A+ A A- Kiểu đọc sách

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'

19:24 26/08/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Thạch là đá, Quỳ là tên một ngọn núi ở vùng Nghệ Tĩnh, Thạch Quỳ là bút danh của một “ông đồ” Nghệ gàn nổi tiếng, gàn thứ thiệt nhưng dễ thương, chứ không gàn diễn. Ông đồ Thạch Quỳ người nhỏ thó, xù xì, góc cạnh như đá núi, nhưng thơ trong sách giáo khoa thì lại đẹp, mềm mại, rực rỡ.

Nhà thơ Định Hải: Dẫn thiếu nhi tới chốn thần tiên

Nhà thơ Định Hải: Dẫn thiếu nhi tới chốn thần tiên

Nếu nhìn việc đưa tác phẩm vào sách giáo khoa như một lựa chọn chất lượng, thì Định Hải đang là một kỷ lục của chất lượng như vậy. Ở các sách Tiếng Việt, bộ hiện hành, ông có tác phẩm từ lớp 1 tới lớp 5.

Ông có bài ở trang 17 sách Tiếng Việt 1 (tập 2), bài ở trang 23-24 sách Tiếng Việt 3 (tập 1), bài ở trang 116 sách Tiếng Việt 3 (tập 2).

Thơ tiết tấu nhanh, đẹp mềm mại…

Chú thích ảnh
Nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Hải Vương - Trung Hà

“Mè hỏa mè hoa/ Ùa ra giỡn nước/ Chị bơi đi trước/ Em lượn theo sau/ Ruộng rộng, ao sâu/ Đìa con đìa cạn/ Gọi chúng gọi bạn/ Đắp đập be bờ/ Quăng đó quăng lờ/ Cắm cờ lá chuối/ Cá mè ăn nổi/ Cá chép ăn chìm/ Con tép lim dim/ Trong chùm rễ cỏ/ Con cua áo đỏ/ Cắt cỏ trên bờ/ Con cá múa cờ/ Đẹp ơi là đẹp!” - bài Mè hoa lượn sóng (sách Tiếng Việt 3, tập 2) của Thạch Quỳ.

Cái đẹp của bài thơ là đẹp theo tiết tấu nhanh của một đoạn phim. Nhanh để kịp thấy toàn cảnh “Ruộng rộng, ao sâu” kịp thấy cận cảnh, mắt tép “lim dim”, càng cua đang “cắt cỏ”, đuôi cá đang “múa cờ”; nhờ tiết tấu nhanh, nhiều khi con vật kiếm ăn trông giống như con người đang lao động “Quăng đó quăng lờ” trong phép màu nhân hóa.

Tiết tấu nhanh theo đúng kiểu đồng dao, giúp thơ chạy kịp theo chân trẻ đang chơi trò chơi vận động. Tiết tấu nhanh, nhưng thơ không lộn xộn, nhờ được bắt vần kỹ lượng bằng cả những vần chân và vần lưng. Nhờ tiết tấu ấy, thơ viết theo lối kể vè ngày “xưa xửa xừa xưa” mà nếu thầy, cô khéo đọc thì trò như được thấy một rapper đang rap.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Mè hoa lượn sóng” trong sách Tiếng Việt 3 (tập 2)

Bài thứ hai của Thạch Quỳ ở trang 23-24 sách Tiếng Việt 3, tập 1 - bài Quạt cho bà ngủ cũng là một bài thơ đẹp, nhưng đẹp dịu dàng, thơ mộng. Cái đẹp nhân văn khi chim biết hót thầm, cây biết “chín lặng” để đem tới an nhiên cho cuộc sống:

Ơi chích choè ơi!/ Chim đừng hót nữa/ Bà em ốm rồi/ Lặng cho bà ngủ// Bàn tay bé nhỏ/ Vẫy quạt thật đều/ Ngấn nắng thiu thiu/ Đậu trên tường trắn// Căn nhà đã vắng/ Cốc chén nằm im/ Đôi mắt lim dim/ Ngủ ngon bà nhé// Hoa cam, hoa khế/ Chín lặng trong vườn/ Bà mơ tay cháu/ Quạt đầy hương thơm.

Khi được báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) mời viết tiếp những bài “gặp lại” này, chúng tôi nhận lời ngay, vì đang có cháu học bậc tiểu học, và biết đâu nhờ trời, sẽ có chắt nữa! Đây là việc thiết thân với chúng tôi! Cũng là những người từng là giáo làng, gõ đầu trẻ, viết như vừa bình giảng trên kia, sẽ có người bắt bẻ, giảng cho đứa vắt mũi chưa sạch, cho lũ trẻ trâu còn “dấm đài” trước khi tới lớp, thì “đàn gảy tai trâu” à?! Vẫn biết, không ai bắt thầy cô giáo tiểu học giảng kỹ tới “vần lưng, vần chân” như thế, nhưng có ai cấm thầy cô giáo tiểu học, hiểu tới tận “yêu vận, cước vận” của một bài tập đọc, để mà biết 10 dạy 1 đâu! Nghĩ như thế, chúng tôi có hỏi chuyển nhà thơ Thạch Quỳ. Nhưng trước khi đưa ra cuộc phỏng vần này, xin làm nóng câu chuyện văn học thiếu nhi, câu chuyện có liên quan tới sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học, mà cách nay mấy mươi năm, nhà thơ Thạch Quỳ là người châm lửa.

Chú thích ảnh
Bài thơ "Quạt cho bà ngủ" trong sách Tiếng Việt 3 (tập 1)

Bài thơ thiếu nhi làm “dậy sóng” làng văn

Một bạn văn Nghệ Tĩnh, cũng là một ông đồ, nhưng mới là đồ hiền thôi, chưa đạt chuẩn “gàn”, khi hay tin chúng tôi tìm mua sách để viết về Thạch Quỳ, thì viết ngay cho một bài, gửi qua mail. Trong bài có đoạn như sau: “Bài thơ Với con của Thạch Quỳ được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, số đầu tháng 6/1979. Sau khi đăng báo, địa phương tổ chức một cuộc trao đổi, thực chất là “sát phạt”, bài thơ của Thạch Quỳ. Hôm đó, đang là sinh viên ĐHSP Vinh, tôi đến dự, là 1 trong 3 ý kiến bảo vệ Thạch Quỳ. Còn lại là quy kết rất nặng. Bản thân ông Quỳ cũng đầy sợ hãi, chỉ dám nói là không có ý ám chỉ gì, và ít nhiều chịu ảnh hưởng lối viết hiện thực của Bertolt Brecht (nhà thơ lớn nước Đức)”.

Bài thơ Với con sau đó được in lại, xóa tan mọi hiềm khích mà người ta cố gán ghép cho Thạch Quỳ.

Bài thơ Với con chúng tôi đang đề nghị để có thể vào 1 trong 5 bộ sách Tiếng Việt, được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép các trường, từ năm học 2020-2021 có thể lựa bộ hay, hợp với trường mình đưa vào giảng dạy. Bài ấy nguyên văn như thế này:

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường/ Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá/ Qua đường đất đến con đường sỏi đá/ Cha e con đến lớp muộn giờ// Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ/ Không thể nào yêu con thay mẹ được/ Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt/ Thì nói lên để mẹ khâu cho// Và con ơi trên ấy ngân hà/ Có thể rồi con sẽ lên đến được/ Nhưng đêm nay thì con cần phải học/ Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ// Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con/ Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng/ Thì con hỡi hãy khêu cho rạn / Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to// Con ơi con, trái đất thì tròn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn// Mẹ hát lời cây lúa để ru con/ Cha cày đất để làm nên hạt gạo/ Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo/ Bác công nhân quai búa, quạt lò // Vì thế nên, lời cha dặn dò/ Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất/ Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con. (tr.91 Thạch Quỳ tuyển tập thơ).

Như đã nói, chúng tôi muốn trẻ em Việt Nam hôm nay được học bài Với con, nên có phỏng vấn: “Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, trong tuyển thơ của anh bài Với con không được coi là thơ viết cho thiếu nhi. Có nên đưa Với con vào danh mục thơ viết thiếu nhi (như tên gọi của nó đã xác định) để các nhà biên soạn sách tiếng Việt tiểu học có cơ hội, lý do tuyển chọn, và trẻ em Việt Nam thời @, cái thời “Cả vừng trăng tuổi thơ/ Cũng nhòa trong ánh điện” mà anh từng nhắc nhở trong thơ mình, (tr.236 Thạch Quỳ tuyển tập thơ) được dạy tỉnh táo, thực tế để mà dũng cảm hơn?

Nhà thơ Thạch Quỳ trả lời: “Bài Với con là thơ viết cho thiếu nhi đọc nhưng tác giả lại hy vọng sau khi thành người lớn thì các em càng hiểu bài thơ hơn, do đó mà có nhiều dư vị hơn, nhiều suy ngẫm hơn. Nó là thơ viết cho thiếu nhi nhưng tôi ráng viết để thơ có thể lớn theo thiếu nhi, các em càng lớn, thơ càng ngấm hơn. Đó cũng là một kiểu thơ có thể dạy cho thiếu nhi nhưng không nên bắt các em hiểu những điều chỉ người lớn mới hiểu. Dù sao thì sách giáo khoa cũng nên cố gắng bớt đi các trang tuyên truyền thời vụ, khô khan, lộ liễu, thêm vào nhưng trang sâu sắc, hướng thiện một cách kín đáo nhưng lâu bền”.

Vài nét về nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ sinh năm 1941 tại Nghệ An, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từng học sư phạm toán và dạy phổ thông trung học, từng làm việc ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Hiện ông sống ở TP Vinh. Các tác phẩm chính: Sao và đất (1967), Tảng đá nhành cây (1973), Điệu hát nguồn sống và đất (1978), Nguồn gốc cơn mưa (1978), Cuối cùng vẫn một mình em (1986), Đêm Giáng sinh (1990), Bức tường (2009), Thạch Quỳ - tuyển tập thơ (2018)…

Phùng Đan Phượng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...