Hòa giải vụ tranh chấp vở diễn 'Ngày xưa'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/1, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Công ty Tuần Châu) và bị đơn là Công ty Cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là Công ty DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc. Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là chủ đầu tư. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của cả hai phía: Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú.
Trước đó, vào trung tuần tháng 11/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này, tuy nhiên sau đó đã phải tạm dừng phiên tòa để làm rõ thêm một số vấn đề.
Trong phiên phúc thẩm ngày 17/1, đạo diễn Hoàng Nhật Nam (tác giả vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”) có mặt. Đạo diễn Việt Tú vắng mặt, ủy quyền cho người khác đến dự phiên tòa.
Sau khi Tòa cấp sơ thẩm ra phán quyết, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã gửi đơn đến Tòa án cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên vở diễn thực cảnh “Tinh Hoa Bắc Bộ” là vở diễn phái sinh của vở diễn “Ngày xưa” nhưng Tòa cấp sơ thẩm lại không xác định ông Hoàng Nhật Nam là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Vì vậy, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đề nghị được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đồng ý tham gia tố tụng vụ án ở cấp phúc thẩm.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, việc Tòa cấp sơ thẩm không đưa ông Hoàng Nhật Nam tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì cho rằng không liên quan đến tranh chấp là do nhận thức pháp luật chưa thật sâu sắc. Để giải quyết triệt để vụ án này, cần xác định ông Hoàng Nhật Nam là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của ông Nam.
Để giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã mời các thành viên của Hội đồng thẩm định đến tòa nhưng do tuổi cao, đường xa, bận nhiều công việc, họ không thể có mặt tại tòa.
Quá trình tố tụng, thời gian đầu, các bên giữ nguyên các kháng cáo và kiến nghị. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho rằng, vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là vở diễn độc lập. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự đã đưa ra những tài liệu liên quan để chứng minh cho các yêu cầu, quan điểm của mình.
Sau đó, các bên đương sự trong vụ án thể hiện mong muốn hòa giải để giải quyết vấn đề tranh chấp trong vụ án này và những vấn đề có liên quan. Qua một thời gian trao đổi, các bên đương sự đã thống nhất được nội dung giải quyết vụ án theo các nội dung thỏa thuận như sau: Công ty DS có trách nhiệm bàn giao lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” cho chủ sở hữu là Công ty Tuần Châu. Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu của kịch bản vở diễn “Ngày xưa”. Đạo diễn Nguyễn Việt Tú là tác giả kịch bản vở diễn này. Công ty Tuần Châu thanh toán cho Công ty DS phần tiền lãi phát sinh là hơn 660 triệu đồng. Công ty Tuần Châu thực hiện việc thanh toán số tiền phát sinh và Công ty DS phải xuất hóa đơn tài chính theo quy định của pháp luật. Thời gian để thực hiện các công việc trên là 1 tháng kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cam kết rút đơn khởi kiện đạo diễn Việt Tú trước đó đã gửi Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh). Đạo diễn Việt Tú cam kết rút đơn khởi kiện Công ty Tuần Châu đã gửi trước đó tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, các bên: Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, đạo diễn Việt Tú, Công ty DS, Công ty Tuần Châu cam kết chấm dứt tất cả các tranh chấp và không tiến hành bất cứ thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tại bất cứ cơ quan, tổ chức, tòa án với mọi vấn đề có liên quan tới hai vở diễn “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ”.
- Phúc thẩm vụ tranh chấp vở diễn 'Ngày xưa': Tạm dừng phiên xử để xác minh, làm rõ thêm
- Đạo diễn Hoàng Nhật Nam muốn được giám định hai tác phẩm 'Tinh hoa Bắc Bộ' và 'Ngày xưa'
- Qua vụ kiện bản quyền 'Ngày xưa' và 'Tinh hoa Bắc bộ': Giá như nghệ sĩ, nhà đầu tư nắm rõ Luật
Các đương sự đã thống nhất với thỏa thuận trên và không có tranh luận. Xét việc các đương sự mong muốn hòa giải là tự nguyện và đúng pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự trong vụ kiện này.
Trong đó, quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội khẳng định: Tất cả nội dung nêu trên là quan điểm chính thức của các bên đối với dư luận, truyền thông, báo chí, mạng xã hội. Khi bản án có hiệu lực, các bên cam kết chấm dứt mọi phát ngôn về việc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội có nội dung khác với nội dung như thỏa thuận nêu trên.
Mọi trường hợp phát ngôn trái với thỏa thuận đều không có giá trị. Trường hợp xuất hiện thông tin khác nội dung thỏa thuận của các bên không do bất kỳ bên nào cung cấp, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết hợp lý phương án giải quyết tận gốc vấn đề phát sinh.
Kim Anh