'Giấc mơ lóng lánh': Kịch tương tác đặc thù của sân khấu 5B
(Thethaovanhoa.vn) - Góc nhỏ Sài Gòn, con hẻm giản dị với mỗi căn nhà một số phận, mỗi cảnh đời một bi kịch hiện lên rất đỗi thân thương và có tính tương tác tuyệt vời cùng khán giả trong vở kịch Giấc mơ lóng lánh.
Sau khi đi vào hàng trăm cuốn sách, bộ phim, hàng ngàn chùm ảnh, giờ đây, hình ảnh Sài Gònhiện đại, trẻ trung, gần gũi, đậm nét tính cách giản dị, hồn hậu, cởi mở, sống hết lòng ngay cả với những con người không phải ruột thịt của mình hiện lên vô cùng đáng yêu trong vở kịch Giấc mơ lóng lánh (tác giả: Biển Kiện Tùng Phi; đạo diễn: Thái Kim Tùng).
Vở kịch này sẽ công diễn trên sân khấu kịch thử nghiệm 5B từ ngày 20/5 tới.
Cách dàn dựng thông minh
Trong một sân khấu nhỏ như sân khấu 5B, sự thực là dù khán giả có yêu mến nghệ thuật sân khấu và chịu bỏ tiền ra mua vé ngồi đầy khán phòng, thì nghệ sĩ vẫn… khó sống, bởi sân khấu quá bé với số ghế cực kỳ hạn chế.
Quan trọng hơn nữa là luôn cần có những bước tiến mới mẻ chứ không thể dừng lại ở những vở diễn trên sân khấu cổ điển đã từng tồn tại biết bao nhiêu năm qua. Giấc mơ lóng lánh đã dựa vào chính hạn chế của sân khấu hẹp để đẩy mạnh tính tương tác tuyệt vời của toàn bộ vở diễn với khán giả.
Bối cảnh của vở diễn đã được dựng lên rất thông minh, từ ba góc, ba chiều của khán phòng, một bên là tiệm hớt tóc của ông Sáu Lý (diễn viên Công Ninh thủ vai), một phía là quán bia vỉa hè của Nhung con gái ông Sáu Lý (Như Ý thủ vai), hướng thứ ba là căn nhà nghèo nàn của Kevin Trần Phong (Tấn Phát vào vai) và người mẹ nghệ sĩ Dạ Thu đã hết thời (do NSƯT Tuyết Thu thủ vai) trốn tránh hoà lẫn vào tiệm may giản dị trong con hẻm bình dân.
Hẻm nghèo nhưng vô cùng đáng yêu với những con người hồn hậu, luôn sống cởi mở, phóng khoáng, cho đi nghĩa là nhận lại.
Trong con hẻm ấy, ở giữa ba chiều không gian hiện lên mỗi nhân vật một số phận, NSƯT Mỹ Uyên (trong vai Jessi Hằng) vừa xuất hiện đã làm sáng rực cả ngõ nghèo, toát ra “mùi ngoại quốc”, thu hút sự chú ý của tay đấm bóp mát-xa và cả anh hát dạo bán kẹo (Quốc Thịnh vào vai). Không ai ngờ được, ý định tốt đẹp của bà Việt kiều Jessi Hằng là cải tạo lại cái rạp Kim Hải từng một thời lừng lẫy sáng đèn lại mở ra tấn bi kịch cũ của Dạ Thu - người nghệ sĩ tưởng đã trốn tránh được cái thời chết đi sống lại, mất hết tất cả vì yêu.
Sài Gòn trẻ trung đáng yêu
Tuy nhiên, không chỉ khơi gợi lại bi kịch cũ, vở diễn còn đặt ra một vấn đề nóng hổi của giới trẻ hiện đại: Nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền không hẳn là đã có tất cả, nếu nhân cách nghệ sĩ không được xây dựng trên một nền móng vững chắc bao gồm kiến thức, hiểu biết, kỹ năng khổ luyện và cả tinh thần vì con người, thì sự nổi tiếng ấy cũng chỉ là ảo ảnh vô nghĩa.
Giấc mơ lóng lánh có khá nhiều màn hoạt náo kiểu đương đại, lấy được những tràng cười sảng khoái của khán giả nhờ kịch bản và lời thoại thông minh, dí dỏm.
Dàn diễn viên chạy qua chạy lại giữa ba căn nhà trong con hẻm, lúc thì chuyện thời sự diễn ra ở tiệm hớt tóc, lúc thì màn giải trí bên quán bia, diễn viên ngồi sát vào với những hàng ghế khán giả, tương tác với khán giả trong những màn giao lưu thú vị. Đặc biệt là những màn hát bolero bên quán bia vỉa hè của Phạm Hoài Nam sẽ khiến cho khán giả trong khán phòng thực sự buông chùng cảm xúc xuống một độ sâu lắng đáng kể, thả lỏng mọi sự suy nghĩ, căng thẳng, chỉ để cảm nhận một Sài Gòn giản dị, thân thiện.
Không hề e ngại khi vào một vai diễn cướp chồng người khác, để rồi cả đời cảm thấy đau đớn, ăn năn về cái xấu, cái ác trong bản thân và tội lỗi đã trót gây ra, NSƯT Mỹ Uyên nói: “Không có một vai diễn nào nhỏ hay một vai diễn nào làm cho sự nghiệp người nghệ sĩ xấu đimà chỉ có người nghệ sĩ không dám nhận và chê vai mới xấu”.
Sự trở lại của sân khấu kịch 5B sau thời gian dài đóng cửa sửa chữa đã thể hiện rõ nét tính chất thể nghiệm ngay từ vở diễn đầu tiên. NSƯT Mỹ Uyên cho biết: “Hơi thở và màu sắc của sự đổi mới phải đồng hành với nội dung gần gũi và tinh thần tương tác cao nhất với khán giả. Khán giả thấy mình hòa vào không gian của vở diễn như họ đang là nhân vật hoặc một phần của ý tưởng nghệ thuật một cách tự nhiên, họ sẽ không ngại ngần, đắn đo, gò bó gì khi đến với sân khấu. Với các vở diễn tiếp theo của sân khấu 5B, tôi vẫn muốn đạo diễn dàn dựng theo kiểu tương tác, cho dù đó là một kịch bản chính luận”.
Hòa Bình