Vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về
18 năm trước, Nguyễn Trương Quý ra mắt cuốn sách đầu tiên về Hà Nội, mang tên Tự nhiên như người Hà Nội (2004), đoạt giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2019, tới nay, anh vẫn say mê viết về đô thị này, với gia tài hơn chục đầu sách.
Tiếp tục đào sâu vào những câu chuyện làm lên vẻ đẹp của Hà Nội trong vòng trăm năm qua, mới đây, Nguyễn Trương Quý tái ngộ bạn đọc với tập du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô (NXB Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam phát hành).
Sinh ra và lớn lên trong ngõ phố, bởi thế mà ngay từ nhỏ Nguyễn Trương Quý đã quen thuộc với những con ngõ cũ Hà Nội. Anh còn nhớ, có một thời với bạn bè được tự do đạp xe loăng quăng, không thiếu chỗ nào không sục sạo, mà bố mẹ chẳng phải lo lắng.
Từ ngã rẽ công việc
Nguyễn Trương Quý học kiến trúc, thích vẽ vời, nhất là phong cảnh, nhưng lại rẽ hướng sang viết văn. Có lẽ vì thế mà trang trang viết anh luôn ám ảnh về không gian Hà Nội, những phố phường đa dạng, những ngôi nhà đầy ắp số phận và nhưng con ngõ hun hút như đời người…
Làm công việc viết lách, để tâm đến Hà Nội từ những ngày đầu, nên việc tìm kiếm tư liệu để dựng lấy một cái nhìn về Hà Nội là điều anh vẫn làm như một thói quen. Đọc và trải nghiệm với những sản phẩm văn hóa hay những trước tác kinh điển của các tác giả từ thời trung đại, thời thuộc địa đến thời hiện đại, đã cho Nguyễn Trương Quý thấy nhiều sự biến đổi của không gian Hà Nội liên quan đến câu chuyện di chuyển.
Anh nói: “Tôi thấy sự vận động của thành phố với một khối cộng đồng người thích ứng rất nhanh và năng động. Sự năng động ở đây bao hàm việc người ta biết cách dịch chuyển trên thực địa bằng phương tiện nào. Có vô số câu chuyện về phương tiện. Nào là một thời “Một yêu anh có Pơ-giô (peugeot)”, xe đạp như một gia tài khủng khiếp. Nào là những câu chuyện về xe Simson, xe “kim vàng giọt lệ”,… cho đến xe Dream Thái như một sự khẳng định “thương hiệu” của những anh trai phố. Và nhiều câu chuyện khác cho tới nay để thấy phương tiện thay đổi, nhưng cách nhìn vào sự chuyển động vẫn theo một quy luật”.
“Tiếp nữa, là sự dịch chuyển của con người trong tâm tưởng, mà hiện nay người Hà Nội vẫn thường gọi là “nhảy số”. Họ biết cách thích ứng và dịch chuyển mau lẹ với thời cuộc, với không gian sống. Chính điều này khiến những câu chuyện về Hà Nội không bao giờ bị cũ. Viết về cái cũ, khảo về cái xưa, nhưng thực chất đều là những câu chuyện rất đương thời” - anh nói thêm.
Từ đủ mọi câu chuyện như thế, đã trở thành nguồn cơn thôi thúc Nguyễn Trương Quý viết Triệu dấu chân qua những cửa ô. Để rồi, nó trở thành cuốn sách đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Cuốn sách quan sát, trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.
Cho đến hành trình vào không gian đô thị
Đọc Triệu dấu chân qua những cửa ô, dễ thấy khả năng tạo không gian của Nguyễn Trương Quý. Cả cuốn sách như một cuộc hành trình bước vào không gian đô thị theo cả hai chiều không gian - thời gian. Tương ứng cuốn sách được chia thành 5 chương gồm: Nhập thành, Lên xe xuống bến, Thưởng hoa ngoạn thủy, Lạc thú và ưu tư, Tiếng rền của phố.
Ở đó, mỗi phần mở ra một không gian Hà Nội theo những góc nhìn rất riêng, như cách để tác giả kể lại câu chuyện của riêng mình về Hà Nội. Một phần viết về không gian đô thị, một phần viết về phương tiện đi lại, một phần viết về cảnh quan, một phần viết về sự “ăn chơi” của người Hà Nội, một phần viết về những người nghệ sĩ làm nên dấu ấn của Hà Nội trong văn chương, trong thơ ca, trong âm nhạc.
Đúng như TS văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng, tập du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô là một bức chân dung về Hà Nội với tất cả dáng vẻ của nó. Đó là không gian đô thị với 5 cửa ô, với những ngã tư, với những tầng gác cao, với những ánh đèn neon. Đó là cách người Hà Nội đã di chuyển trong thành phố từ chiếc xe đạp, ô tô,… đến những phương tiện đã mất đi như tàu điện, hay tàu thủy trên sông,… Đó còn là không gian cây cối, cảnh quan núi non, sông hồ quanh Hà Nội. Tất cả những hình dung về không gian như vậy, làm cho chúng ta gần Hà Nội hơn bao giờ hết.
“Ở Triệu dấu chân qua những cửa ô có một sự hòa hợp nhuần nhuyễn. Đó là một khảo cứu nghiêm ngặt, được tạo nên từ sự kỳ công của tác giả phải đi “khảo cổ học” trong những tàng thư ở thư viện có khi chỉ để lọc ra một vài mẩu tin nhỏ trên báo cũ. Và đi liền với chất khảo cứu này, là một chất văn hấp dẫn. Chính sự gặp gỡ giữa chất khảo cứu nghiêm ngặt với chất văn đẹp, đã giúp Nguyễn Trương Quý thành công khi dựng lên chân dung thành phố và cố gắng nắm bắt được tâm hồn của mảnh đất này”, TS Phạm Xuân Thạch nhận xét.
Chính Nguyễn Trương Quý cũng thổ lộ: “Tôi bắt đầu mạch những khảo cứu này ở tâm thế kẻ lang thang trên những con đường cũ mới, trong những trang viết, bài thơ hoặc câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ, hoặc dừng chân ở những khoảng không gian mà tôi ví chúng như quảng trường, ngã tư. Tập khảo cứu này, thực sự là một hành trình được thuật lại”.
Và giải mã những “huyền thoại”
Nhìn vào cuộc hành trình của Nguyễn Trương Quý trong Triệu dấu chân qua những cửa ô, sẽ thấy nhiều điều khác so với những tác giả viết về Hà Nội trước nay. Theo Phạm Xuân Thạch, “thay vì dựng lên một huyền thoại của đô thị, Nguyễn Trương Quý tìm cách giải thích, cắt nghĩa về huyền thoại, cũng như lý giải cơ chế tạo dựng của những huyền thoại”.
Ví dụ với huyền thoại 5 cửa ô, Nguyễn Trương Quý cho biết: “Chúng ta vốn đã rất quen thuộc về hình ảnh 5 cửa ô của Hà Nội, nhất là qua bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh…”. Tuy nhiên, theo khảo cứu của tôi, trước năm 1945, Hà Nội đã từng có đến 21 cửa ô, trong đó thống kê trên các văn có tên của 18 cửa ô, nhiều cửa ô hiện nay cũng đã mất dấu”.
Vậy nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát Tiến về Hà Nội, cũng như một số tác giả khác vào thời điểm đó họ trỗi dậy ý niệm về 5 cửa ô như thế nào?
Nguyễn Trương Quý lý giải: “Những người nghệ sĩ đã nhìn thấy và tìm thấy cảm hứng từ ngôi sao vàng 5 cánh trên lá quốc kỳ. Với vị thế thủ đô của một nước độc lập, họ đã dùng thủ pháp chập hình ảnh trên tấm bản đồ Hà Nội, đặt phương vị của bản đồ chồng lên ngôi sao vàng 5 cánh tương ứng với 5 cửa ô. Hình ảnh này đã nhấn mạnh tính chất quy tâm của Hà Nội như một ý niệm chính trị, văn hóa, mặt khác “ngôi sao - 5 cửa ô” tạo ra một truyền thống mới về khắc họa tư duy sử thi cho nơi chốn, mà các cuộc kháng chiến sau đó bồi đắp tiếp”.
- Đọc 'Hà Nội bảo thế là thường' của Nguyễn Trương Quý: Huyền thoại về '2 chiều' Hà Nội
- Tác giả Nguyễn Trương Quý: Giá trị Hà Nội nằm ở sự tự trọng và tiết chế
- Nguyễn Trương Quý: “Gu Hà Nội” đang là thiểu số
Ngoài ra, trong Triệu dấu chân qua những cửa ô, tác giả còn có một phát hiện lý thú khác. Đó là: “Những người đầu tiên nghe nhạc sĩ Văn Cao hát bài hát Tiến về Hà Nội ở chiến khu lại là 2 họa sĩ Bùi Xuân Phái và Tạ Tỵ. Trong đó, Bùi Xuân Phái là một tác giả hội họa vẽ về Hà Nội nổi tiếng nhất, gắn với biểu tượng của phố cổ Hà Nội. Còn với Tạ Tỵ, ông rời chiến khu về Hà Nội, sau di cư vào Nam. Khi vào Nam, ông đã viết bài thơ Thương về năm cửa ô xưa - tác giả Trương Quý kể lại.
Anh cho biết thêm: “Trong bài Thương về năm cửa ô xưa, Tạ Tỵ kể về 5 cửa ô và khi đặt vào hình thái bản đồ đã đúng với vị trí của 5 cánh sao. Ô Yên Phụ ở phía Bắc, ô Cầu Giấy ở phía Tây, ô Quan Chưởng ở phía Đông, ô Cầu Dền ở phía Đông Nam và ô Chợ Dừa ở phía Tây Nam”.
Nguyễn Trương Quý cũng cho thấy có những con người khi rời xa thành phố vẫn giữ những ý niệm huyền thoại về Hà Nội, từ cuộc cách mạng đã qua cho đến những ký ức đẹp đẽ khác. Câu chuyện về 5 cửa ô Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều những “huyền thoại” thú vị khác mà sách này nhắc nhớ một cách đầy hóm hỉnh. Như chuyện “mua đường” của Tam Lang, Nguyễn Tuân nhân “một đêm họp đưa ma Phụng” (khi Vũ Trọng Phụng mất năm 1939), hoặc chuyện Nguyễn Tuân mất xe đạp…
Công Bắc