Vì sao có derby Thể Công và CAHN?
(Thethaovanhoa.vn) - Gần 20 năm là cầu thủ bóng đá bảo vệ màu cờ sắc áo Thể Công, có thể nói tôi là một trong những ở cầu thủ thế hệ của mình có mặt đầy đủ trong tất cả những trận thi đấu với đội CAHN, kể cả các loại giải đấu và các trận giao hữu kể từ năm 1969, khi tôi chính thức có tên ở đội hình 1 cho đến những trận đấu cuối cùng của cuộc đời cầu thủ tại giải VĐQG năm 1981.
- Thể Công luôn bổ sung nhân tài
- Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'
- Cựu cầu thủ Thể Công và 'cái buổi ban đầu lưu luyến ấy'
Tôi còn nhớ, sau khi đội bóng đá trẻ Thể Công tập huấn ở Triều Tiên về nước (cuối năm 1968), Đoàn TDTTQĐ vẫn đóng quân ở làng Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Đội tiếp tục luyện tập tại sân bóng tự tạo từ những năm trước.
Ngoài các trận thi đấu nội bộ diễn ra thường xuyên với các anh ở đội hình chính, Thể Công trẻ có mời một số đội bóng mạnh đến thi đấu và đã gây tiếng vang lớn bởi lối chơi hiện đại, đẹp mắt và thường giành thắng lợi trước các đội bóng đàn anh. Dư luận ca ngợi rất nhiều nhưng thời điểm ấy, do hạn chế trong công tác thông tin tuyên truyền về các sự kiện văn hóa, TDTT nên giới chuyên môn và nhiều vị lãnh đạo có uy tín, quan tâm đến bóng đá còn bán tín, bán nghi về sự trưởng thành nhanh chóng của Thể Công trẻ.
Để có cái nhìn khách quan, vô tư và đánh giá chính xác về đội bóng sau một năm tập huấn nước ngoài, tướng Vương Thừa Vũ, Phó TTM trưởng, phụ trách chỉ đạo Đoàn TDTTQĐ, yêu cầu tổ chức một trận đấu giao hữu giữa Thể Công trẻ và một đội mạnh ở Hà Nội để qua đó có thể đánh giá chính xác sự tiến bộ và trưởng thành của đội bóng.
Trận đấu báo cáo này được tổ chức tại SVĐ Cột Cờ Hà Nội (sân thi đấu chính thức của Thể Công từ 1954, nay là khu vực trước Ngọ Môn, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long).
Đối thủ của Thể Công trẻ được xác định là CA Hà Nội, đây là đội bóng tiêu biểu có ý thức tổ chức tốt và là đại diện cho Thủ đô Hà Nội tại các sự kiện đối nội và đối ngoại. Trận đấu được mời rộng rãi, đặc biệt các tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo Tổng cục TDTT, và đông đảo cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an công tác tại Hà Nội.
Theo chỉ đạo của tướng Vương Thừa Vũ, đây là trận đấu báo cáo kết quả tập luyện sau 1 năm ở nước bạn, rất nhiều tướng lĩnh cao cấp và cán bộ thể thao dự khán và sẽ có đánh giá về sự tiến bộ của đội, do đó ông yêu cầu HLV trưởng Nguyễn Văn Tiền phải dùng đội hình mạnh nhất, tự tin thi đấu với khả năng cao nhất của mình.
Ông căn dặn, các cầu thủ đàn anh CAHN đã nhận lời thi đấu với đội trẻ thể hiện họ rất khiêm tốn, tôn trọng các em, họ hứa sẽ thi đấu tận tình để có một trận đấu hay cống hiến cho người xem. Vì thế, thắng thua không quan trọng mà vấn đề chính là phải thi đấu với tinh thần nỗ lực cao nhất, luôn tôn trọng các anh, đảm bảo phong cách TDTT.
Trận đấu diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, đẹp mắt với kết quả hơn cả mong đợi của các nhà tổ chức. Tôi nhớ mãi trận đấu ấy không chỉ vì mình đã chơi trọn vẹn 90 phút mà còn bởi đây là trận đấu đầu tiên chúng tôi đọ sức với một đối thủ rất mạnh, có nhiều cầu thủ rất nổi tiếng mà tôi đã được nghe, được xem qua các buổi tường thuật bóng đá trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và những lần cùng đồng đội xem các anh thi đấu tại giải vô địch miền Bắc mấy năm trước. Vậy mà hôm nay được đọ sức với họ!
Có thể tóm tắt diễn biến của trận đấu này như sau: Ở hiệp 1, thế trận diễn ra cân bằng khi CAHN dày dạn kinh nghiệm đã chơi chắc chắn, kìm chế sự hưng phấn của chúng tôi. Trong vòng 30 phút, chính các cầu thủ CAHN đã gây cho chúng tôi nhiều khó khăn khi họ liên tục tấn công ở 2 biên, kéo dãn hàng phòng ngự đội trẻ tạo điều kiện cho trung phòng Từ Như Hiển xâm nhập rất nhanh kết thúc bằng cái chân trái đầy sức mạnh của anh.
Tuy nhiên, nhờ lối chơi đơn giản, chỉ 1, 2 chạm của từng nhóm cầu thủ tạo nên những tam giác, tứ giác do di chuyển nhiều và đa dạng…đã được rèn luyện cả năm trời ở Triều Tiên, đến gần cuối hiệp 1 tiền đạo cánh trái Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn) đột phá rất nhanh vượt qua các hậu vệ CAHN ghi bàn thắng đầu tiên.
Vào đầu hiệp 2, CAHN gỡ hòa 1-1 sau pha đá phạt gián tiếp ngoại khu vực 16m50 nhờ kinh nghiệm và sự khéo léo của tiền vệ tấn công kỳ cựu Đoàn Sơn kiến tạo, trung phong Từ Như Hiển đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho CAHN bằng cú sút chân trái như trái phá.
Nhưng cũng kể từ phút 60, nhờ thể lực vượt trội, chúng tôi đã chiếm ưu thế tuyệt đối, liên tục hãm thành, tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn trước khung thành CAHN. Tỷ số đã có thể còn cao hơn nếu các tiền đạo dứt điểm chính xác. 30 phút cuối cùng sự chủ động hoàn toàn về chúng tôi khi CAHN đã không còn đủ thể lực để tranh chấp. Nhưng nhờ kinh nghiệm dày dạn, các cầu thủ phòng ngự CAHN đã khôn khéo khống chế các mũi nhọn của Thể Công.
Trận đấu tưởng như có thể hòa 1-1…nhưng rất bất ngờ, chỉ còn vài phút, từ một đợt tấn công bên cánh phải, bóng bật ra đúng lúc tiền vệ tấn công Phan Văn Mỵ lao lên và anh đã ra chân nhanh như tia chớp ghi bàn thắng quyết định nâng tỷ số lên 2-1 cho Thể Công trẻ!
Đó cũng là kết quả cuối cùng của trận đấu! Không gì có thể tả nổi niềm vui phấn khích của chúng tôi khi ấy, một trận đấu chúng tôi đã khẳng định được sự tiến bộ vượt bậc của mình và điều quan trọng hơn là được mọi người thừa nhận!
Các cầu thủ Nguyễn Văn Nhã (áo sọc) và Từ Như Hiển (giữa áo trắng) của CAHN tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đội bóng. Ảnh: NVCC
Sau trận đấu, các cầu thủ CAHN tuy có buồn vì thua trận nhưng vẫn bắt tay chúc mừng chúng tôi. Tôi nhớ tiền vệ tấn công Đoàn Sơn, người mà tôi được phân công theo sát trận đấu này, đã nói với tôi lúc chia tay: “Phải công nhận các em đã chơi rất hay, nhanh và hiệu quả. Thể lực các em quá tốt, chúc các em chơi hay hơn nữa”!
“Thể Công trẻ đã thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc của mình sau 1 năm tập huấn”, đó là nhận xét của tướng Vương Thừa Vũ.
Tôi nhớ khi ấy các đội bóng thường chơi với sơ đồ đội hình 4-2-4. Với Thể Công là TM Trần Quốc Nghị, các hậu vệ Nguyễn Văn Nhật (2), Nguyễn Trọng Giáp (3), Nguyễn Thanh Giang (5) và Nguyễn Duy Phú (4), 2 tiền vệ là Vũ Mạnh Hải (6) Phan Văn Mỵ (9), các tiền đạo là Bùi Ngọc Chi (7), Nguyễn Viết Cầu (8), Bùi Xuân Thêu (10) và Nguyễn Thế Anh (11).
Đội CAHN khi ấy có nhiều cầu thủ đã luống tuổi như các anh Vũ Hạc, Tô Giới Pháp ở hàng phòng ngự; Đoàn Sơn, Trần Đức ở hàng tiền vệ nhưng CAHN lúc này cũng có những cầu thủ trẻ, mới bổ sung lớn tuổi hơn chúng tôi một chút như các anh Từ Như Thành, Từ Như Hiển từ Tân Đảo mới về nước, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Văn Đặng, Hồ Văn Chi, Nguyễn Minh Quang…từ đội TN Hà Nội bổ sung đã tạo nên một luồng gió mới khiến CAHN trở thành một “thế lực” cạnh tranh quyết liệt với Thể Công, Tổng cục Đường sắt, TC Bưu Điện.Từ sau trận đấu này, những lần đối đầu sau này với CAHN đều là những trận quyết đấu theo đúng nghĩa của nó. Tôi không nghĩ lý do chính bởi trận thua các cầu thủ trẻ Thể Công đã chạm đến tự ái của các cầu thủ CAHN mà tôi cho rằng, đó là cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa 2 đội bóng của lực lượng vũ trang Thủ đô, của quan điểm chiến thuật đối lập giữa 2 đội, của sự tranh đua không khoan nhượng giữa 2 lực lượng CĐV đầy khao khát.
Nếu thống kê lịch sử chuỗi trận đấu Thể Công – CAHN, phần thắng nghiêng về Thể Công vẫn nhỉnh hơn, nhưng nếu trận đấu giữa 2 đội hòa nhau, mọi người thường cho đó là thất bại của Thể Công! Cũng phải thôi vì có một điều cần thừa nhận: Mọi điều kiện tổ chức, xây dựng bóng đá Thể Công luôn luôn vượt trội so với bóng đá CAHN ! Có thể vì thế đã hình thành nên những trận derby giữa Thể Công và CAHN chăng?
Vũ Mạnh Hải
Thể thao & Văn hóa