Cuộc sống của những người lớn tuổi tại Florida lao đao vì bão Ian, rơi vào cảnh trắng tay ở cuối đời
Cơn bão khiến những người đang ở độ tuổi nghỉ hưu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa việc rời đi và ở lại.
Buộc phải rời đi
Vào khoảng hơn hai thập kỷ trước, đôi vợ chồng già Jane và Del Compton đã có một chuyến du lịch đến vùng tây nam Florida của nước Mỹ. Trong chuyến đi ấy, họ đã tình cờ ghé thăm thành phố Fort Myers, nơi mà họ quyết định dành cả phần đời còn lại, một nơi mà họ có thể an hưởng tuổi già trong không gian yên bình và nắng vàng rực rỡ.
Tại đây, đôi vợ chồng đã mua một mảnh đất, một ngôi nhà di động và những món đồ nội thất nhỏ mà đối với họ là xa xỉ: một chiếc quạt máy có điều khiển từ xa, một chiếc tivi để bà có thể xem những bộ phim truyền hình yêu thích và ông thì xem những bộ phim cao bồi Viễn Tây.
Nhưng niềm vui chẳng thể kéo dài, cơn bão Ian đã tàn phá mảnh đất thiên đường của họ, nhấn chìm những bức ảnh của bốn thập kỷ chung sống, phá huỷ ngôi nhà và khiến họ không còn nơi nào để ở. Thậm chí, họ còn không có cả bảo hiểm cho căn nhà vì tuổi của nó đã quá cũ - từ năm 1978.
Và giờ đây, cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 đành cam chịu từ bỏ giấc mơ nghỉ hưu của mình. Họ sẽ phải quay về quê hương Louisville, Kentucky cùng với con gái, rời xa những người bạn già yêu quý vốn đã thân quen trong suốt 20 năm. Giấc mơ về những buổi chiều đắm mình trong ánh hoàng hôn ở Florida bỗng nhiên xa khỏi tầm với.
Ngồi bên ngoài nhà thờ với một chiếc hộp đựng những gì còn sót lại sau cơn bão, hai ông bà chia sẻ: “Chúng tôi đã nói về nó, tranh cãi về nó, la hét về nó và khóc vì nó”, mơ ước của bọn họ nay đã tan vỡ.
Số liệu chính thức về số người chết do cơn bão đã cho thấy một sự chênh lệch lớn về độ tuổi. Khoảng 96 trong số 126 nạn nhân đã được xác định, và 70 trong số đó là người từ 60 tuổi trở lên. Nhiều nạn nhân lớn tuổi đã được tìm thấy ngay tại nhà riêng.
Tuy nhiên, không chỉ những người đã qua đời mà cả những người sống sót cũng phải đối mặt với tình huống khó khăn. Ngay cả khi họ có thể xây dựng lại cuộc sống trước đó, thì đây cũng là một nhiệm vụ quá mất thời gian và công sức, thậm chí là tiền của. Nhiều người giống như ông bà Comptons, họ sống nhờ khoản tiền lương hưu cố định, không có bảo hiểm cho thiệt hại lũ lụt và nhà cửa. Việc xây dựng lại nơi đã từng là thiên đường của họ trở nên bất khả thi - một sự thật tàn nhẫn và đột ngột.
Ông Richard Hoyle (75 tuổi) đã cùng vợ chuyển đến hòn đảo Pine, gần Fort Myers vào tháng 12 năm ngoái. Ông đã khăng khăng với vợ rằng họ sẽ vượt qua được cơn bão lớn, nhưng nó đã đánh sập bậc thang của ngôi nhà, và đôi vợ chồng lần đầu tiên được chứng kiến một chiếc thuyền bị thổi bay qua khỏi con kênh với sức gió lên đến 150 dặm/giờ.
Vị cựu lính thuỷ đánh bộ và lính cứu hoả cho hay: “Chúng tôi đã quyết định đây sẽ là ngôi nhà nghỉ hưu, và chúng tôi sẽ ở lại chiến đấu vì nó. Tôi rất vui vì quyết định đó, có một số trận chiến rất đáng để chúng ta chiến đấu đến cùng".
Tương tự như vậy, ông Garland Roach (79 tuổi) nói rằng mình không có ý định rời bỏ ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng nằm lọt thỏm trong một khu phố nhỏ ở phía bắc Fort Myers, nơi cây cọ đơn độc trong sân trước đang bị bao vây bởi những mảnh tàn tích còn sót lại sau cơn bão.
“Con gái muốn tôi trở lại Ohio, nhưng tôi đã trả lời rằng mình muốn ở lại đây". Ông chỉ hy vọng rằng Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang hoặc Lực lượng Bảo vệ Anh ninh Quốc gia sẽ cung cấp một tấm bạt để che đi mái nhà đang dột nát: “Tôi không thể sống nổi một mùa đông nào nữa với căn bệnh viêm khớp nếu mái nhà không được sửa chữa”.
Kể từ sau khi cơn bão quét qua, bà Carol Freeman (75 tuổi), đồng thời cũng là một nhân viên bưu điện đã về hưu đã phải sống trong không gian tối tăm vì mất điện, sử dụng khăn giấy ướt trẻ em để vệ sinh cơ thể và ăn những món đồ được cứu trợ. Bà đã mất nhiều ngày để nghĩ về việc liệu một cuộc sống như thế này có xứng đáng để bà lưu luyến hay không. Sau hơn bốn thập kỷ trên đảo, có lẽ đã đến lúc bà phải trở về quê hương Chicago.
Mặt khác, một số người nghỉ hưu tại vùng Gulf Coast cũng đang lên kế hoạch rời khỏi tiểu bang sau cơn bão.
Bà Deb Macer (69 tuổi), một trong những cư dân tin rằng dù điều kỳ diệu có xảy ra giúp bọn họ xây dựng lại mọi thứ, thì nhiều cặp vợ chồng trong số họ cũng đã ở độ tuổi 80 hay 90, quá già để có thể ở lại đây.
- Bão số 5 (SONCA) hướng vào Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, giật cấp 10
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão SONCA
- Bão Noru khiến tình trạng ngập lụt tại Thái Lan thêm nghiêm trọng
Trước khi cơn thiên tai xảy đến, họ đã trải qua những ngày trong khu phố với một nhịp điệu quen thuộc, thư thái. Họ lên kế hoạch cho những buổi cà phê, hàng ngày đi dạo qua cây cầu để đến đảo Estero, bà Macer còn lên kế hoạch cho các buổi gặp mặt cư dân và chồng bà, ông Stacy (70 tuổi) vốn được biết đến như một người đàn ông có cung cách cư xử khéo léo. Nhưng phong cách sống này đã không còn nữa.
Một đôi vợ chồng khác, Cindy và Steve Duello chỉ vừa mới bắt đầu thực hiện ước mơ về hưu tại đây. Cặp đôi thường xuyên đi bộ và đạp xe dạo quanh bãi biển Fort Myers, chăm sóc những chậu hoa lan, trò chuyện vui vẻ với những người hàng xóm và dạy các cháu của mình cách tìm những viên đá cuội xinh đẹp trên bờ biển. Một cuộc sống yên bình trong một ngôi nhà nhỏ khiêm tốn trên phố Albatross, nơi tụ họp của một gia đình bốn thế hệ từ những năm 1980.
“Căn nhà chỉ rộng 1.200 feet vuông (hơn 111 m2), nhưng đó là dinh thự của chúng tôi", bà Duello tâm sự.
Cơn bão Ian đi qua đã để lại cho bãi biển Fort Myers một đống đổ nát, gần như không thể nhận ra hình dạng ban đầu của nó, cùng với ngôi nhà của gia đình Duello ngập trong nước biển. Nhiều ngày sau cơn bão, khi mọi người quay về từ nơi sơ tán và thấy căn nhà bị phá huỷ, họ nhận ra rằng thị trấn không thể được xây dựng lại kịp thời để họ có thể tận hưởng nó lần nữa.
Tiến thoái lưỡng nan
Đối với những người dân Florida bản xứ, cơn bão đi qua đã đặt họ vào một tình thế không có sự lựa chọn: họ không thể tưởng tượng việc rời khỏi quê hương của mình ở những năm cuối của cuộc đời, nhưng nhà cửa của họ đã mãi mãi không còn nữa.
Ở Naples, cách Fort Myers khoảng 40 dặm về phía nam, khu phố River Park chìm trong khung cảnh tuyệt vọng. Những người thợ làm thuê và chủ nhà đang vận chuyển những đồ vật bị ngâm trong biển nước ra khỏi nhà, tạo thành những đống rác khổng lồ hai bên đường đi.
Bà Rosalie Bulger (73 tuổi) ngồi ở phòng khách, xem lại những gì còn sót lại trong ngôi nhà trong khi mùi ẩm mốc và thối rữa đang bao trùm khắp nơi. Trước cơn bão, bà vốn đang tận hưởng cuộc sống hạnh phúc với gia đình con gái ngay bên cạnh. Nhưng giờ đây, khi nhìn vào đống đổ nát xung quanh, bà không thể tưởng tượng được sẽ mất bao lâu để ngôi nhà có thể khôi phục lại. Tuy nhiên, khi nói chuyện với người thân và bạn bè, bà vẫn kiên quyết không rời vùng đất này.
Bà Linda Stevens (75 tuổi) đã quyết định sống trên đảo Pine kể từ sau khi chồng qua đời vào năm ngoái. Bà yêu cuộc sống của mình ở nơi đây: những người bạn cùng đi nhà thờ, những hoạt động tình nguyện và phong cảnh tươi đẹp.
Ian là cơn bão đầu tiên mà bà Stevens phải trải qua, khiến bà ngồi co ro cùng với những người hàng xóm vì không thể rời khỏi hòn đảo. Giờ đây, bà đang phân vân giữa việc bán toàn bộ ngôi nhà hay sẽ giữ lại để có thể đến ở một số thời điểm trong năm.
“Nếu tôi 50 tuổi, tôi sẽ cứng rắn và nói rằng mình sẽ ở lại. Nhưng tôi không còn ở độ tuổi ấy nữa. Tôi không thể nào sống nổi qua một mùa bão nào nữa”.
Sông Thương
(Nguồn: The New York Times)