Từ Quốc phục tới Lễ phục Nhà nước - Nên trang phục nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần này, Ngày hội áo dài truyền thống Đình làng Việt sẽ diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ ngày 21 đến 22/11, với các nội dung như: Hội thảo trang phục áo dài truyền thống; giới thiệu, trải nghiệm và trình diễn bộ sưu tập áo dài ngũ thân... Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc khẳng định vị thế của áo dài nam truyền thống (hay còn gọi là áo ngũ thân nam).
Ở nước ta, cái ăn, cái ở và cái mặc, tuy bao hàm cả khái niệm văn hóa trong đó nhưng mỗi thời đại, mỗi vùng miền, khí hậu, tập quán, phong phục cũng có những biến đổi nhất định. Trang phục cũng nằm trong quy luật vận động không ngừng ấy.
Sách Vũ trung tùy bút có viết về y phục như sau: “Đời xưa học trò và người thường, khi có việc công thì mặc áo xanh lam (thanh cát), lúc thường thì mặc áo mùi (màu) thâm (chuy y), người làm lụng thì mặc áo mùi sừng (quỳ sắc). Từ đời Lê về sau thì sắc trắng ít dùng. Cứ trạng thái y phục gần nhất của người nước ta thì các quan hay mặc áo xanh lam, học trò cùng những chức viên tổng lý và hạ lại thường dùng mùi sừng và mùi đen, người nhà quê và người làm lụng thì thường dùng mùi nâu. Người giàu sang thì mặc the lụa gấm vóc, còn người nghèo hèn thì chỉ dùng vải to. Quần thì chỉ dùng sắc trắng và sắc nâu. Những người già cả mà giàu sang thì ngày hội hè tết nhất mới dùng quần đỏ”(Đoạn trích này được Vệ Thạch Đào Duy Anh (2015) trong Việt Nam văn hóa sử cương, tr. 156, NXB Thế Giới dẫn lại)
Trước khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ra chiếu dụ thay đổi lối mặc y phục của xứ Đàng Trong (1744), áo giao lĩnh từng được coi là “Quốc phục” thời Lê (hậu).
Trong khuôn khổ bài viếtnày, tôi chỉ tập trung làm rõ bộ trang phục áo ngũ thân, cổ đứng, tay chẽn, khuy cài được xứ Đàng Trong mặc phổ biến, sau này cả nước cùng mặc chung một kiểu ấy mà trở thành “Quốc phục” của một nước có độc lập chủ quyền và có nền văn hóa riêng.
Cách hiểu về “Quốc phục”
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do GS Hoàng Phê làm chủ biên, NXB Hồng Đức năm 2019, trang 1026, viết: “Quốc phục là quần áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của dân tộc một nước, thường mặc trong những ngày lễ, ngày hội”.
Từ điển Le Petit Larousse Illustré(NXB Casterman -Tournai, Bỉ, năm 1992, trang 277, ghi (tạm dịch là): Quốc phục là trang phục tiêu biểu của một nước, một vùng, hoặc một thời đại.
Còn Từ điển Anh - Anh-Việt của Oxford standard, do NXB Đại học Quốc gia Hà Hội ấn hành năm 2015, trang 297, ghi (tạm dịch): Quốc phục là một bộ hoặc một kiểu trang phục được người dân mặc ở một đất nước cụ thể hoặc ở một giai đoạn lịch sử cụ thể.
Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hoàng Quốc Hải: “Quốc phục của một nước, tức là cách dùng các đồ vải vóc để may thành kiểu áo quần, được dân chúng trong cả nước chấp nhận, và sử dụng một cách ổn định qua nhiều đời. Vậy quốc phục cũng là một nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc được kết tinh lại”(Văn hóa phong tục, trang 130, NXB Phụ nữ, 2005).
- Nên phục dựng áo dài nam truyền thống làm 'Quốc phục'
- Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 6): Mặc áo dài nam lên chùa
- Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 5): Áo dài nam trong ngoại giao
Từ các định nghĩa trên, theo tôi có thể hiểu Quốc phục là “nếp sống và nếp sinh hoạt của muôn dân và tầng lớp vua quan được gìn giữ trong một thời gian dài, từ những bộ thường phục tạo thành truyền thống, thành “Quốc phục”. Nó là linh hồn, là quốc túy của một đất nước. Dĩ nhiên, để được gọi là “Quốc phục” thì bộ quần áo, kiểu trang phục mà toàn dân mặc trên người phải thể hiện tính đơn giản, gọn gàng và đại chúng, nghĩa là phổ thông. Và tất nhiên cũng không thể bỏ quên tính dân tộc trong đó. Thêm nữa, nhờ tính ổn định lâu dài và đặc biệt từ lãnh đạo Nhà nước đến thường dân (chiếm đa số) phải mặc chung một kiểu trang phục ấy”. Tôi đã viết điều này trong cuốn sách của mình mang tênÁo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận, NXB Thanh Niên, 2020).
Theo cách tiếp cận này, quốc phục bao gồm 5 nội hàm sau:
Một là, yếu tố lịch sử truyền thống và tính ổn định lâu dài.
Hai là, tính phổ quát (đại chúng): Từ lãnh đạo đến thứ dân đều mặc chung một kiểu trang phục.
Ba là, tính tiện dụng: Đơn giản, gọn gàng.
Bốn là, tính dân tộc: Bản sắc văn hóa riêng của một nước, một dân tộc.
Năm là, vì là bộ thường phục của người dân nên có thể mặc hàng ngày.
Dựa vào những nội hàm trên, bộ trang phục áo ngũ thân truyền thống (dùng cho cả nam và nữ) xứng đáng là Quốc phục của Việt Nam chúng ta.
Trong sách Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận, tôi đã khảo tả khá chi tiết về thời gian ra đời chiếc áo 5 thân, gài khuy, nay chỉ xin lược trích: “Tương truyền rằng chính Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ) trong khi bày mưu định kế chống cự với họ Trịnh (Đàng Ngoài), đã khuyên chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) bắt dân chúng thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc ở Đàng Ngoài, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen, mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo 4 thân bày yếm mà mặc áo 5 thân gài khuy, bỏ tóc bao mà bối tó, bỏ váy để mặc quần”.
Vào năm 1744, dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), một đạo luật đã được ban hành và người dân Đàng Trong mặc theo lối y phục mới (áo 5 thân, gài khuy, tục gọi là quần chân áo chiết)…
Minh Mạng năm thứ 18 (1837), xuống dụ: “Trước kia cho rằng mặc áo từ sông Linh Giang trở ra ngoài, vẫn thói hủ lậu, đặc biệt xuống dụ cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục, lại cho kỳ hạn rộng rãi, để cho thong thả may mặc. Thế mà từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay đã qua 10 năm, vẫn nghe thấy nông phu và đàn bà thôn quê ở quãng ngoài có nhiều người cứ theo thói cũ, chưa đổi… so với người miền Bắc, con trai đóng khố, đàn bà thì trên mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy, đẹp xấu chẳng rõ rệt dễ thấy ư? Sao có kẻ đã theo tục tốt, mà cũng có kẻ cứ quen tục cũ lỗi thời chưa đổi, há chẳng là đại ý cố tâm cố trái, can phạm tội lệ, khiến cho đều nhận biết minh bạch. Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng”.
Qua một số đoạn trích trên có thể thấy: Khởi thủy bộ trang phục áo ngũ thân gài khuy ra đời ở xứ Đàng Trong, thời các chúa Nguyễn, sau đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), từ vua Minh Mạng, vua Thành Thái, vua Khải Định, vua Bảo Đại đến sĩ dân đều mặc chung một kiểu ấy mà trở thành Quốc phục. So với lề thói trước đó: Đàn ông thường cởi trần đóng khố, phụ nữ mặc áo tứ thân khoe yếm, váy đụp thì bộ trang phục “quần chân áo chiết” ra đời là một cuộc cách mạng tiến bộ vượt bậc. Nó không những kín đáo để che thân thể mà còn khiến cho người dân Việt trở nên đoan trang, lịch lãm, nền nã và nho nhã lên hẳn.
Dù đất nước gặp phải chiến tranh chống Pháp, Mỹ và cuộc dâu bể Nam - Bắc bị chia cắt đến năm 1975, nhưng cho đến tận hôm nay, bộ Quốc phục ấy vẫn được nhân dân gìn giữ, cụ thể là anh hai, anh ba vùng quan họ Kinh Bắc, người dân theo đạo Cao Đài (Tây Ninh), các vị chủ tế trong các nghi lễ tâm linh, các cụ đồ Nho, diễn viên trên sân khấu chèo, cải lương truyền thống, phim truyện cổ tích Việt Nam…các hội, nhóm yêu và đang phục dựng lại trang phục cổ truyền, trong đó có áo ngũ thân gài khuy. Chỉ tiếc là đôi chỗ đã bị khúc xạ, biến cảiđi, làm phôi phai ít nhiều đường nét “duyên xưa”.
Đến Lễ phục Nhà nước
Lễ phục có 2 dạng: Lễ phục trong các nghi lễ tâm linh và Lễ phục trong các nghi thức Nhà nước.
Trong phạm vi nghiên cứu, tôi chỉ tập trung vào loại Lễ phục Nhà nước dùng trong các nghi thức quốc gia hoặc trong các hoạt động đối ngoại, như dự lễ chào cờ, mừng ngày Quốc khánh, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao, khai mạc các hội nghị, phiên họp, lễ bổ nhiệm cương vị lãnh đạo mới, đón tiếp các phái đoàn ngoại giao cấp Nhà nước, trình quốc thư, hoặc những dịp lễ Tết cổ truyền và những dịp long trọng khác trong năm.
Từ một số hình ảnh tư liệu cho thấy, từ vua Bảo Đại, các quan cận thần và hoàng gia, rồi sau này, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Tử Hạ, cụ Nguyễn Văn Tốđều trang nghiêm vận lên mình bộ trang phục cổ truyền của dân tộc Việt Nam: Áo ngũ thân, gài khuy trong các nghi thức, nghi lễNhà nước.
Theo nhà văn hóa Hoàng Quốc Hải trong cuốn sách đã dẫn: “Lễ phục là loại áo quần may bằng những thứ vải vóc sang trọng, theo một quy cách nhất định, song phải dựa trên cơ sở Quốc phục mà chế tác”.
Tôi hoàn toàn đồng thuận với quan điểm này bởi liên quan đến lòng tự tôn dân tộc, lòng tự trọng và đặc biệt là quốc thể của một đất nước có độc lập, chủ quyền thiêng liêng, bộ lễ phục phải hội tụ mấy yếu tố sau:
1. Chất liệu vải phải sang trọng, đanh vải, dệt dày (không bị chảy, nhão), chí ít cũng phải từ sa/the, gấm, vóc và các vải lụa cao cấp của Hà Đông, La Khê, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lãnh Mỹ A (Tân Châu, An Giang)… Khăn đóng phải được làm từ vải nhiễu, là đen, có độ nhám và độ co giãn hợp lý.
2. Kiểu dáng: Lấy bộ quốc phục làm chuẩn.
3. Hoa văn dệt chìm trên tấm vải lụa hoặc thêu thùa: Phải dựa trên các biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam như trống đồng Đông Sơn/Ngọc Lũ, hoa sen, rồng, phượng, hoa tranh, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột… nhưng phải thực sự tinh tế.
4. Tay nghề: Khuyến khích làm thủ công 100% để tôn vinh sự khéo léo và trí tuệ dân gian kết tinh trên bộ lễ phục.
5. Màu sắc: Phải nền nã nhưng sang quý. Các sắc màu sặc sỡ như xanh nước biển, xanh da trời, vàng, đỏ… được phép sử dụng nhưng chỉ được lót kép/cặp bên trong lớp vải sa/the, gấm, vóc đen bên ngoài.
Vì là Lễ phục Nhà nước nên nó cần phải được quy định rõ ràng trong luật công chức/viên chức thay thế cho bộ “quốc tế phục” comple, veston, quần Âu, thắt cravate đối với nam. Bộ “quốc tế phục” này, theo tôi là không “xứng" là “Lễ phục Nhà nước” của một đất nước ngàn năm văn vật, giàu bản sắc văn hóa như Việt Nam.
Tôi hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất áo ngũ thân(dùng cho cả nam và nữ) sẽ được công nhận là Quốc phục và bộ trang phục áo ngũ thân hội tụ đầy đủ 5 yếu tố nêu trên (về chất liệu vải, kiểu dáng, hoa văn, tay nghề, màu sắc) sẽ trở thành Lễ phục Nhà nước.
* Kỳ 2: Chuẩn hóa áo ngũ thân truyền thống
Đinh Hồng Cường