loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học, bộ còn đang dùng, và đã dùng từ năm 2000, đưa thơ Vương Trọng vào chủ điểm “lễ hội”, cùng với các bài nói về hội vật, hội đua thuyền, hội đua voi…
Khánh Vinh từng được giải Nhất cuộc thi viết cho tuổi hồng (năm 1992) với bài "Tia nắng hạt mưa", giải Nhất giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2008) với bài "Cổ tích viết trên cát", giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (2011) với bài "Lời ru"…
1. Thật lạ, trong chủ điểm con người vui với nhau như thế, vui tới mức “ngựa xe như nước, áo quân như nêm” thơ Vương Trọng lại không có người:
Chim gõ kiến nổi mõ/ Gà rừng gọi vòng quanh/ Sáng rồi, đừng ngủ nữa/ Nào, đi hội rừng xanh!/… Tre, trúc thổi nhạc sáo/ Khe suối gảy nhạc đàn/ Cây rủ nhau thay áo/ Khoác bao màu tươi non/… Công dẫn đầu đội múa/ Khướu lĩnh xướng dàn ca/ Kì nhông diễn ảo thuật/ Thay đổi hoài màu da/… Nấm mang ô đi hội/ Tới suối nhìn mê say:/ Ơ kìa, anh cọn nước/ Đang chơi trò đu quay!
Trong bài Ngày hội rừng xanh, Vương Trọng kín đáo đưa bạn đọc nhỏ tuổi của mình vào rừng sâu để chứng kiến một một lễ hội kỳ lạ, trong đó con người chúng ta nhường nguyên một không gian xanh cho loài vật, để các bạn động vật - các con thú, làm náo động rừng xanh vì ai đấy đang “nổi mõ” đang thổi sáo, gảy đàn, ai đấy đang “múa” đang hát trong dàn ca, đang “diễn ảo thuật”.
Và rất hiểu lòng tốt của những người bạn thiên nhiên có 4 chân hay 2 cánh đang làm hội bằng văn nghệ, các bạn thực vật - các loại cây, chỉ cắm rễ một chỗ thì, đứa “thay áo mới” đứa “mang ô” đứng mà xem hội. Thật kỳ lạ, một lễ hội không người! Chính cái lạ này làm ra cái hay của bài thơ.
Cái hay núp kín trong chữ nghĩa, cần được khai thác trong các giờ dạy. Tiếc là những người soạn bài này, khi hướng dẫn học sinh chỉ mới dừng ở những câu hỏi nghiêng về xây dựng khái niệm tu từ học “nhân hóa” - “em thích hình ảnh nhân hóa nào nhất, vì sao?” mà chưa có câu hỏi vì sao, bằng cách nào, con người đã nhường bước thiên nhiên, đã cùng “lễ hội” một cách chan hòa với thiên nhiên!
Chưa có câu hỏi đưa các em rời khỏi trang sách để tìm ra các cỗ máy tinh khôn như cái “cọn nước” kia. Hỏi để giúp các em tìm thấy những cối xay gió làm ra bột mì từ xưa bên trời Âu, hay những cối xay gió làm ra điện, đang ngày một nhiều hơn trên nước Việt mình. Tìm thấy, cho con người một lối sống tự nhiên giữa trời đất.
Là một cử nhân toán học, khi viết cho thiếu nhi, Vương Trọng không bỏ qua cách xử lý đề tài, như nối dài các tuyến tính, như giải một bài toán bằng nhiều cách để có nhiều đáp số, nhiều hình tượng văn học. Trong bài Ngày hội rừng xanh có hình ảnh “cây rủ nhau thay áo”, thì cây bút thông minh biết thay áo cho cây một cách khác, ở bài khác. Bài Cây sấu trích từ tập Mèo đi câu được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987:
Hè sang nóng quá/ Cây Sấu vội vàng/ Cởi phăng áo lá/ Tung xuống mặt đường/… Giật mình nhớ lại/ Thương quá đàn ve/ Cánh mỏng mảnh thế/ Nắng lấy gì che?/… Tức thì lá nõn/ Ùa ra ùa ra/ Xòe từng mái nhỏ/ Cho ve làm nhà/… Lo ve khản giọng/ Bởi hát suốt ngày/ Sấu sinh trái sấu/ Chua tròn ngọn cây!
Hình ảnh “thay áo” như là một ngữ danh từ chỉ tên việc, đã sống động hơn, có hồn hơn, khi trở thành công việc thật sự với hành động, “cởi phăng” rồi “tung xuống”. Và, trong quá trình cây sấu thay lá, chuyển mùa, thời gian vô hình, đã hiện dần lên trong chuỗi hình ảnh nối từ “lá nõn” tới quả sấu “chua tròn”. Vương Trọng tung tẩy ngòi bút, để trong chữ thơ kia, đã có hình, lại có vị. Và rồi chuỗi tuyến tính về bước chuyển thời gian lại có hình tượng mới:
Giao thừa đến lúc nửa đêm/ Những ai mải ngủ sẽ quên Giao thừa/ Không ngại rét, chẳng sợ mưa/ Giao thừa đã hẹn giao thừa đến thôi/ Một lần đến được trăm nơi/ Chắc Giao thừa phải là người đi mau/ Giao thừa giống hệt cô dâu/ Đến đâu ở đó bắt đầu pháo ran/ Giao thừa chẳng dự liên hoan/ Dù cho mâm cỗ trên bàn bày ra/ Chia vui, chia tuổi mọi nhà/ Giao thừa chẳng chịu nhận quà một ai!
Thơ thiếu nhi của Vương Trọng giáo dục mà không lên lớp, giáo dục bằng nô giỡn, đùa chơi, thậm chí nghịch ngợm.
2. Vương Trọng viết cho người lớn thì khác hẳn, buồn nhiều hơn vui. Là một trí thức mặc quân phục, nho nhã và phong trần, người lính Vương Trọng ở một bên chiến tuyến và kiên định với vị trí ấy để có thể bình tĩnh nhưng quyết liệt, đưa ra những ý kiến cá nhân dù ý kiến ấy, chưa hòa giọng, chưa hợp âm, với những cách nói đông, đầy nhưng chưa chắc đúng!
Ông là nhà văn sớm tìm được cảm hứng phản biện trong một nền văn học nghiêng về khẳng định. Người đọc biết đến Vương Trọng khi ông khóc người đồng hương xứ Nghệ của mình:
Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây/ Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi tay nắm bàn tay của mình/ Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề/ Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi/ Lặng im bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm (Bên mộ cụ Nguyễn Du).
Không duy ý chí, không nói lấy được, thơ Vương Trọng “nỉ non” để nhắc nhở, chúng ta muốn “xưa Nguyễn khóc mà nay ta đã hát” thì cứ hát, nhưng hát trong nước mắt lưng tròng. “Nỉ non” để thác lời những cô gái chết trẻ ở ngã ba Đồng Lộc mà nói với hôm nay:
Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc).
“Nỉ non” để nhắc lẽ công bằng, đừng quên vô số những em bé vô danh, đã từng ngủ trên lưng người mẹ đơn thân:
Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thức/ Mẹ đi làm, con lên địu đi theo/ Mẹ đào hố trồng cây theo định mức/ Lưng mẹ gầy con ngủ giấc cheo leo!/ Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ/ Mình mẹ lo khi trái gió, trở trời/ Ngoài giá thú sao ngoài lòng thương cảm/ Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi? (Với đứa con ngoài giá thú).
Khi viết bài chân dung này, chúng tôi có “phản biện” nhà thơ Vương Trọng! Biết Vương Trọng mê Kiều, thuộc Kiều, giỏi Kiều, chúng tôi hỏi: “Dạy học vần cho trẻ lớp một mà sách không trang nào, bài nào lấy văn liệu từ Truyện Kiều thì…” và ông trả lời: “Một tác phẩm kiệt xuất như Truyện Kiều, chỉ nói về vẻ đẹp ngôn ngữ thôi, thì đáng ra, nên cho trẻ tiếp xúc từ... mẫu giáo. Đó là chưa kể từ lời ru của ông bà, bố mẹ. Sách lớp 1 mà không có câu Kiều nào vừa đáng tiếc, vừa đáng trách. Tiếc là trẻ nhỏ không được tiếp cận với những câu tả thiên nhiên cực đẹp (trong Truyện Kiều có đến 222 câu tả cảnh kia mà). Trách là người soạn sách chưa hiểu được, vẻ đẹp ngôn ngữ trong Truyện Kiều sẽ bồi bổ tâm hồn, tình cảm trẻ em như thế nào”.
Nhà thơ Vương Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An. Ông tốt nghiệp khóa 7 Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vương Trọng có hơn 40 năm lao động nhà văn, hơn 30 năm làm biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội.
|
Lê Thị Hoài Đức
loading...