Văn Miếu 271 tỷ và chuyện thừa giấy vẽ voi
(Thethaovanhoa.vn) - Một công trình xây dựng chạm đến lĩnh vực văn hóa, di sản, lịch sử ắt đòi hỏi sự nghiêm cẩn, khắt khe. Đó không chỉ phục vụ nhu cầu đơn thuần của con người, mà mang ý niệm tư tưởng mà người đời tôn vinh, gửi gắm qua nhiều thế hệ.
Mức độ thế nào tùy vào trí tuệ của người chủ trì và nhà kiến trúc vẽ ra công trình đó. Nhưng lạ thay, kiểu “thừa giấy vẽ voi” lại khá thường gặp trong lĩnh vực văn hóa. Báo chí đã vạch nhiều dự án được gọi là “thảm họa trùng tu”. Đình chùa miếu mạo có thể mới hơn, hoàng tráng hơn nhưng do sai lầm do tư duy, nghệ thuật, về kỹ nghệ trùng tu và có thể là do có quá nhiều... tiền, mà hồn cốt của di tích cổ xưa đã không còn nữa. Ngoại trừ cái tên.
Có nhiều lý do để “thừa giấy vẽ voi”, nhưng với những công trình này điều có thể nhận ra là người ta dễ dàng xí xóa bài toán lỗ - lãi từ đồng tiền của dân. Hiệu quả đầu tư được bịt mắt che tai nhân danh lịch sử, suy tôn danh nhân hay phục vụ nhu cầu lễ lạt của cả cộng đồng. Bỏ tiền tỷ làm thêm một ngôi đền, xây thêm một cái miếu, đắp thêm một ông tượng thì khi “người trần mắt thịt” ý kiến đã có những mục đích cao siêu đưa ra che chắn.
Nhắc lại chuyện cũ, trước đây chúng ta từng nói về đề án dựng đền thờ Lý Công Uẩn giữa mảnh đất thiêng gần Hồ Gươm, nhân một lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Người ta quên rằng các công trình của cha ông, dù là một ngôi chùa nhỏ trong làng hay một công trình to lớn đẹp mãi đến ngày nay bởi những giá trị lịch sử và đặt đúng chỗ, đúng quy mô. Người ta cũng quên đi rằng, nếu cần một cái đền như thế thì Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, tổng công trình sư cuộc đại trùng tu khu đền Ngọc Sơn chẳng đợi đến “dự án” của hậu thế. Ba chữ “Tả thanh thiên” của Nguyễn Văn Siêu viết ở Tháp Bút trước đền Ngọc Sơn dù nhỏ bé nhưng đã là một biểu tượng đủ sức ôm chứa cả văn hóa rực rỡ của Thăng Long và cả Việt Nam.
Vua Tự Đức cho vạn người xây công trình Vạn Niên Cơ với mong muốn lưu lại đến vạn năm. Vạn Niên ấy đổi thành Khiêm Lăng để táng khi vua băng hà. Ngày nay, đến Huế, người ta vẫn thấy lăng Tự Đức tuyệt đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình, với núi non, cây cỏ, hồ sâu. Nhưng xứ Huế vẫn còn lưu truyền câu ca dao ai oán về thân phận dân phu xây thành: Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Mới đây, ở Vĩnh Phúc, người ta lại xây Văn miếu nguy nga, bề thế. Ở nơi trang trọng nhất của Văn miếu là chính điện sẽ thờ Chu Văn An cùng các nhà khoa bảng tiêu biểu nhất của tỉnh. Bài vị thờ Khổng Tử sẽ được đặt ở tòa nhà bái đường phía trước. Nếu đã biết vậy, có lẽ họ nên học tinh thần liêm chính, can gián của cụ Chu, người suốt đời giản dị, khiêm nhường được học trò bốn phương tôn vinh là “đại sư biểu”, danh hiệu người ta vẫn dùng để gọi Đức Khổng Tử.
Khi bước chân vào Văn miếu mới tinh kia, mấy ai thấy thiêng liêng của đạo học khi vọng gác Khuê Văn, khi ngắm Thiên Quang Tỉnh. Tôi nghĩ rằng không. Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Công trình sẽ vẫn đứng đó, và bia miệng chắc cũng không dễ xóa mờ.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa