Mua chung cư cùng chị gái, chẳng mấy chốc hối hận vì hàng ngày phải đụng mặt: Làm hàng xóm với người thân chẳng phải chuyện dễ dàng
Kể từ khi chuyển đến sống gần với chị gái, An Nhiên thường phải tránh mặt chị vì tự ti.
An Nhiên và Mỹ Ngọc là hai chị em ruột, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc. Khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, cả hai mua nhà trong cùng một khu chung cư. An Nhiên ở tầng ba, còn chị gái Mỹ Ngọc ở tầng bốn. Tuy nhiên điều không ai ngờ tới là kể từ đó, hai chị em nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Trong gia đình, an Nhiên và Mỹ Ngọc có một người em trai. Vì phải để dành cho em trai cưới vợ nên bố mẹ không thể hỗ trợ hai chị em khi mua nhà. An Nhiên làm việc trong một siêu thị, chồng làm ở trường tư thục, lương cũng không quá cao.
So ra thì hoàn cảnh gia đình chị Mỹ Ngọc tốt hơn nhiều vì có công việc ổn định, chồng làm việc ở cục thuế. Để thuận tiện, hai chị em quyết định mua nhà cùng một tòa chung cư. Vì không có điều kiện kinh tế như chị gái, An Nhiên phải xoay xở vay mượn nhiều nơi để có thể mua nhà. Chị Mỹ Ngọc cũng chỉ có thể hỗ trợ cô 40.000 NDT (tương đương 134 triệu đồng).
Vì đã dồn toàn bộ tiền để mua nhà, còn phải trả nợ hàng tháng nên An Nhiên không có điều kiện trang trí nhà mới như chị gái. Sự khác biệt này dần đẩy hai người xa nhau hơn.
Sau đó, một sự cố khác đã xảy ra khiến khoảng cách giữa An Nhiên và chị gái Mỹ Ngọc ngày càng lớn. Mẹ chồng của cả hai lần lượt dọn lên ở cùng gia đình, hai bên thường xuyên gặp gỡ để nói chuyện. Dần dần, hai bà mẹ chồng hình thành tâm lý so sánh. Vì gia đình không có điều kiện như chị gái, An Nhiên ngày càng tự ti.
Không chỉ có nhà đẹp, Mỹ Ngọc còn sắm thêm xe sang, mỗi lần về thăm mẹ còn mua nhiều đồ đắt tiền.
Dần dần, An Nhiên không còn thân thiết với chị gái, hai người cũng hạn chế gặp mặt. Mỗi lần tình cờ gặp chị ở sảnh chung cư, An Nhiên đều chọn tránh mặt đi. Về sau, mẹ ruột của cả hai phải nói chuyện với các con, tình hình mới được cải thiện một chút. Dẫu vậy, hai chị em chẳng thể thân thiết như trước.
Từ câu chuyện của hai chị em An Nhiên và Mỹ Ngọc, hai chị em mua nhà trong cùng một tòa nhà có cái lợi nhưng đồng thời cũng có cái hại.
Trước hết, ý định mua nhà gần nhau của hai chị em không hề xấu. Việc mua chung một dự án có điểm lợi là giá có thể rẻ hơn. Hai là nếu một trong hai gia đình gặp khó khăn thì có thể giúp đỡ nhau. Không những thế, trong tương lai nếu cha mẹ ốm đâu thì có thể đón đến ở, hai chị em tiện chăm sóc, phụng dưỡng.
Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc sống không suôn sẻ như dự định. Những tình huống phát sinh ngoài ý muốn đã vô tình đẩy mối quan hệ của cả hai đi xa hơn. Mỗi người đều có gia đình riêng, mối quan tâm dành cho nhau cũng giảm bớt. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, con người không thể tránh được sự so sánh. Nếu khoảng cách kinh tế quá lớn thì khó tránh khỏi việc mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Vốn dĩ gia đình An Nhiên và chị gái sống rất yên bình, hòa thuận. Từ khi mua nhà mới, sống trong cùng một tòa nhà, giữa hai người họ và gia đình dần dần nảy sinh sự so sánh. Tiền đặt cọc mua nhà, đến cách bài trí, đến đồ đạc, môi trường sống của con cái cũng trở thành mục tiêu so sánh giữa hai gia đình.
Thứ hai, khoảng cách giúp mối quan hệ thêm bền. Giao tiếp quá thường xuyên không phải là điều tốt, nếu hai nhà thỉnh thoảng gặp nhau trong những ngày lễ thì mối quan hệ thậm chí có thể thân thiết hơn.
Thứ ba, ngay cả khi không có xung đột giữa hai chị em, những vấn đề khác cũng sẽ xảy ra giữa các thành viên khác trong gia đình.
Ví dụ như mẹ chồng của An Nhiên và chị gái sẽ âm thầm so sánh lẫn nhau. Cách làm thân này không có lợi cho quan hệ giữa hai nhà.
Người đi trước có một câu nói rằng mặt trời và lòng người là những thứ không thể nhìn trực tiếp. Mối quan hệ giữa con người với nhau rất tế nhị, đặc biệt là người thân. Mỗi người sẽ nhìn nhận vấn đề từ góc độ của mình, vì vậy, kể cả giữa những người thân thiết nhất, cũng nên duy trì một khoảng cách nhất định. Mua nhà cũng vậy, nếu có thể ở xa thì mối quan hệ sẽ thân thiết hơn.