Nhà thơ Lê Minh Quốc: Chữ nhiều nhờ yêu… khỏe
(Thethaovanhoa.vn) - Khó có thể tưởng tượng một gã đàn ông gần 60 tuổi như Quốc, mà “mỗi lần yêu là một lần suýt chết”. Bạn bè thân của Quốc cho biết, từ thời trẻ đến tận bây giờ Quốc đều yêu như thế.
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Hầu như lễ hội nào cũng ồn ào như vỡ chợ
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết văn với lối 'tưng tửng'
- Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc: Tinh tuờng và khờ khạo
1. Lê Minh Quốc được biết đến nhiều nhất trên tư cách nhà thơ (đã in 11 tập thơ) nhưng anh còn là tác giả của 6 tiểu thuyết, 14 cuốn tùy bút, 8 cuốn biên khảo. Từ đầu 2017 đến nay, anh đã ấn hành cùng lúc 6 cuốn sách trong đó có 1 tập thơ.
Nếu lấy mốc tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao của Lê Minh Quốc được NXB Trẻ ấn hành năm 1989, thì trong gần 30 năm qua, anh đã in trung bình mỗi năm hơn 1 cuốn sách. Xét về lao động của người cầm bút, viết như thế đã là một “lực điền”.
Năm 18 tuổi Quốc nhập ngũ cầm súng ở chiến trường Tây Nam. Bị địch bắt tưởng chết đến nơi thì đồng đội phá ngục cứu thoát. Ngoài thời gian đi lính và học đại học, Quốc chỉ làm một nghề duy nhất là viết: từ làm thơ, viết báo đến viết sách. Có thể nói, viết là nguồn sống ở nhiều nghĩa khác nhau trong Quốc.
Dù viết báo, làm thơ, biên khảo, tùy bút hay tiểu thuyết, Quốc luôn đau đáu về nghề chữ của mình. Thời hoàng kim của báo giấy, anh có nhiều năm làm phóng viên, rồi phụ trách mảng văn nghệ của một tờ báo. Quốc suy tư về nghề báo và nghiệp thơ: “Thời tôi sống nhà thơ đi viết báo. Để kiếm cơm hơn một chút danh hờ. Còn nhà báo lãng quên bao sự thật. Viết báo bằng trí tưởng tượng của thơ”. Những câu thơ này của Quốc phải được viết ra từ tấm lòng của người rất yêu nghề viết.
Trong tập tùy bút vừa ấn hành Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books), những điều Quốc viết đã tạo thành một sự thật khiến người đọc đồng cảm và tìm thấy mình trong đó.
2. Chị Nguyễn Hướng Dương (Giám đốc Thư viện sách dành cho người mù), người từng bị mất hai chân trong một tai nạn giao thông, đọc Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên và cho biết: “Trang viết của nhà thơ Lê Minh Quốc làm tôi nhớ lại hồi nằm trong bệnh viện, suốt ngày tôi rầu rĩ, khóc lóc mỗi khi nhìn xuống hai chân đã bị cụt dưới gối”.
“Bỗng một hôm, khi đang ngập chìm trong nước mắt và oán than số phận, tôi chợt nghe một người bị cụt hai tay tới bả vai la lên: Cho tôi cụt chân giống cô này. Tôi mếu máo: Anh chế nhạo em đó hả. Anh nói chân thành: Em mất hai chân nhưng mai mốt gắn chân giả em sẽ đi được, chứ anh mất tay không làm được gì hết” - Hướng Dương nghĩ: “Thì ra mình cũng còn may mắn hơn nhiều người. Lê Minh Quốc chỉ ra cái nghệ thuật đối diện với những điều bất như ý: Cũng là một sự cố nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, tự nó sẽ có cách hóa giải nhẹ nhàng”.
Bất kỳ ai trong đời sống này đều có những “điều bất như ý”. Quốc cũng có những “điều bất như ý” của riêng anh, trong đó có việc người mẹ già của anh bao năm trông chờ Quốc lấy vợ sinh con cho bà ẵm bồng. Thế nhưng, sinh một đứa cháu cho mẹ Quốc chưa làm được, phải chăng đây là di chứng của những ngày đi lính và bị tù ở chiến trường Tây Nam? Quốc đã “hóa giải” điều này khi anh dồn sức và trí “sinh nở” những cuốn sách như những đứa con tinh thần của mình.
Hỏi Lê Minh Quốc, chữ ở đâu mà anh viết nhiều thế? Quốc trả lời: “Chữ nhiều nhờ yêu… khỏe”. Vả vậy, chưa thấy ai yêu một cách đắm say, si tình, lụy tình, vật vã, hụt hơi như Quốc.
Tập thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn và Nhà sách Văn Lang) của Quốc thể hiện điều này. Cả tập thơ dày hơn 200 trang được Quốc dành tặng một người phụ nữ; hay nói cách khác, tất cả hân hoan và đau khổ Quốc dành hết cho một người: “Có những ngày như vừa mới thôi nôi. Anh mong được gặp em thêm một chút. Đừng ngoảnh mặt đừng bỏ đi xa lắc. Anh vẫn còn bấu víu lúc đang mê”.
Có lẽ, yêu nghề viết và trong tình ái cũng cháy hết mình đã làm nên một Lê Minh Quốc như bây giờ!
Lê Minh Quốc “nói vậy nhưng không phải vậy” Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin, Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, Ngày sống đời thơ, Ngày đi trên chữ, Tình ta đang nhảy rock và Lắt léo tiếng Việt là 6 cuốn sách vừa ấn hành của Lê Minh Quốc. GS-TS Ngôn ngữ học, NGƯT Nguyễn Đức Dân, nhận xét về cuốn biên khảo Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ): “Phần lớn mỗi mục trong tập sách này đề cập tới một từ. Lấy nghĩa gốc của từ đặt cạnh những những nghĩa của từ đó trong những lối nói ví von, cách nói bóng nói gió, “nói vậy nhưng không phải vậy” hoặc trong những cách chơi chữ, dùng ẩn dụ, hoán dụ, thành ngữ, tục ngữ mà nghĩa bóng khác hẳn nghĩa đen thế là hình thành những lắt léo chữ nghĩa thú vị. “Mình ơi, tôi gọi là nhà/ Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”. Vợ lại gọi là nhà. Thế là vui, là lắt léo”. |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa