao của Nga cũng được phát triển theo định hướng này.
Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi và cơ sở kết nối hạ tầng giao thông chưa phát triển mạnh nên quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn hạn chế. Để tạo động lực mới cho mối quan hệ này, ông Lokshin cho rằng trước tiên Nga cần quan tâm phát triển giao thông đường biển để nối các cảng ở vùng Viễn Đông của Nga với Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng cần phát triển kênh liên lạc trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước và các cuộc tiếp xúc kênh 2 thông qua các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng khoa học để góp phần thúc đẩy thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Quang Vinh/TTXVN