Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết văn với lối 'tưng tửng'
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Lê Minh Quốc đã in hàng chục đầu sách các thể loại. Cứ nghĩ nhà thơ thì chỉ làm thơ, nhưng với Lê Minh Quốc, sách các thể loại khác in nhiều hơn thơ. Với ông, viết mỗi ngày là công việc dù màn hình máy tính luôn... phẳng và trơn trợt.
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Thật buồn khi nhà phê bình… đi vắng
- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà
* Anh vừa ra mắt cùng lúc hai cuốn tạp bút Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn và Ngày viết mỗi ngày, tại sao anh không in thành một cuốn vì cùng thể loại?
- Hai quyển sách này hoàn toàn khác nhau về đề tài. Ngày viết mỗi ngày là nhật ký của tôi viết trong năm 2014. Do ý thức lưu giữ lại một phần ký ức của tháng năm đang sống nên tôi ghi nhận một cách chọn lọc và bình luận các sự kiện về văn hóa, xã hội đã diễn ra. Nó là một dạng sổ tay của nhà văn.
Chuyện này, các nhà văn thế hệ trước đã từng làm. PGS-TS Lưu Khánh Thơ ghi nhận đó là “Những ngày viết làm nên đời viết” và giải thích rõ: “Tôi đã đọc, hàng nghìn trang nhật ký của Nam Cao, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo… trong tâm thế đó.
Nhật ký của nhà văn không chỉ là một phần đời mà nó chính là tác phẩm, là đứa con tinh thần của họ. Những ngày viết góp phần làm nên đời viết. Ai cũng có thể viết nhật ký, nhằm ghi lại những gì đáng nhớ trong một ngày. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ cá nhân đơn lẻ, không gắn với dòng chảy thời sự đang diễn ra, thì không thể tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc rộng rãi. Nhật ký của nhà văn - người của công chúng, phải phản ánh được thời gian đang sống. Có như thế, sau này, qua nhật ký của một người, thế hệ sau mới có thể tìm thấy dấu tích của một thời”.
Còn Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, lại là những bài viết của tôi trình bày về quan niệm sống đẹp.
* Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận xét, Ngày viết mỗi ngày của anh được viết theo bút pháp "lung tung xèng". Xin hỏi anh "lung tung xèng" có phải là viết chuyện "trên trời dưới đất"?
- Đó là cách nói vui, bông phèng của "ông Biền" Tình nhỏ làm sao quên, lúc khề khà trên… bàn nhậu. Lại có người cho là viết chuyện "trên trời dưới đất"; hoặc “chuyện nọ xọ chuyện kia”… cũng tùy theo mỗi góc nhìn. Lại càng thú vị.
Tôi lì lợm đeo đuổi cách viết này, vì qua đó, nó mới có thể chuyển tải hết nội dung của các sự việc, sự kiện mà tôi ghi nhận trong một ngày. Nhật ký là viết cho riêng mình, nhưng do công bố rộng rãi nên tôi chọn cách viết như đang tâm sự, tỉ tê, thân tình cùng bạn đọc lúc “trà dư tửu hậu”.
Lối viết này tưng tửng, chưa mấy ai sử dụng đều đặn và thường xuyên như tôi, vì trước đó, Ngày trong nếp ngày, tôi cũng chọn cách viết đó.
Cuốn sách “Ngày viết mỗi ngày” được Lê Minh Quốc viết với lối văn “tưng tửng”
* Thời gian gần đây, năm nào anh cũng ra cùng lúc hai cuốn sách. Xin hỏi sức đâu mà anh viết khỏe vậy? Vì viết khỏe như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chỉ một năm một cuốn.
- Với tôi, ai ai sống trên đời này cũng đều có tài năng nhất định. Hơn nhau ở chỗ là họ có chịu khó làm việc đều đặn mỗi ngày hay không. Tôi biết mình tài năng không nhiều so với các bạn viết, vì thế, tôi phải “cần cù bù thông minh”, phải nỗ lực nhiều hơn. Học tập các cụ Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… là ngày nào cũng viết. Viết không cần đợi hứng.
Do đó, tôi chọn cách ghi nhật ký mỗi ngày là vậy. Nó buộc mình phải viết liên tục. Ngoài ra, các bài vở cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo, “đúng hẹn lại lên” nên tôi không cho phép mình lơ là hoặc tùy hứng mà có “kỷ luật” nghiêm túc.
* Có người cho rằng, ông Quốc không vợ con, nên tất cả tình yêu ông dành cho trang viết?
- Điều đó đúng lắm. Nghĩ cho cùng, sống ở trên đời phải có niềm vui và mục đích gì đó chứ? Số phận đẩy đưa khiến tôi phải chọn lấy nghiệp viết.
Sáng nay, tôi vừa viết xong bài thơ Tự sự nửa khuya, trong đó nói rõ: “Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi em?/ Mỗi một ngày rạng sáng mặt trời lên/ Anh lặng lẽ ngồi đối diện với anh/ Quan sát, kiếm tìm, chắt chiu, chọn lọc/ Cần kiệm thời gian trong từng khoảnh khắc/ Phía chân trời bão giông/ Anh gieo hạt trên đầu ngọn sóng/ Ngày sau lại gặt về/ Một hạt thóc vàng, một linh hồn rét cóng… Chẳng rõ nên vui hay buồn? Mà thôi, hãy chấp nhận và hài lòng với những gì đang có.
* Sắp tới, anh còn hứng in sách nhật ký?
- Tất nhiên là có. Nhật ký của năm 2015 với tựa Ngày sống đời thơ, và một tập tạp bút cùng chủ đề với như Tôi và đàn bà, Gái đẹp trong tôi, Khi tổ ấm nhảy Lambada, Tình éo le mà lý oái ăm đã từng xuất bản.
Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa