Văn khấn lễ Tất niên 30 Tết
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30 Tết hằng năm, gác lại mọi việc, mỗi gia đình người Việt lại sửa soạn mâm cỗ cúng tất niên để tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới đến.
Mâm cỗ tất niên còn là bữa cơm sum họp, để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết cùng con cháu, thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt, để tiễn năm cũ qua đi và đón mừng năm mới với những điều tốt đẹp.
- Văn khấn, mâm lễ ngày mùng 1 âm lịch đầu tháng
- Mâm cỗ và văn khấn Tết Trung thu - rằm tháng 8 chuẩn nhất
- Cúng mùng 1 tháng 7 âm lịch theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Mâm cỗ cúng tất niên thường được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Thông thường, một mâm cúng tất niên bao gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu và mâm cỗ.
Mâm cỗ cúng thường được đặt ở một cái bàn con bên dưới, còn trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, mâm ngũ quả, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng, gia chủ sẽ thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái.
Bài văn khấn thứ nhất: (văn khấn lễ tất niên chiều 30 Tết)
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
- Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
- Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ...
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi
Tín chủ (chúng) con là: ...
Ngụ tại...
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Bài văn khấn thứ 2: (dành cho khấn gia thần vào ngày Tất niên)
Theo tục lệ xưa để lại, vào ngày 30 Tết, ngoài việc cúng gia tiên, để lễ tạ gia tiên qua một năm đã phù hộ độ trì cho con cháu, các gia đình và các công ty, cửa hàng thường làm lễ cúng Gia Thần để tạ chỗ "Đất đai" sau một năm làm ăn.
Sắm lễ tùy tâm, cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món đơn giản như xôi, chè, hương, hoa, trầu cau, quả, tiền vàng, trà rượu… Bàn lễ đặt tại sân hoặc hiên nhà và khi cúng lạy ra phía trước nhà:
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn Thần
Con kính lạy ngài tiền hậu Địa chủ Tài Thần
Con kính lạy các Tôn Thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: …………………………………
Tuổi: ………………….........
Ngụ tại: …………
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Qua một năm làm ăn, chúng con xin dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho chúng con mọi sự an lành và may mắn.
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn Thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần, các vị Tôn Thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con, toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Ý nghĩa của lễ cúng tất niên:
Đón những điều lành năm mới, tiễn những điều xấu năm cũ. Cảm tạ các quan thần linh, thổ công thổ địa, gia tiên nơi mình cư trú thờ cúng đã phù hộ, độ trì năm qua. Đồng thời mong mỏi việc tiếp tục được bao bọc chở che trong năm mới.
Theo quan niệm truyền thống, bữa cơm tất niên để mọi người tiễn biệt năm cũ, ăn xong sẽ bỏ qua muộn phiền, những giận hờn cũng xoá bỏ từ đây. Còn là tục lệ rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc cho gia chủ.
Ngoài ra, con cháu có thể ra mộ của các bậc trên đã khuất thắp hương rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết với gia đình, hoặc có thể thắp hương cúng tất niên ngay tại nhà.
Thời gian cúng tất niên
Bất cứ thời điểm nào trong ngày 30 Tết, trừ 12h trưa -1h trưa và phải hoàn thành lễ cúng tất niên trước 22h đêm. Trong ngày này, cả nhà đều dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Sau đó phải chuẩn bị mâm cúng tổ tiên tất niên.
Thông thường, lễ cúng này sẽ được tiến hành vào chiều hoặc tối 30 Tết (với tháng đủ, hoặc 29 Tết với tháng thiếu), trước lễ cúng giao thừa.
Trong năm nay có 1 số ngày tốt có để làm lễ cúng lễ Tất niên gồm:
- Ngày 28 tháng Chạp (tức 22/1/2020 dương lịch): Ngày Giáp Tý, Lục nhâm Tốc hỷ.
- Ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 23/1/2020 dương lịch): Ngày Ất Sửu, Lục nhâm Xích khẩu.
- Ngày 30 tháng Chạp (tức ngày 24/1/2020 dương lịch): Ngày Bính Dần, Lục nhâm Tiểu cát.
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn Hóa Thông tin)