loading...
(TT&VH)- Mặc dù đã ngoài tuổi 60 và đã nghỉ hưu nhưng nhà thơ Vương Trọng, tác giả bài thơ Gió từ tay mẹ, Chú thợ điện in trong SGK lớp 3 (cũ) vẫn còn mạnh khỏe và hăng hái với nghiệp cầm bút lắm. Nhà thơ mang đậm nét “ông đồ xứ Nghệ” đang rất bận bịu với Toàn tập thơ chữ Hán Nguyễn Du sẽ ra mắt bạn đọc nay mai nhưng vừa nhắc đến “Gió từ tay mẹ/ Thổi suốt đêm ngày...” và “Như chim gõ kiến/ Bám dọc thân tre/ Kìa chú thợ điện/ Đu mình tài ghê...”, ông đã vui hẳn lên.
Bài thơ ra đời từ... những đêm Hà Nội mất điện
Năm 1974, nhà thơ Vương Trọng cùng một số nhà văn, nhà thơ khác trong tạp chí Văn nghệ Quân đội như Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Duy Khán... ở và làm việc tại khu Văn công Mai Dịch. “Vào thời điểm này, đất nước đang còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, điện nước lúc có lúc khôngnhà thơ Vương Trọng nhớ lại - Những đêm Hè nóng bức, mất điện toàn thành phố, người dân thường đổ ra đường, ngồi đâu đó hóng mát rồi khuya mới về nhà.
Nhà thơ Vương Trọng
Ngày ấy, khu tôi ở, nhà cửa san sát nhau chứ không kín cổng cao tường như bây giờ. Mọi người có thể lắng nghe âm thanh cuộc sống của từng gia đình khác vọng vào nhà mình. Tôi còn nhớ như in, những đêm thành phố mất điện tôi thường tỉnh giấc giữa chừng, một phần do nóng bức, một phần vì nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng ru của những bà mẹ và đặc biệt là tiếng của những chiếc quạt được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Đó có thể là một chiếc quạt nan, một miếng bìa các-tông, một chiếc mo cau...
Sự cố mất điện thường xuyên trong những ngày ấy cùng với những gì tôi thấy, nghe đã làm nảy sinh tứ thơ trong tôi.
Quạt nan như lá
Chớp chớp lay lay
Quạt nan mỏng dính
Quạt gió rất dày
Gió từ ngọn cây
Có khi còn nghỉ
Gió từ tay mẹ
Thổi suốt đêm ngày
Gió của ông trời
Có khi rét buốt
Gió mẹ, mẹ ơi
Lúc nào cũng mát
Quạt nan như cánh
Chớp chớp lay lay
Mẹ đưa con bay
Em vào giấc ngủ |
Tôi cứ nghĩ nếu như là thời bây giờ, điều hòa nhiệt độ, quạt máy, quạt trần chạy vù vù suốt ngày thì chắc chẳng bao giờ nảy ra cái ý hoặc tứ nào về bài thơ kiểu này. Ấy thế nhưng đầu giường tôi lúc nào cũng vẫn thủ một cái quạt nan vì rằng đôi khi ngồi quạt máy hay điều hòa lại cảm thấy lạnh. Có cái quạt nan vừa tiện, vừa “cơ động” lại có thể khiển được gió theo cảm giác và “nhu cầu” của mình...
Hãy nhận ra giá trị từ những điều rất nhỏ
Bài thơ được đăng lần đầu tiên trên báo Phụ Nữ rồi lần lượt một số tờ báo khác. Tôi không nhớ chính xác Gió từ tay mẹ được đưa vào SGK năm nào, chỉ biết, sau khi con tôi đi học, rồi ngay cả sau này đến cháu tôi đi học kể lại rằng, chúng nói với cô giáo đó là bài thơ của bố cháu, ông cháu, nhưng chính các thầy cô cũng không tin - mà cứ tưởng phải của một ai đó xa xôi lắm. Thế mới vui!
Nhà thơ Vương Trọng và bạn ông
Bài thơ này đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, gần đây nhất được một nhạc sĩ ở Ninh Bình phổ nhạc và được trao giải Nhì trong cuộc thi ca khúc viết về hạnh phúc gia đình đấy. Tôi cũng được mời lên Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận giải thưởng cùng nhạc sĩ đấy!
Gió từ tay mẹ không phải là một bài thơ xuất sắc nhưng nó đã được chọn in trong SGK. Qua bài thơ người đọc hiểu được điều tôi muốn gửi gắm. Đó là: giáo dục lòng biết ơn, cảm nhận tình cảm giữa những người trong gia đình với nhau, nhận ra những giá trị từ những điều rất nhỏ như thế...
Thầy dạy văn chứ không phải người bảo mẫu
Giúp cho người khác cảm, hiểu được văn chương là công việc vô cùng khó khăn. Nhà thơ Vương Trọng “mách nước”: “Trước tiên muốn các em học sinh yêu thích bộ môn văn thì chính bản thân các thầy cô giáo giảng dạy văn phải là người yêu văn cái đã. Phải tuyển chọn được những bài thơ hay, xứng đáng và có tính giáo dục. Sau đó hãy tìm cách giúp cho học sinh có hứng thú và yêu môn mình giảng dạy.
Ông tâm sự: “Thơ văn cho thiếu nhi bao giờ cũng hàm chứa tính giáo dục, và được thể hiện một cách tinh tế để không gây cảm giác khô khan, giáo điều. Giáo dục học sinh theo kiểu bắt chúng phải thế này, không được thế kia...là trách nhiệm của các cô bảo mẫu, chứ không phải của thơ văn... Làm thơ cho trẻ con cũng là một cách giúp các em tiếp cận với thế giới tự nhiên , bởi vậy xin đừng nói sai, nói ngược tự nhiên như một nhà thơ nào đó đã viết: con bọ ngựa ăn mầm cây non.... Tư duy của chúng là tư duy cụ thể và hay nhầm lẫn giữa bản chất và hiện tượng. Giống như con tôi ngày nhỏ. Tôi hỏi nó rằng cái lưng để làm gì. Nó trả lời: lưng để... gãi! Là bởi vì tôi hay nhờ nó gãi lưng mỗi khi ngứa ngáy. Khi viết cho trẻ con tôi luôn ý thức một điều là mình phải đứng ở vị trí của chúng, nhìn bằng con mắt của chúng và cảm bằng cái cảm của chúng”
Ông lấy ví dụ: “Trong bài Chú thợ điện, tôi viết:
Quần áo chú xanh
Trời không xanh thế...
Tuy nhiên, khi đem in vào SGK không hiểu sao người biên tập lại chữa thành:
Quần áo chú xanh
Màu xanh xanh thế
Tôi nghĩ với trẻ con, có nhiều màu xanh khác nhau nhưng không tìm ra từ để gọi màu đó như thế nào nên : “Quần áo chú xanh/Trời không xanh thế” có vẻ hợp lý hơn đối với chúng. Chắc có lẽ họ sợ với bọn trẻ như vậy khó quá nên mới biên tập lại”.
Tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với tác giả
“Hiện nay hầu hết khi giảng văn về một tác phẩm nào đó phần về tác giả chỉ đi lướt qua rất nhanh chóng hoặc tự các em tìm hiểu đọc thêm - nhà thơ tâm sự - “Thế nên không ít học sinh chỉ biết đến tác phẩm mình đang đọc là gì chứ không biết tác giả viết ra bài thơ đó là ai, còn sống hay đã chết, hiện giờ cuộc sống họ ra sao. Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện có thể, ví như ở các thành phố chẳng hạn, nếu như tác giả các bài văn, bài thơ không xa trường học, thì nhà trường nên tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với tác giả, ít ra cũng nói thêm đôi điều xung quanh tác phẩm được giảng dạy. Trường hợp không có điều kiện làm được việc đó thì thầy giáo, cô giáo nên cập nhật tin tức để giới thiệu cho học sinh hiểu về tác giả của tác phẩm được giảng dạy.
“Tôi nghĩ rằng, biết thêm về tác giả cũng là một cách để học sinh hiểu thêm về tác phẩm” - nhà thơ Vương Trọng kết luận.
Yên Khương
loading...