A+ A A- Kiểu đọc sách

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 5): Áo dài nam trong ngoại giao

19:57 05/03/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng biết, vấn đề trang phục trong các hoạt động đối ngoại luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Đó không chỉ là câu chuyện về sự văn minh lịch lãm, về gu thẩm mỹ và khả năng hội nhập với văn hóa chung của nhân loại, mà còn gắn cùng những yêu cầu về bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc. Ở đó, một lần nữa người ta lại nhắc tới áo dài nam.

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 4): Áo dài nam truyền thống - 'Xứng kỳ đức' người Việt Nam

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 4): Áo dài nam truyền thống - 'Xứng kỳ đức' người Việt Nam

Trong tiến trình hội nhập ấy, phục dựng lại chiếc áo dài nam 5 thân truyền thống là một đòi hỏi bắt buộc, nhằm từng bước sánh vai với tà áo dài nữ duyên dáng, đậm chất Việt Nam đang tỏa sáng và được bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ.

1. Điểm cần lưu ý, theo học giả Canada Louis Dussault, “trang phục là một vấn đề nghi thức hơn là vấn đề lễ tân” và trong những dịp nghi lễ trang trọng, trình Quốc thư chẳng hạn, hay tiệc chiêu đãi tại hoàng gia, khai mạc hội nghị cấp cao…, một sự sơ sểnh, hớ hênh trong cách lựa chọn trang phục sẽ dẫn đến sự cố về lễ tân, thậm chí tạo thành sự kệch cỡm không đáng có.

Thông thường người được mời (với nam giới) luôn được ghi chú một mục rất quan trọng trên giấy mời là mặc bộ y phục nào tới tham dự. Nếu là bộ thường phục complet, veston (lounge suit, business suit, business attire, bộ smoking…), hay như bộ lễ phục vest “cut away” hay “morning coat”, áo đuôi tôm màu xám hoặc đen, thân sau để dài trùm hông, quần kẻ sọc xám hoặc trắng. Còn các bà, các cô sẽ mặc váy ngắn, kèm găng tay, mũ và một áo khoác ngoài nếu trời lạnh hoặc vào mùa lạnh.

Liên quan đến bộ Quốc phục, chỉ dẫn “Quốc phục” trên giấy mời đôi khi được ghi thêm vào phần ghi chú về trang phục. Thuật ngữ này có nghĩa là các khách nước ngoài được đề nghị mang trang phục dân tộc của nước họ. Chỉ dẫn này giúp cho các quý ông, quý bà mặc Quốc phục sẽ không có cảm giác hoặc ấn tượng là ăn mặc trái với trang phục khác đã được chỉ dẫn.

2. Từ những năm đầu Đổi mới (1986) đến nay, đàn ông Việt nói chung và cán bộ nam làm trong ngành ngoại giao nói riêng đã mặc thuần thục và chỉn chu với các bộ trang phục veston, complet Tây bởi tính phổ quát khắp thế giới của nó. Đây còn được gọi là bộ “quốc tế phục” vì nó rất phù hợp với cuộc sống năng động đương đại, dáng mặc gọn gàng, nam tính, dễ mặc, dễ thay một cách linh hoạt. Vô tình, chúng ta đang quảng bá cho văn hóa trang phục của phương Tây, vừa công khai, vừa nhiệt tình. Nhưng nếu để ý, trong thế giới vương quốc của những nhà làm ngoại giao châu Âu, chúng ta dễ trở nên nhỏ bé, lọt thỏm và mờ nhạt.

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ 3 từ trái sang, hàng trên) và đoàn chụp ảnh cùng Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari sau khi trình Quốc thư, ngày 18/3/2019. Ảnh: Huy Lê - TTXVN

Trở lại bộ “Quốc phục” áo dài nam ngũ thân truyền thống, để chứng minh nét bản sắc văn hóa dân tộc, tôi xin dẫn theo lời của Đại sứ Phạm Sanh Châu, được đăng trên báo Văn hóa số đặc biệt năm Canh Tý 2020, như sau: “Tôi hiểu rằng Việt Nam đã nổi tiếng hơn nhờ vị Đại sứ có trang phục độc đáo trong buổi tiệc chào năm mới của Đức vua và Hoàng hậu, kể từ đó, mỗi lần đi địa phương, được đón tiếp long trọng hay có dịp nào được mời làm khách chính phát biểu trên diễn đàn, trước máy ảnh, máy quay phim…, tôi tự tin hơn để mặc áo dài. Thương hiệu “Đại sứ Áo dài” cũng bắt đầu định hình từ đó”.

Ông tiếp tục: “Ngày tôi trình Quốc thư lên Tổng thống Nepal, họ bố trí xe tứ mã vào cung. Nepal mới thay đổi từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa nên các nghi lễ ngoại giao vẫn mang dấu ấn Hoàng gia. Lần đầu tiên tôi nghiệm thấy không có phương tiện nào phù hợp hơn là xe ngựa để chở Đại sứ mặc áo dài Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến Đại sứ Trần Ngọc An cũng mặc áo dài vào ngày trình Quốc thư lên Nữ hoàng Anh, bức ảnh được coi là tiêu biểu về bản sắc trang phục Việt Nam và được đưa vào nội dung giảng dạy cho các khóa về Ngoại giao Văn hóa cho cán bộ, nhân viên ngoại giao trước khi đi nhiệm kỳ ở nước ngoài”.

Trong nghi lễ trọng thể, nếu chúng ta mặc bộ trang phục theo đúng sự chỉ dẫn trên giấy mời - cách tốt nhất bày tỏ sự trân trọng đối với nước chủ nhà và đương nhiên bằng sự đáp lễ, họ sẽ dành cho ta sự tiếp đón trọng thị tương ứng. Vị đại sứ đã thẩm thấu được giá trị của bộ “Quốc phục” khi mặc lên người cũng như đánh giá đúng tầm vóc về mối quan hệ giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Bộ trang phục áo dài nam ngũ thân truyền thống đã tôn vinh Quốc thể và người mặc đã biết đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong chuyến công tác tại Nepal

Tuy nhiên, để mặc bộ trang phục áo dài này đúng như Đại sứ Châu không phải cán bộ ngoại giao nào của Việt Nam cũng am tường. Như trong bài “Áo dài nam trong nghi lễ ngoại giao”, “mặc đúng trước khi mặc đẹp”, đã được tôi chia sẻ khi nói về chuẩn mực tạo hình của áo dài nam năm thân. Nay xin bổ sung tiếp như chính cái tên “complet – tổng thể” trên tiêu đề bài viết, trước khi mặc áo dài lên người, bộ quần áo lót màu trắng hoặc sáng màu (trắng ngà) phải được mặc trước. Về giá trị thẩm mỹ, nét thấp thoáng màu trắng ở viền cổ áo và phần xẻ tà bên sườn sẽ tôn màu áo ngoài lên. Sự nho nhã, kín đáo và trang trọng chính là ở điểm nhấn này dành cho nam giới.

Thêm nữa, mặc áo lót trắng, mặc áo dài bên ngoài lên người rồi mà không vấn (quấn) khăn, hoặc đội khăn đóng lên đầu, không đi giày Tây đen bóng láng thì cũng không hoàn hảo bởi cái khăn đen hoặc sậm mầu là linh phụ kiện không thể thiếu được đi kèm, đóng bộ với áo dài ngũ thân truyền thống. Nó vừa làm cho vầng trán của người đàn ông thêm vuông vức, vừa tỏ lộ được nét thông tuệ (clever), nó lại còn che đi mái tóc bạc hoặc cái đầu hói nữa (nếu có). Đôi giầy đen tương phản với chiếc quần màu trắng tạo ra sự hài hòa và tính năng động. Người làm công tác đối ngoại rất chú trọng đến giờ giấc và tính công nghiệp. Đôi giầy đen hoàn toàn đáp ứng được hai yếu tố này.

Nên chăng có những khóa huấn luyện, tìm hiểu về trang phục áo dài năm thân dành cho những người làm công tác ngoại giao, để mỗi khi vận chiếc áo dài năm thân, có thể thấy được bóng dáng của tiên tổ mình trong bộ “Quốc phục” đó, thêm nữa, thấy được sứ mệnh nâng cao uy tín và vị thế quốc gia của mình trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.

Cần quảng bá bộ trang phục mang "thương hiệu Việt Nam"

Cuốn Lễ tân – Công cụ giao tiếp của học giả Louis Dussault, do NXB Chính trị quốc gia ấn hành, năm 1999, trong đó có 12 mục, gồm: Mời khách; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách; Ngôi thứ và xếp chỗ; Đại sứ quán, Lãnh sự quán và Tổ chức quốc tế; Tiệc và chiêu đãi; Phát biểu; Trang phục; Huân, huy chương; Cờ; Quà tặng và đồ lưu niệm; Sổ vàng; Và Phiên dịch. Vì đây là cuốn sách của học giả người Canada, nên hầu như không có dòng nào nói về trang phục truyền thống của nước ta cũng như cách ứng xử của người mặc với bộ Quốc phục. Có chăng, trong chương nói về Trang phục cũng thuần chỉ nhắc tới những bộ Âu phục – Quốc tế phục thôi.

Sự hồi xuân của bộ trang phục áo dài nam ngũ thân truyền thống trong vài ba năm trở lại đây đang dần dần định hình những quy chuẩn về bố cục tạo hình cũng như lý thuyết, đạo lý, nhân luân ẩn tàng đằng sau bộ “Quốc phục” do nhóm Đình Làng Việt khởi xướng và xây dựng quy tắc ứng xử. Nhóm rất mong nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ VH,TT&DL. Hy vọng rằng, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ các tỉnh thành trong cả nước, các cơ quan làm công tác truyền bá văn hóa – du lịch, hàng không, hội chợ, triển lãm sẽ là những đơn vị đi tiên phong trong việc mặc quảng bá bộ trang phục mang thương hiệu Việt Nam này.

(Còn tiếp)

Đinh Hồng Cường

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...