A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà thơ Định Hải: Dẫn thiếu nhi tới chốn thần tiên

17:10 19/08/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn việc đưa tác phẩm vào sách giáo khoa như một lựa chọn chất lượng, thì Định Hải đang là một kỷ lục của chất lượng như vậy. Ở các sách Tiếng Việt, bộ hiện hành, ông có tác phẩm từ lớp 1 tới lớp 5.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 20): Nhà thơ Vương Trọng - Cử nhân toán học viết cho thiếu nhi

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 20): Nhà thơ Vương Trọng - Cử nhân toán học viết cho thiếu nhi

Nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học, bộ còn đang dùng, và đã dùng từ năm 2000, đưa thơ Vương Trọng vào chủ điểm “lễ hội”, cùng với các bài nói về hội vật, hội đua thuyền, hội đua voi…

Đó là điều mà nhà thơ, nhà văn nào cũng ước ao, song không mấy người có được.

Những dòng thơ giàu nhạc tính

Thơ Định Hải trong Tiếng Việt 1 là 4 dòng ở trang 161 dạy vần “ốc”: Mái nhà của ốc/ Tròn vo bên mình/ Mái nhà của em/ Nghiêng giàn gấc đỏ”. Trong sách Tiếng Việt 2, tập 1 là bài Gọi bạn: Dê trắng thương bạn quá/ Chạy khắp nẻo tìm bê/ Đến bây giờ dê trắng/ Vẫn gọi hoài: “Bế! Bê!”. Trong sách Tiếng Việt 3, tập 1, là bài Vẽ quê hương: “Trường học trên đồi/ Em tô đỏ thắm/ Cây gạo đầu xóm/ Hoa nở chói ngời/ A, nắng lên rồi/ Mặt trời đỏ chót” và bài Một mái nhà chung: “Bạn ơi ngước mắt/ Ngước mắt lên trông/ Bạn ơi hãy hát/ Hát câu cuối cùng/ Một mái nhà chung/ Một mái nhà chung”.

Trong sách Tiếng Việt 4, tập 1, là bài Nếu chúng mình có phép lạ: “Nếu chúng mình có phép lạ/ Hái triệu vì sao xuống cùng/ Đúc thành ông mặt trời mới/ Mãi mãi không còn mùa Đông”. Trong sách Tiếng Việt 5, tập 1, là bài Bài ca trái đất đã được phổ nhạc và được cuộc bình chọn của báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xếp vào danh sách 50 bài hát Việt hay nhất thế kỷ 20 dành cho thiếu nhi Việt Nam: Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển/ Cùng bay nào, cho trái đất quay!/ Cùng bay nào, cho trái đất quay!...

Trên báo Quân đội Nhân dân ngày 2/4/2014 nhà thơ Định Hải kể: “Năm 1978, tôi cùng đoàn thiếu nhi Việt Nam dự trại Hè thiếu nhi quốc tế ở Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ). Trẻ em khắp 5 châu với đủ màu da tụ họp. Đoàn thiếu nhi Việt Nam có 10 em (5 nam, 5 nữ).

Có một điều lạ là trước ngày khai mạc, trong khi ở đoàn khác, thiếu nhi các nước, nam nữ khoác tay nhau đi chơi, tham gia các hoạt động một cách rất tự nhiên, thoải mái thì đoàn chúng ta, các em nam đi một nơi, nữ túm tụm một chỗ. Tôi có nói chuyện này với nhà thơ Xuân Diệu, ông cũng băn khoăn: “Tại sao trẻ em ta không hòa đồng như các nước nhỉ? Người lớn phải hướng dẫn, giáo dục chúng. Nếu không dạy chúng cầm đũa thì chúng sẽ ăn bốc đấy”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Định Hải

Đến hôm khai mạc, các em da trắng, vàng, đen… nắm tay nhau hát múa quanh quả địa cầu khổng lồ màu xanh da trời. Nhìn cảnh ấy, tôi xúc động quá. Những vần thơ tự nhiên cứ “buột” ra: “Trái đất này là của chúng mình/ Vàng trắng đen tuy khác màu da…”. Bài ca về trái đất được hoàn thành ngay trên khán đài trong buổi tối hôm ấy”.

Dù viết tức hứng “buột ra”, nhưng khát khao vượt qua tự ti để hòa đồng với thế giới vẫn được xử lý rất nhà nghề. Nhãn tự “cùng bay” nằm liền sau các hình ảnh chim câu, hải âu để thơ đủ sức cất cánh tạo ra sự nhịp nhàng của các điệp ngữ gợi hình: “Cùng bay nào cho trái đấy quay” những điệp ngữ chốt ý “Hành tinh này là của chúng ta”!

Và cho dù thể hiện khát khao hòa đồng với thế giới, thì trong các dòng thơ giàu nhạc tính, người đọc kỹ vẫn tìm ra một thành ngữ rất hay trong kho tàng Việt ngữ “người ta là hoa đất”. Hoa Việt Nam khiến “Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc”! Và nếu liên hệ với bài Một mái nhà chung, các em đã học ở lớp 3, thì khát khao hòa đồng này tác giả đã thủ bút. Cũng trong không gian nghệ thuật là bầu trời, tác giả đã có một cách xử lý cũng với gam màu xanh, được tô đậm bằng điệp từ nối câu, để xanh nối xanh, chữ theo chữ như bắc thang dẫn bạn đọc thiếu nhi tới chốn thần tiên lung linh: “Mọi mái nhà riêng/ Có mái nhà chung/ Là bầu trời xanh/ Xanh đến vô cùng… Mọi mái nhà riêng/ Có mái nhà chung/ Rực rỡ vòm cao/ Bảy sắc cầu vồng”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bài ca trái đất” trong sách Tiếng Việt 5, tập 1

Phát hiện, bồi dưỡng “truyền nhân”

Ngày 8/2/2007, nhà thơ Định hải được tặng Giải thưởng nhà nước cho các tác phẩm: Những tục ngữ gặp nhau (hoạt cảnh thơ, 1978), Bài ca trái đất (tập thơ, 1983), Bao nhiêu điều lạ (tập thơ, 1998).

Nhưng trong văn học Việt Nam hiện đại công trạng của Định Hải không chỉ là đóng góp một số lượng tác phẩm đáng kể vào văn học dành cho thiếu nhi, mà còn nhiều đóng góp khác! Ông là người phát hiện bồi dưỡng nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi. Định Hải là người đầu tiên đọc tập thơ chép tay mà cậu học sinh tiểu học người Hải Dương - Trần Đăng Khoa - gửi nhà xuất bản Kim Đồng và tới tận nhà em để “trắc nghiệm” thần đồng thơ ca này. Ông đón Khoa ra ở nhà mình ngoài Hà Nội để Khoa biết “Hà Nội có Hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực”.

Trong các cuộc giao lưu với bạn đọc hôm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn nhớ bài trắc nghiệm ngày ấy. Ông kể nhà thơ Định Hải thấy trên tường có dán tờ họa báo chụp hình mấy thiếu nữ mặt hoa da phấn ăn bận rực rỡ, đang hái hoa và nói Khoa làm thơ tặng mấy người đẹp ấy, Khoa có ngay bài lục bát với câu kết rất thơ, hoa người là đẹp nhất: “Dù hoa có đẹp đến đâu/ Cũng không bằng cái áo màu ba cô”! Cũng vào những năm ấy, Định Hải còn phát hiện và in sách cho nhiều cây bút khăn quàng đỏ khác như: Khánh Chi, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân…

Chú thích ảnh
Tập thơ “Bài ca trái đất” của Định Hải, được tái bản nhiều lần

Năm 1998 Định Hải giới thiệu Cao Xuân Sơn vào Hội Nhà văn Việt Nam và đồng hành trên đường văn với cây bút trẻ mà mình tin cậy để rồi 2010 được đọc Cao Xuân Sơn và vui mừng khi thấy đã có người đồng tâm hiệp lực với mình trong văn học thiếu nhi: “Rõ ràng vẫn còn đó thơ hay cho thiếu nhi, chắc chắn là thơ không thể thiếu vắng trong tâm hồn trẻ em và trong lòng mọi người. Cảm ơn nhà thơ Cao Xuân Sơn đã cho tôi niềm tin vào thơ cho thiếu nhi, thực sự anh đã “vực” tôi dậy sau mấy chục năm nản lòng buông bút… Tôi rất đỗi vui mừng được đọc tập thơ mới của Cao Xuân Sơn, khiến tôi phải gọi điện ngay vào Sài Gòn chia sẻ với tác giả dù biết là đêm đã khuya” (lời tựa tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất NXB Kim Đồng 2010).

Năm 2006 Định Hải giới thiệu Hoài Khánh vào Hội Nhà văn Việt Nam để rồi 2012 vui mừng thấy người mình giới thiệu càng viết càng sung sức, thấy anh như “một con sóng tưng bừng, dạt dào mà phóng túng, đang ào đến từ miền đất cảng Hải Phòng”.

Vui mừng thấy mình đã có một bạn văn cùng chí hương, cùng lý tưởng thẩm mỹ trong những sáng tác cho thiếu nhi: “Tôi đã đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối tập thơ. Tôi thấy bài nào cũng có những tìm tòi, phát hiện, những nét mới mẻ, nên thơ. Những câu thật bất ngờ làm cho người đọc phải ngạc nhiên lạ lùng… Thật dễ hiểu, thơ Hoài Khánh được trẻ em yêu thích chính là vì anh có cái nhìn trong trẻo, ngộ nghĩnh của trẻ em, anh có cách nói rất trúng tâm lý trẻ em, rất đúng với tầm suy nghĩ của trẻ em (lời tựa tập thơ Dắt biển lên trời, NXB Kim Đồng 2012).

Và không dễ dãi, một chiếu, có dịp là Định Hải đưa ra ý kiến để có thể cân chỉnh những gì quá đà, thiên lệch trong việc ứng dụng các chức năng văn học khi sáng tác cho trẻ em, ông viết: “Có một thời, người ta nghĩ rằng văn học dành cho thiếu nhi trước hết nhằm mục đích giáo dục, kiểu như “Gà giò vào điếm xem tranh. Vẽ con giun đất bò quanh trên đồng. Nhưng vì biết trọng của công. Xem đi xem lại mà không mổ vào”.

Ông cảnh báo, nếu cứ viết như thế thì, theo viện sĩ Vavilov: “Khi con trẻ đánh hơi thấy mùi giáo huấn, chúng sẽ bỏ chạy thật xa”. Và chính ông không giấu thời ấu trĩ của mình, cái thời ông viết bài ca dao về con chim bói cá “duy ý chí” tới mức thà chết đói chứ không bói cá ở những ao đầm mà bà con xã viên hợp tác nuôi cá tập thể!

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ gắn bó với văn học thiếu nhi, Định Hải thấy phần thưởng lớn nhất mà ông có chính là “…đã được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam rộn ràng cất cao tiếng hát: Trái đất này là của chúng mình”.

Vài nét về nhà thơ Định Hải

Nhà thơ Định Hải sinh 1937. Học khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội 1956 -1959. Từng công tác ở bộ Giáo Dục, NXB Kim Đồng. Nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyên Tổng biên tập tạp chí Tuổi xanh. Hiện sống tại Hà Nội.

Các tác phẩm chính: Hoa mùa xuân (truyện ký, 1963), Thăm Bắc Lý (truyện ký, 1964), Bàn tay gieo hạt (truyện, 1967), Chồng nụ chồng hoa (thơ, 1970), Hươu cao cổ (thơ, 1975), Nhành hoa trong vườn sớm (thơ, 1979), Bài ca trái đất (thơ, 1983), Nụ hôn học trò (thơ, 1988), Bao nhiêu điều lạ (thơ, 1994), Thơ với tuổi thơ (2003); Bài ca trái đất (thơ tuyển bao gồm cả thơ viết thiếu nhi và viết cho người lớn 2005)…

(Còn tiếp)

Trần Sơn Đồng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...