Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc: Tinh tuờng và khờ khạo
Nói đến Lê Minh Quốc, ắt nhiều người thừa nhận rằng, anh là cây bút khỏe khoắn, có thể đề cập đến nhiều lãnh vực khác nhau.
Ngòi bút cần cù…
Với tập tùy bút Tình éo le mà lý oái oăm, anh cho biết cuốn sách này vẫn tiếp tục khai thác đề tài về tình yêu, hôn nhân, chuyện vợ chồng như các tập đã xuất bản: Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada.
Kinh nghiệm ở đâu mà anh có thể liên tục viết cả hàng trăm tình huống, câu chuyện lôi cuốn bạn đọc? Chẳng hạn, lần này, anh hào hứng bàn luận những chuyện: Rắc rối từ khi có đàn bà, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Khóc ngoài biên ải (!?), Tự chữa “vết thương lòng”, Hục hặc trên giường, Tung chiêu “cấm vận”…
Lê Minh Quốc vẫn được gọi là “cây bút khỏe khoắn”
Vẫn là văn hài hước, có nhiều nhận xét tinh tế mà anh tự bạch trong Lời nói đầu: “Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa: Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái”.
Có thể xem đây là một “tự trào” của nhà thơ có quá nhiều kinh nghiệm từ những chuyến tác nghiệp báo chí chăng? Điều này, có thể đúng, vì anh đã công tác lâu năm tại tờ báo dành cho nữ giới.
Khi đánh giá về phẩm chất của anh, NSND Bạch Tuyết có nhận xét: “Quốc thật thà - ranh mãnh; Quốc tinh tường - khờ khạo; Quốc chiêm ngưỡng - hững hờ và rất thật là một Lê Minh Quốc khát khao kiếm tìm, khám phá cái đỉnh cao: “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo. Họ sáng tạo ra vũ trụ này…”.
Với nữ giới, Lê Minh Quốc một lòng trân trọng họ vì họ "sáng tạo ra vũ trụ này". Trong tập Tình éo le mà lý oái oăm, anh lại ra sức bảo vệ phụ nữ như mọi lần: “Nghĩ về đức tính của họ, tôi luôn xác tín rằng, dù vài ngàn năm sau nữa khoa học kỹ thuật của nhân loại tiến bộ đến cỡ nào, có thể định cư trên sao Hỏa, chơi golf trên Mặt Trăng, thay đổi quan niệm về Cái Đẹp thì cũng không thể lý giải được về đức tính thủy chung của phụ nữ. Đố ai có thể khám phá và lý giải ngọn ngành. Mãi mãi là một bí ẩn. Ngay từ lúc oe oe chào đời, sự bí ẩn ấy đã hình thành từ trong máu thịt họ rồi”.
Hai tập sách vừa ra mắt của Lê Minh Quốc
Và nhật ký “của chúng ta”
Với tập Ngày trong nếp ngày, gồm 112 tạp bút được anh viết duới dạng nhật ký về văn hóa - xã hội trong khoảng thời gian gần đây. Ở đó, chúng ta thấy rất rõ vai trò của một nhà báo khi tích lũy thông tin thời sự hằng ngày. Sau đó, Lê Minh Quốc chắc lọc và suy ngẫm, liên tưởng sâu hơn.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền, ghi nhận: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ. Lê Minh Quốc đã chọn cách viết khó, và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư”, nhiều khi bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông”.
Còn nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nguời từng đi bộ đội với Lê Minh Quốc thời trai trẻ, nhận xét: “Trong Ngày qua nếp ngày, người đọc thấy đời sống đã chắt lọc của quá khứ, đời sống bộn bề của hiện tại và một đời sống với khát khao thanh lọc chính mình. Những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua của tác giả khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Ngày trong nếp ngày là một đóng góp mới vào dòng văn học ghi lại dấu vết thời gian. Câu “Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số này càng ý nghĩa biết bao!”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa