Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng quay lại bên giá vẽ khi đã “no đủ”
(TT&VH) - Khác với bản tính vui vẻ, hòa đồng, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng đã giới thiệu về triển lãm cá nhân thứ hai Và hoa đã mưa xuống (đang diễn ra tại Art Vietnam – số 7 Nguyễn Khắc Nhu - Hà Nội, kéo dài tới 10/7) một cách khá kiêu ngạo: “Khi tới triển lãm này bạn chớ có mang theo những câu hỏi, ít nhất là trong ngày hôm nay”…
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng có biệt danh Hùng “Mán”, sinh năm 1981 tại Tuyên Quang. Từ năm 2009, anh đã có ý tưởng về bộ tranh gồm 29 bức màu nước (10 bức khổ 70x100 cm, 4 bức 100x168 cm, 15 bức 195x128 cm) vẽ trên giấy dó này.
“Ẩn dật” để vẽ
Trước triển lãm, khi được hỏi về tên của bộ tranh, Hùng cười bảo, tên hơi bị “sến” đấy: Và hoa đã mưa xuống. Thế nhưng khi xem xong bộ tranh của Hùng, thì quả thực, không có cái tên nào thích hợp hơn.
29 bức tranh của Hùng vẽ trên giấy dó thô còn nguyên ganh. Bức tranh khổ lớn còn hằn vết ghép từ các mảnh giấy dó nhỏ. Mỗi bức tranh, mang vẻ đẹp vừa thực vừa ảo, vừa mênh mông vừa hữu hạn, vừa nở bừng vừa u uẩn tối, vừa sâu sắc vừa đèm đẹp... cũng đủ làm nao lòng.
Hùng là số ít họa sĩ chọn giấy dó - loại giấy truyền thống - để làm chất liệu thể hiện những ý tưởng mới đậm nét đương đại. Vốn là người ưa khám phá, thể nghiệm, từng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, đến khi cảm thấy “no đủ”, Hùng quay lại bên giá vẽ và âm thầm tìm kiếm các chất liệu sao cho phù hợp với từng chủ đề.
Đến với Và hoa đã mưa xuống, bạn im lặng tận hưởng dư vị ngọt ngào của từng bức tranh, bởi tác giả “muốn dành cho không gian này một sự tĩnh lặng của riêng nó. Và, đó sẽ là bài ca của nhận biết, đó sẽ là bài ca của con chim vu vơ cất lên từ khoảng xa xăm, không cất lên cho riêng ai mà chỉ cất lên, bởi vì trái tim tràn đầy và muốn cất lên, bởi vì đám mây tràn đầy và muốn mưa, bởi vì đóa hoa tràn đầy và cánh hoa xòe ra và hương thơm thoảng ra... không địa chỉ”.
Người thân có mảnh đất ở Bắc Ninh, Hùng chọn đó làm nơi “ẩn dật” để vẽ. Có việc gì đó mới ghé về Hà Nội. Mặc dù trước đây trong một số hoạt động về nghệ thuật trình diễn, Hùng tham gia khá nhiệt tình nhưng khi về Bắc Ninh, Hùng thích làm việc đơn lẻ. Các triển lãm hay chương trình nghệ thuật ở Hà Nội ít khi thấy sự có mặt của Hùng.
Và “duyên nợ” với nho mài
Nguyễn Thế Hùng là con trai thứ ba, (nhà có bốn anh em) trong gia đình không ai làm nghệ thuật. Hồi bé nghịch ngợm, Hùng hay trốn nhà đi chơi, lang thang ngoài cánh đồng. 10 tuổi được bố mẹ cho đi học vẽ ở cung văn hóa của tỉnh “để đỡ suốt ngày lêu lổng”. Gặp một người thầy, ông đã truyền cho Hùng niềm đam mê vẽ tranh từ suy nghĩ và cách sống của ông. Bức tranh đầu tiên trong đời, Hùng vác bảng ra ngoài sông hí hoáy vẽ cảnh sông Lô quê hương cùng vài con thuyền... Thầy bảo Hùng có năng khiếu và ông tỏ ra thích cách vẽ của cậu. Những bức tranh đầu tiên ấy, vẫn được Hùng cất giữ cẩn thận.
Lớp 11, Hùng thi vào Trường CĐ Nghệ thuật Việt Bắc, học ở khoa hội họa 4 năm. Tại đây, Hùng gặp thầy Trần Tuấn Vinh – người rất tâm huyết với sinh viên (Thầy Vinh không may qua đời vào năm 2004, do tai nạn). Thầy tạo cho Hùng hứng thú vẽ tranh. Chính thầy đã thúc giục Hùng thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Thầy nói, đó là môi trường tốt để Hùng có thể sáng tạo hết khả năng của mình. Thầy là người đầu tiên thử nghiệm chất liệu nho mài. Một thể loại tranh riêng mà thầy sáng tạo ra. Theo lời kể của Hùng, thầy Vinh đã hoàn thành luận văn tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội về cách thể nghiệm chất liệu nho mài.
Tác phẩm trong triển lãm Và hoa đã mưa xuống
Từ năm 1999 đến nay, Hùng gắn bó với thể loại nho mài và tạo được những dấu ấn cá nhân. Tranh nho mài là loại tranh dùng mực nho vẽ trên giấy cốt sê, sau đó thì dùng dao lam cạo nhẹ bề mặt để tạo chất và chiều sâu. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để ra được một bức tranh quả không dễ. Phải hiểu độ thấm màu của giấy, mực pha loãng bao nhiêu thì có thể cạo được, tay cạo nhiều, sẽ tự biết khi nào cạo nhẹ, cạo mạnh tay để không bị lỗi.
Hùng hoàn thành bộ tranh vẽ đầu tiên (20 tranh, khổ 38x108 cm và 79x109 cm) vào năm 2007, chưa triển lãm, nhưng đã được Âu Cơ Gallery mua lại già nửa dù thể loại nho mài còn mới trên thị trường và khá kén khách. Điều này đã động viên và kích thích sự hứng khởi của Hùng trên con đường sáng tạo.
Bộ tranh 20 bức Hùng vẽ trong 3 năm, sau khi thầy mất, Hùng muốn làm một bộ tranh để tưởng nhớ thầy. Hùng vẽ lại không gian trong vườn nhà mình và đan xen là những phong cảnh trên miền núi mà Hùng có dịp đi thực tế cùng thầy. Những không gian trầm lắng, buồn, của mùa Đông được Hùng tái hiện lại bằng các nét vẽ mực nho. Sau đó mài (cạo) và phủ màu nước lên trên, nhờ vậy các bức tranh tạo ra độ sâu ba chiều và mang vẻ huyền ảo.
Lần đầu tiên, tranh nho mài của Hùng được mang ra trước công chúng là vào năm 2008, trong triển lãm Vọng khúc tại Maison des Art (31 Văn Miếu), nhiều người thích thú vì chất liệu mới lạ. Mãi đến năm 2010, Hùng mới có được triển lãm cá nhân đầu tiên tại New Space Foundation, Huế, nhưng không phải là tranh nho mài mà là tranh màu nước vẽ trên giấy dó, và tranh bột màu.
Do chất liệu nho mài rất kén đề tài, nên việc sử dụng nho mài không được thường xuyên. Chỉ khi nào chọn được đề tài tương thích với nho mài, Hùng mới dùng đến chất liệu này để thể hiện hết ý tưởng của mình. Ngoài nho mài, Hùng đi sâu vào sơn mài và đặc biệt là vẽ trên giấy dó.
Việt Quỳnh