Góc nhìn 365: Khi cầu Long Biên 'thay áo mới'
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn chục ngày qua, hình ảnh “lớp áo mới” dở dang của cầu Long Biên đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khi công trình này bắt đầu bước vào đợt duy tu bảo dưỡng.
“Lớp áo” ấy là màu sơn xám nhạt, được phủ lên phần lan can cầu, sau khi phía thi công đã làm sạch lớp rỉ sét và quét một lớp sơn nền chống rỉ. Khá thú vị, như chia sẻ của nhiều người, màu sơn mới bỗng khiến cầu Long Biên trở nên “khang khác” so với thường ngày.
Tất nhiên, sơn mới rồi sẽ bay màu, để cầu Long Biên sớm trở lại “màu thời gian”. Nhưng, câu chuyện ở đây là hình ảnh luôn cũ kĩ, rỉ sét của một cây cầu – tới mức cộng đồng đã quá quen với nó.
Sự cũ kĩ ấy không khó lý giải: Chỉ vài tháng nữa, cầu Long Biên sẽ kỉ nhiệm tròn 120 năm tồn tại, kể từ khi được khánh thành vào ngày 29/2/1902.
Trong hơn một thế kỷ ấy, cầu Long Biên vẫn đều đặn hoạt động để cõng những lượt người, xe - và đặc biệt là những chuyến tàu hỏa - qua lại hai bờ sông Hồng mỗi ngày. Chưa kể, sau khi bị bom Mỹ đánh sập năm 1972, 6/19 nhịp cầu cũ đã được cải tạo bằng những dầm quân dụng và vẫn duy trì tình trạng này cho đến hiện tại.
Để rồi, khi lần lượt những cây cầu mới được xây dựng và bắc qua sông Hồng, chức năng giao thông của cầu Long Biên dần được san sẻ. Thay vào đó, sau một thế kỷ tồn tại, Long Biên dần trở thành một biểu tượng văn hóa của Hà Nội - và cũng là một chứng nhân lịch sử sau mọi thăng trầm.
Chỉ có điều, những hạn chế về điều kiện kinh tế, khiến chúng ta vẫn chưa thể tu sửa, tôn tạo cầu Long Biên cho xứng đáng với những giá trị mà nó mang theo. Đơn cử, theo thống kê, đợt “tân trang” gần nhất cho cây cầu này diễn ra từ năm 2007. Và ngay cả lần này, những hạn chế về kinh phí cũng chỉ cho phép sơn chống rỉ ở hai bên lan can cầu với tổng diện tích khoảng 2000 m2. Trong khi đó, theo ước tính, phía thi công sẽ phải sơn tổng cộng 70.000 m2 nếu muốn bảo dưỡng toàn bộ cây cầu.
Sơn chống rỉ từng bộ phận, thay thế gia cố ốc vít hoặc những phần tà vẹt bị mủn nát, cách làm theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” ấy từng được nhiều người so sánh với một tấm áo vá đi vá lại - cho dù người dân Hà Nội vẫn trân trọng và quen thuộc với tấm áo vá này.
***
Thực ra, sự quan tâm của người Hà Nội với cây cầu Long Biên đã được xới lên từ năm 2014. Thời điểm ấy, ý tưởng dỡ bỏ hoặc di dời cầu Long Biên để xây dựng một cây cầu mới (nhằm phục vụ tuyến đường sắt mới theo quy hoạch) đã nhận về sự phản ứng khá gay gắt của dư luận, đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng “hiến kế” bảo tồn cây cầu này.
Và, về cơ bản, những ý tưởng ấy đều gặp nhau ở một ý tưởng chung: Cây cầu đường sắt mới song song với Long Biên cần được sớm xây dựng - để rồi, khi “giải phóng” khỏi chức năng gánh những chuyến tàu, không gian dọc theo Long Biên có thể hoàn toàn trở thành không gian văn hóa - di sản để phục vụ người đi bộ cũng như khách thập phương.
- Từ cầu Long Biên tới chuyện di sản đô thị
- Bảo tồn cầu Long Biên: Cơ hội cuối cùng cho Hà Nội
- Cầu Long Biên - Người mẹ thời khốn khó
Đó là một giấc mơ đẹp và không quá xa vời - khi rào cản lớn nhất phải vượt qua chỉ là vấn đề kinh phí, cả để xây dựng cây cầu đường sắt mới lẫn trùng tu và bảo dưỡng cầu Long Biên sao cho xứng đáng với một biểu tượng của Hà Nội.
Thậm chí, gánh nặng về nguồn kinh phí ấy cũng có thể được giải quyết từ nhiều hướng tiếp cận - mà như lời các chuyên gia, việc khai thác quỹ đất (dự kiến sẽ tăng vọt về giá trị) xung quanh một không gian văn hóa tương lai cũng có thể thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa cho kế hoạch này.
Bây giờ, khi Hà Nội đang hoàn thiện bản quy hoạch phân khu đô thị dọc sông Hồng, rõ ràng chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn, để những hi vọng từ lâu nay trở thành sự thực: cầu Long Biên sẽ có một “tấm áo mới” xứng đáng với vị thế và giá trị của một di sản văn hóa Hà Nội, chứ không chỉ là “tấm áo mới” đang được sơn tạm dọc theo hai dãy lan can cầu...
Trí Uẩn