Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Gieo 'cánh đồng người' trên đất Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ đơn thuần lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai còn đang cần mẫn với những dự án “gieo cấy” cánh đồng thơ ca Việt Nam trên xứ người.
- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Viết chuyện 'cổ tích' và những chuyến rong chơi
- Nguyễn Phan Quế Mai ra sách sau vụ tranh chấp bài thơ 'Tổ quốc gọi tên'
Mới nhất, vào cuối tháng 10 này, tập thơ Cánh đồng người của Trần Quang Quý do chị tham gia chuyển ngữ sẽ chính thức ra mắt trên đất Mỹ.
Công phu như dịch thơ
Chuyển ngữ một tác phẩm thơ giữa 2 ngôn ngữ, hẳn nhiên không chỉ dừng lại ở việc biên dịch sao cho đúng nghĩa và mượt mà. Đặc biệt là đối với một ngôn ngữ giàu âm điệu và cũng lắm lớp nghĩa như tiếng Việt.
Dù đã làm việc với ngôn ngữ tiếng Anh trong nhiều năm, Quế Mai cũng thừa nhận rằng, để bản dịch được uyển chuyển và “thơ” hơn, chị buộc phải tìm kiếm sự cộng tác của một nhà thơ Mỹ. Và cái duyên đã đưa chị đến với nhà thơ Jennifer Fossenbell, một người mà chị nhận xét rằng “có tình yêu cuồng nhiệt với Việt nam và thơ ca”.
Theo lời Jennifer Fossenbell: "Văn học Việt Nam là một kho báu chưa được khai phá của văn học thế giới. Tôi dịch thơ vì muốn nhiều người Mỹ và bạn đọc quốc tế hiểu thêm về vẻ đẹp của ngôn ngữ, chiều dày lịch sử, văn hóa Việt Nam."
“Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu nhạc điệu, điều mà tiếng Anh không thể sánh được. Không có cách nào để “dịch” được âm thanh trầm bổng và cấu trúc nhịp điệu của âm tiết tiếng Việt" - Jennifer Fossenbell nói thêm về quá trình chuyển ngữ tập thơ Cánh đồng người – "Điều này thực sự là một thách thức khiến cho chúng tôi không bao giờ có thể hài lòng hoàn toàn với bản dịch của mình.”
Ngoài ra, theo lời Quế Mai, các thủ pháp nghệ thuật xuyên suốt tác phẩm gốc cũng là một “bài toán” hóc búa đối với 2 nữ nhà thơ để kết nối được ý tưởng của tác giả vào một ngôn ngữ thứ 2 với đầy rẫy sự khập khiễng.
Thành ra, trong suốt khoảng thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 10/2009, 3 người thường xuyên phải gặp gỡ để trao đổi về ý nghĩa từng hình ảnh, ngữ cảnh văn hóa, rồicùng nhau tranh luận để tìm ra từ và cụm từ ở thể tiếng Anh thích hợp nhất.
Thực chất, vào năm 2009, Quế Mai và Jennifer Fossenbell đã tham gia chuyển ngữ "Cánh đồng người". Tập thơ này được NXB Hội nhà văn in để sử dụng làm quà tặng trong Hội nghị Quốc tế về quảng bá văn học Việt Nam một năm sau đó. Tuy nhiên, như lời chị, bản dịch lần này được điều chỉnh lại một cách công phu hơn rất nhiều.
“Các bản dịch được hiệu đính rất nhiều lần. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để bản dịch vừa gần với nghĩa của bài thơ gốc, vừa thật sự là các bài thơ bằng tiếng Anh" – Jennifer chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Với dung lượng sáng tạo ấy, rõ ràng Cánh đồng người phiên bản tiếng Anh (The Human Field) đã trở thành một tác phẩm phái sinh, dựa trên nguyên tác thơ Trần Quang Quý.
Một hồn thơ đậm tính nhân sinh
Tập thơ Cánh đồng người của Trần Quang Quý gồm 23 bài thơ khác nhau. Chia sẻ về sự lựa chọn của mình, Quế Mai nói: "Đó là những bài thơ độc đáo về hình ảnh, tư duy, nhưng vẫn giữ được hồn cốt và bản sắc Việt Nam."
Cái tên Cánh đồng người - The Human Field được lấy từ câu kết bài thơ Cánh đồng. Theo giải thích của tác giả, cái tên ấy bao hàm ý nghĩa về đời sống, về thân phận người nông dân lam lũ trên cánh đồng, về tình lãng nghĩa xóm và những mối quan hệ chằng chịt ở xã hội nông thôn Việt Nam. Như nhận xét của các dịch giả, khác với làng quê trong thơ của Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Cừ, nông thôn của thơ Trần Quang Quý là một nông thôn hiện đại, thực tế nhưng cũng không thiếu cảm xúc cùng những khát khao về một sự thay đổi tích cực ở tương lai.
Nhà thơ Trần Quang Quý bộc bạch: “Tôi đặt cho mình một sứ mệnh, đó là bảo vệ và giải phóng những con người yếu thế trong xã hội khỏi sự nghèo nàn, tù túng. Để họ có sự tự do, ít nhất là trong tư tưởng”.
Tập thơ Cánh đồng người được in song ngữ Việt - Anh bởi NXB World Palace Press và sẽ ra mắt độc giả tại Mỹ vào cuối tháng 10 này.
Nhà phê bình nước ngoài nói gì về “Cánh đồng người”? Giáo sư Bruce Weigl, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ, nhận xét: “Thơ Trần Quang Quý đại diện cho tinh hoa thế hệ các nhà văn thời hậu chiến – những người đã cất lên tiếng nói từ khắp lãnh thổ Việt Nam trong suốt 42 năm qua. Với sự chuyển ngữ của hai nhà thơ và dịch giả dạn dày kinh nghiệm, bản tiếng Anh của những bài thơ này đã nắm bắt một cách xuất sắc hàm ý mỉa mai sâu xa trong một số bài thơ của Trần Quang Quý. Tuyển tập này đóng góp quan trọng cho nỗ lực bền bỉ của các nhà văn ở cả hai bên chiến tuyến để hòa giải bằng sức mạnh của công việc dịch văn học; và đó là một công việc thực sự cần thiết.” |
Hà My