Kinh tế thế giới trước thách thức suy thoái
Kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và khó lường.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023, đồng thời kêu gọi các nước cần phối hợp hành động để đưa lạm phát về mức mục tiêu, trong bối cảnh chỉ số này hiện cao nhất trong nhiều thập niên vừa qua.
Kinh tế toàn cầu suy giảm
Từ năm 2021 đến nay, nền kinh tế thế giới liên tiếp chịu tác động của nhiều cú sốc như dịch bệnh COVID-19, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột tại Ukraine, giá cả phi mã dẫn tới bất ổn xã hội tăng cao.
Trong Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới, công bố ngày 11/10, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, song hạ dự báo cho năm 2023 còn 2,7%, từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng 7. IMF nêu rõ, trong bối cảnh các nước tiếp tục chịu tác động từ tình trạng giá năng lượng và thực phẩm cao, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh, suy thoái kinh tế có thể diễn ra trên diện rộng. Trong đó, nhóm những quốc gia chiếm hơn 30% quy mô kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến suy giảm kinh tế ngay trong năm nay hoặc từ đầu năm tới.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại ở cả ba khu vực kinh tế lớn của thế giới. Kinh tế Mỹ năm 2022 tăng 1,6% (giảm tới 0,7% so dự báo trước đó) và chỉ đạt 1% vào năm 2023. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 3,2% và 4,4% trong năm nay và năm tới, lần lượt giảm 0,1 và 0,2% so dự báo trước đó. Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suy giảm mạnh hơn, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 0,5%. Trong đó, kinh tế Đức và Italy được cho là rơi vào suy thoái trong năm 2023…
Các nền kinh tế châu Á chịu nhiều áp lực do lãi suất tăng cao, xuất khẩu giảm sút do tình hình kinh tế khó khăn của các đối tác thương mại chính, nhất là Mỹ. IMF dự báo, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% và 4,9% trong hai năm 2022 và 2023, giảm tương ứng 0,2 và 0,1% so dự báo hồi tháng 7. Các nền kinh tế ASEAN chịu tác động mạnh từ giá lương thực, năng lượng cao, chi tiêu dùng giảm.
Điểm sáng hiếm hoi là các nền kinh tế Mỹ Latinh. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2022 từ 3% lên 3,5%, cao hơn mức trung bình thế giới. Khu vực này có thể trụ vững trước tác động mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu, nhờ xuất khẩu nguyên vật liệu giá cao, các điều kiện tài chính thuận lợi và các hoạt động bị ảnh hưởng đại dịch được khôi phục.
Ngoài dự báo của IMF, hầu hết trong các nhận định của các ngân hàng và chuyên gia hàng đầu thế giới cũng đều dự báo về nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 13/10 đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần "một cách nguy hiểm" đến suy thoái do lạm phát, lãi suất tăng và gánh nặng nợ ngày càng tăng ảnh hưởng tới các nước đang phát triển.
Theo ông Malpass, vấn đề lạm phát, lãi suất tăng và việc cắt dòng vốn đến các nước đang phát triển đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo. Ông nhận định cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu có thể xảy ra theo một số trường hợp nhất định. Trước đó, trong nghiên cứu công bố vào giữa tháng 9 vừa qua, WB cảnh báo rằng nếu các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.
Nỗ lực giảm lạm phát
Theo các chuyên gia phân tích, những yếu tố chính khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng. Nền kinh tế Mỹ, châu Âu đã chật vật vì giá khí đốt tăng cao, trong khi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, lạm phát leo thang lên mức kỷ lục trong hàng chục năm qua là đáng lo ngại nhất. IMF dự báo, lạm phát toàn cầu có thể lên 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống các mức 6,5% và 4,1% trong hai năm tới.
Trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 13/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tìm cách giảm lạm phát, đưa ra chính sách tài khóa có trách nhiệm và bảo vệ sự ổn định tài chính. Để kiềm chế sức ép lạm phát, theo IMF, các ngân hàng trung ương cần hành động quyết liệt để chỉ số này đi xuống và việc thực hiện những cam kết của các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng duy trì mức độ tin cậy, tránh gây chao đảo thị trường.
Hiện ngân hàng trung ương các nước cũng đều đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong năm nay. Một số thành viên Ban lãnh đạo của FED cho biết, Mỹ sẽ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm kiềm chế giá tăng cao. Lạm phát tại Mỹ đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Theo các quan chức FED, việc ổn định giá đòi hỏi tăng lãi suất liên tục, sau đó siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian cho đến khi FED tin rằng có thể đạt mục tiêu đưa lạm phát trở về mức 2%.
Cùng với FED, các ngân hàng trung ương của nhiều nước, trong đó có Indonesia, Na Uy, Phillipines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ , Anh… cũng đồng loạt thông báo về việc tăng lãi suất.
- Tổng giám đốc WTO: Kinh tế thế giới trên đà suy thoái
- Kinh tế thế giới bất ổn trước các biến số khó lường
- Khủng hoảng năng lượng và 'bóng ma' lạm phát vẫn đuổi theo nền kinh tế thế giới
Ngân hàng trung ương Canada (BOC) nhận định, tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế lạm phát. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng BOC sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế Canada đã tăng trưởng chậm lại và lạm phát bắt đầu giảm. Thực tế BOC đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 3 vừa qua, từ 0,25% lên 3,25% trong khuôn khổ của một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất được ghi nhận ở Canada. Kết quả của những đợt tăng lãi suất này đã cho những dấu hiệu tích cực khi chỉ số giá tiêu dùng của Canada trong tháng 8 đã tăng 7%, nhẹ hơn so với mức 7,6% trong tháng 7 và 8,1% hồi tháng 6. Tuy nhiên, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của BOC cũng đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường bất động sản.
Trong khi đó, nhằm đối phó lạm phát đang ở mức 10%, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất huy động thêm 1,25% và dự kiến tăng thêm 0,75% vào ngày 27/10 tới. Mặc dù vậy, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo, xu thế tăng lãi suất do FED dẫn đầu đang gây nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Ông Borrell cho rằng, các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất nhiều lần của FED để ngăn đồng tiền của họ mất giá so với đồng USD.
Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng tăng lãi suất là nó có thể góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới, đặt các nước vào tình thế khó khăn trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát. Mặc dù vậy, IMF vẫn khẳng định việc ưu tiên chống lạm phát, tập trung vào nhóm dễ chịu tác động, hỗ trợ các nước thu nhập thấp, cũng như đảm bảo chính sách tài chính và tiền tệ luôn song hành sẽ giúp các nước đảm bảo ổn định kinh tế và xã hội, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, giúp kinh tế thế giới thoát được nguy cơ rơi vào suy thoái sâu.
An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)