Đọc 'Hà Nội bảo thế là thường' của Nguyễn Trương Quý: Huyền thoại về '2 chiều' Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách đã ra mắt cả tháng rồi, nhưng dư âm của nó vẫn khiến người ta phải “tung hứng về một vài huyền thoại phố” với tác giả của nó. Đó cũng là chủ đề cuộc tọa đàm với Nguyễn Trương Quý, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu và BTV Diệu Thủy được tổ chức tại Manzi, số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội vào tối nay, 6/11. Cuộc tọa đàm có sự tham gia trình diễn của nghệ sĩ guitar Phạm Quốc Triệu cùng 2 giọng ca Giang Trang và Trí Trung.
Tôi đọc Hà Nội bảo thế là thường của Nguyễn Trương Quý trong những ngày miền Bắc se se lạnh và trong lòng miên man nhớ đến văn chương Thạch Lam, Vũ Bằng, tim ngân lên những bản nhạc Đặng Thế Phong. Thế nhưng rất nhanh sau đó, Nguyễn Trương Quý với tản văn của anh đã kéo tôi ra khỏi cái thực tại lành lạnh và đôi khi u buồn ấy, để đến với một Hà Nội khác.
Bất cứ ai say mê Hà Nội đều ôm giữ trong mình những mộng tưởng riêng về thành phố sương giăng và thần thoại này. Thạch Lam viết về Hà Nội phố nghèo nhã nhặn, ẩm thực thanh cảnh, tình người thân thương; Đinh Hùng hồi tưởng về Hà Nội với sóng rượu Hồ Tây và những lần huynh đệ giang hồ nhậu thâu đêm suốt sáng, về những đêm hát cô đầu trên phố Khâm Thiên mà ở đó, Nhất Linh, Khái Hưng thi nhau trổ tài cảm âm, hát nhạc; Vũ Bằng tơ tưởng Hà Nội với 4 mùa trời đất, với người bạn chiếu chăn khiến ông suốt đời thương nhớ... Tất cả những con người đó, văn chương đó, đã góp phần tạo nên những huyền thoại khác nhau về Hà Nội, một Hà Nội chỉ có thể cảm được, chứ khó lòng đem ra mổ xẻ, phân tích được.
Nhà văn và kiến trúc sư
Ấy vậy mà, ngót nghét hơn 80 năm sau, trên văn đàn lại xuất hiện một chàng kiến trúc sư đem Hà Nội ra “mổ xẻ”, và mổ xẻ rất tinh trong tập tản văn Hà Nội bảo thế là thường. Tôi phân vân không biết nên giới thiệu Nguyễn Trương Quý là nhà văn hay là kiến trúc sư, bởi ở anh, 2 khía cạnh ấy dường như đã hòa vào làm một, như anh từng “tự thú”: Ngành kiến trúc cung cấp cho anh một tư duy về cấu trúc ngay trong việc viết, và văn chương đối với anh như một người quen.Nhưng dù là kiến trúc sư hay là nhà văn đi nữa, thì đứng trước Hà Nội có lẽ cũng không còn quan trọng, bởi với câu chữ là chất liệu, anh đã tái dựng lại được cả hồn cốt Hà Nội một thời.
Tập tản văn Hà Nội bảo thế là thường được chia thành 4 phần chính, lần lượt bàn về chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện đời sống và sự đổi thay của đất Hà thành trong suốt những năm đầu đô thị hóa đến nay.
Đọc văn Nguyễn Trương Quý, người đọc sẽ thấy một giọng văn tỉnh bơ, cảm xúc được tiết chế tối đa, thay vào đó là trùng trùng thông tin thời đại đan xen với lối nói bông đùa lộ liễu mà vẫn có duyên vô cùng. Có lẽ, khía cạnh kiến trúc sư trong Nguyễn Trương Quý lúc nào cũng đòi hỏi anh cắt gọt văn chương, chỉ giữ lại những gì trọng tâm nhất. Và giống như một công trình kiến trúc cầu kỳ nhưng lặng lẽ, mở lối cho người khác đi vào khám phá vẻ đẹp và cảm nhận; văn chương của Nguyễn Trương Quý là văn chương đầy kiến thức mà không khoa trương, luôn khơi gợi người đọc lật thêm từng trang để đi tìm và biết thêm về những dấu vết văn hóa của Hà Nội quá vãng và Hà Nội đương thời.
Cuốn sách Hà Nội bảo thế là thường mở đầu với câu chuyện Bụi hồng quán nước, cũng là câu chuyện về mối tình nhiều dư âm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và ca sĩ Lê Hằng, Nguyễn Trương Quý đưa người đọc từ thú uống của đàn ông Hà Nội đến cái thú lớn hơn của con người miền Bắc: Thú lý luận. Người Hà Nội nói riêng, người miền Bắc nói chung ưa tranh cãi, nhưng không bao giờ có chuyện tranh cãi bừa, mà là lối tranh cãi có lý lẽ, có dẫn chứng, có lập luận, và đôi khi còn lôi cả khung lý thuyết Đông - Tây vào tranh luận nữa.
Thế nhưng cuối cùng, tản văn Bụi hồng quán nước ấy lại khép lại không phải ở lý luận hơn thua, mà ở một chuyện tình muôn đời dang dở. Thế mới thấy, dù người miền Bắc có lý luận đi nữa, thì lý luận đến mấy cũng khó lòng thắng được cái tình.
Lấy “chén trà làm đầu câu chuyện” ở Bụi hồng quán nước, suốt những trang viết tiếp theo, không câu chuyện nào không được Trương Quý “chêm” thêm lý luận: Từ chuyện đồng tiền cho đến chuyện xe cộ, từ bình đẳng giới cho đàn ông đến chuyện quy hoạch đô thị... Ngay đến cả nồi mẻ chua đi vào văn Trương Quý cũng có thể trở thành mã văn hóa cần phiên dịch.
Tưởng như, ta thấy được cả hình ảnh cánh đàn ông Thủ đô ngồi quây bên hàng nước, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, thỉnh thoảng lại bật tiếng cười vang. Chỉ là sau mỗi cuộc “lý luận” ấy, cái người đọc nhận được chẳng phải kết quả thắng thua, mà là cái vấn vương tiếc nuối của một hương xưa, hay những suy tư muôn lối rẽ ngang từ câu chuyện tấm áo manh quần, xa hơn, là cảm xúc mênh mang được mở ra từ vô vàn chuyện kể.
Những mặt “nhị nguyên”
Trong Hà Nội bảo thế là thường của Nguyễn Trương Quý, bạn đọc rất dễ dàng bắt gặp những bóng hình trái ngược nhau: Hà Nội cũ - mới, người Hà Nội khó tính - bông đùa và giễu nhại, người Hà Nội lãng mạn mộng mơ - thực tế, Hà Nội lý luận - vỉa hè. Những bóng hình trái ngược này, dẫu thế, lại không hề triệt tiêu lẫn nhau mà hòa quyện, điều hòa lẫn nhau.
Cấu trúc tản văn Nguyễn Trương Quý được xây dựng khá vững chắc. Khi bàn về một khía cạnh trong đời sống văn hóa - tinh thần Hà Nội, anh sẽ đi từ những dấu vết của thời Việt Nam mới tiếp xúc văn minh phương Tây. Khảo cứu của Trương Quý trải rộng cả ở văn chương, hội họa, âm nhạc lẫn báo chí, kiến trúc, và sự tồn tại của những bức ảnh được nhiếp ảnh gia nước ngoài lưu giữ được.
Phổ rộng của thông tin ấy được Trương Quý từng bước xử lý, lập bản đồ liên tưởng, rồi từ đó phân loại vào từng “ngăn”: Chuyện “ăn cả vỏ” hay “thịt ba chỉ” tất nhiên sẽ ở tập quán ăn uống; chuyện quần là áo lượt và các nhà may Âu hóa tất nhiên là nằm trong trang phục; và những mộng mơ không thể trượt ngăn tâm tình.
Tản văn Nguyễn Trương Quý vốn khó có thể cảm được, nhưng lại là cả một kho tàng tri thức về lịch sử - văn hóa Hà Nội được xử lý tinh vi, để rồi khi nhìn vào một hiện tượng, bạn đọc sẽ thấy đồng hiện trong đó cả một chiều dài biến động giữa quá khứ và hiện tại.
Nếu có ai đó tìm đến Hà Nội bảo thế là thường để hoài niệm, thì chắc hẳn họ sẽ cảm thấy hụt hẫng trước những gì có được. Hà Nội bảo thế là thường, dù mang trong mình rất nhiều mảnh ghép quá khứ, nhưng lại được lắp ghép bởi một chàng kiến trúc sư tân thời tinh tế. Anh nhìn ra được những mặt “nhị nguyên” (2 chiều, 2 cực) của mảnh đất “nghìn năm văn vật” này, đồng thời cũng nhìn ra được trong suốt hơn 1 thế kỷ vừa là xứ thuộc địa chịu “khai hóa văn minh” vừa là thủ đô nghìn năm bất khuất, Hà Nội đã chuyển mình.
Người ta không thể cứ mãi tưởng nhớ quá khứ, nhưng hơn ai hết, người ta cần nhận ra được quá khứ đến từng chi tiết-không chỉ như một thực thểhành chính mà còn như thực thể của tâm tưởng - để gạn đục khơi trong, để bảo tồn, và để tái cấu trúc lại những huyền thoại trong tương lai.
- Tác giả Nguyễn Trương Quý: Giá trị Hà Nội nằm ở sự tự trọng và tiết chế
- Nguyễn Trương Quý: “Gu Hà Nội” đang là thiểu số
Hà Nội chính là như vậy. Hay nói cách khác, huyền thoại về Hà Nội đã liên tục được nhận ra, ghi nhớ và sản sinh theo cách như vậy. Trong tản văn của Nguyễn Trương Quý, những “người miền Bắc có lý luận”, những câu chuyện ăn, mặc, ở theo lối “3 chỉ 3 phải”, những câu trả lời dứt khoát khen không thái quá, chê không quá đà theo lối các cụ,những điều trái ngược song hành... tất cả đã làm nên một huyền thoại mới về Hà Nội vừa mang phong vị phớt tỉnh ăng-lê, vừa đầy lý luận, vừa giễu nhại, lại vừa cặn kẽ chi li đến từng chi tiết.
Hà Nội ngày nay không còn bị bó hẹp trong khái niệm “cổ truyền” hay “chuẩn mực truyền thống” nữa, mà tự thân trở thành một thực thể chuyên chở cái xưa, bộc lộ cái nay theo cách thức mới mẻ và không kém phần thú vị. Thực thể Hà Nội mới này, vì thế, thách thức không chỉ dân Hà Nội “gốc”, mà còn là cả một miền khám phá cho cư dân ngoại tỉnh và du khách nước ngoài.
Và bao nhiêu cũ - mới, tiếp nối - đổi thay, dễ dãi - cầu kỳ ấy, quả thực đã được Nguyễn Trương Quý gói gọn trong câu nói tỉnh rụi mà nhẹ bẫng: “Hà Nội bảo thế là thường!”
Hà Nội của Nguyễn Trương Quý khiến tôi Đến đây, Hà Nội trong văn chương Nguyễn Trương Quý phần nào khiến tôi liên tưởng đến nước Pháp trong những ghi chép dân tộc học của Jean-Benoit Nadeau và Julie Barlow. Những công trình mới dựng xây trên nền móng cũ, cấu trúc nhà ở kiểu mới chịu tác động từ thói quen sống tồn tại rất lâu trong quá khứ, và con người chỉ đang kếp hợp những nền tảng cũ ấy với làn sóng đổi thay nhanh chóng của thời hiện đại. Nếu ở Hà Nội, bên cạnh những căn nhà cổ - cũ - lụp xụp là những tòa biệt thự tráng lệ hay ít nhất cũng là nhà ống sáng sủa sạch sẽ, thì ở Paris cũng y như vậy. Dường như giữa Hà Nội và Paris đã hình thành trong nó một mối dây liên hệ, không chỉ ở những công trình thấp thoáng bóng dáng kiến trúc Pháp hay những bộ Âu phục đã trở nên quen thuộc, mà còn ở những cơ tầng văn hóa sâu hơn. |
Trường Khanh