Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 9): Có hay không 'truyện tranh kinh điển'?
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến “truyện tranh kinh điển”, bất cứ người đọc nào cũng sẽ hình dung đến một vài tên gọi như Doraemon, Dragon Balls, One Piece... Tuy nhiên, sau khi tìm sâu hơn về lịch sử truyện tranh từ Á Đông đến Âu Mỹ, một vấn đề được đặt ra và cần lời giải đáp: Thế nào là một tác phẩm “truyện tranh kinh điển”? Và có bao nhiêu tác phẩm “truyện tranh kinh điển” trên thế giới? Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.
Trên thực tế, chưa có một bảng xếp hạng đáng tin cậy nào cung cấp cho người đọc về hệ thống những tác phẩm truyện tranh kinh điển. Chính vì vậy, ở mỗi người lại tồn tại một bảng xếp hạng khác nhau với những tiêu chí đánh giá khác nhau. Ở đây, chúng ta có thể điểm qua một vài tiêu chí như sau.
Những bất đồng trong tiêu chuẩn đánh giá
Dựa trên độ nổi tiếng trên toàn thế giới, cho đến nay, có thể xếp Dragon Balls, One Piece (Nhật Bản) hay Spiderman, Superman (Mỹ)... là những tác phẩm “kinh điển”. Độ nổi tiếng thể hiện ở việc các tác phẩm này phổ biến không chỉ trên trang sách, mà còn được chuyển thể thành phim hoạt hình, phim điện ảnh, các nhân vật được dựng thành đồ chơi, hệ thống nhân vật và thế giới được tái hiện trong các trò chơi offline hoặc online cùng với hàng loạt các sản phẩm ăn theo khác.
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 7): 'Manhua' - đâu rồi những 'Tam Mao, 'Chú Thoòng'?
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 6): 'Manhwa' - vươn ra thế giới cùng Làn sóng Hàn Quốc
- Từ truyện tranh đến hoạt hình: Tương lai nào cho hội họa 2D?
Bên cạnh tiêu chí về độ nổi tiếng, chúng ta cũng bắt gặp một tiêu chí khác tương đối quen thuộc: Đánh giá dựa trên mức độ đóng góp cho nền truyện tranh thế giới. Những đóng góp này cũng rất đa dạng, mà đơn cử có thể kể đến bộ truyện 20th Century Boys của Naoki Urasawa với những cải tiến trong biểu hiện, ứng dụng thuần thục những kỹ thuật điện ảnh trong sáng tác truyện tranh; hoặc các tác giả có công xây dựng cả một thế giới rộng lớn với cốt truyện đa tuyến, thế giới nhân vật đa dạng mang âm hưởng sử thi, anh hùng ca trong những tác phẩm của Marvel Universe (Mỹ) hay trong các bộ truyện mang màu sắc tâm linh - hiện sinh của CLAMP (Nhật Bản).
Những bộ truyện được coi là dấu mốc mở đầu cho một thời kỳ mới cũng có thể được xem là “kinh điển”, mà đại diện cho tiêu chí này chính là những tác phẩm của Osamu Tezuka - “cha đẻ” của truyện tranh Nhật Bản. Với Astro Boy, Kimba The White Lion... ông không chỉ mở ra thời kỳ hoàng kim cho truyện tranh nước nhà, mà còn đưa truyện tranh Nhật Bản đến gần hơn với độc giả quốc tế. Bộ truyện Kimba The White Lion cũng là bộ truyện đầu tiên được chuyển thể thành phim hoạt hình màu tại Nhật Bản.
Ngoài những tiêu chí trên, ở mỗi thể loại riêng, ta lại tìm được những bộ truyện có đóng góp về mặt phát triển thể loại. Chẳng hạn, Battle Angel Alita và Ghost In The Shell đánh dấu sự xuất hiện và phát triển của xu hướng truyện tranh người máy mang nhận thức và cảm xúc trong thể loại khoa học viễn tưởng; hay Sailor Moon dẫn đầu xu hướng truyện tranh phiêu lưu dành cho nữ giới của thể loại truyện tranh thiếu nữ tại Nhật.
Bên cạnh những tiêu chí về độ nổi tiếng và những cải tiến hình thức, còn tồn lại một tiêu chí đánh giá dựa trên những đóng góp về mặt thông điệp. Tiêu biểu cho tiêu chí này có thể nhắc đến Doraemon với những dự báo tương lai của bộ đôi tác giả Fujio - F. Fujiko, hay Phoenix của Osamu Tezuka với những thông điệp về sự bất tử của con người. Ngày nay, bạn đọc cũng biết đến những tác phẩm quen thuộc mang thông điệp về tình bạn như One Piece, Naruto, hay thông điệp về lòng đam mê như Vua bánh mỳ, Cuộc sống hoang dã, Bakuman - Giấc mơ họa sĩ truyện tranh...
Điểm qua một vài tiêu chí, có thể thấy rằng cho đến nay, có rất nhiều tiêu chí để đánh giá truyện tranh, cùng với đó là nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết của những người đọc về “truyện tranh kinh điển”. Vậy chúng ta có thể thống nhất được một chuẩn mực cho “truyện tranh kinh điển” hay không?
“Truyện tranh kinh điển” hay “tác phẩm đỉnh cao”?
Mặc dù thuật ngữ “kinh điển” được sử dụng rất nhiều trong trao đổi, thảo luận, song nghĩa gốc của thuật ngữ này lại không được biết đến rộng rãi. “Kinh điển” vốn là từ ghép của “kinh sách” và “điển phạm”, nghĩa là yếu tố điển phạm (thước đo, mẫu mực) phải đi liền với yếu tố kinh sách (ghi chép lại những câu chuyện mang tính bài học, được các tôn giáo hoặc học thuyết sử dụng làm công cụ tuyên truyền cho các ý tưởng hoặc mục tiêu của mình). Dần về sau, “kinh điển” được sử dụng với nghĩa: Những gì mang giá trị mẫu mực, tiêu biểu nhất trong một lĩnh vực nào đó. Như vậy, xét về mặt lịch sử sử dụng từ, bản thân hai chữ “kinh điển” đã có sự biến chuyển nghĩa. Ở đây, để tránh những vệt mờ ngữ nghĩa, chúng ta sẽ thống nhất hiểu “kinh điển” theo ý nghĩa mới của từ này.
Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm mẫu mực chỉ được coi là những tác phẩm nền tảng, có giá trị tham khảo. Người sáng tạo không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn những gì đã có trước đó, bởi nếu tuân thủ 100%, khả năng sáng tạo sẽ bị triệt tiêu, và những tác phẩm mới với những phát kiến mới sẽ không có cơ hội được thành hình. Chính vì vậy, khi tiếp cận lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thay vì tìm về những gì tiêu biểu, mẫu mực, người đọc sẽ muốn trải nghiệm tất cả những gì mới mẻ, cách tân mà tác giả và tác phẩm đem lại.
Lúc này, điều quan trọng mà người sáng tác cần xử lý chính là làm sao để những cách tân của họ được đón nhận. Và khi những điều mới mẻ được đông đảo công chúng đón nhận, chúng ta sẽ có được những “tác phẩm đỉnh cao”. Một tác phẩm được coi là “đỉnh cao” sẽ là một tác phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa hình thức và nội dung; có thông điệp rõ ràng, mang ý nghĩa nhân văn; đồng thời đem đến cho người đọc những trải nghiệm mới mẻ trong quá trình tiếp nhận. Chúng ta có thể biết đến những tác phẩm đỉnh cao khi đọc Fullmetal Alchemist của Hiromu Arakawa, One Punch Man của ONE, hay Kaze Hikaru của Watanabe Taeko.
Trên thực tế, do có quá nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau về “truyện tranh kinh điển”, nên việc thống nhất một chuẩn mực chung cho “truyện tranh kinh điển” là cực kỳ khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Lịch sử vận động của nền truyện tranh phụ thuộc vào lịch sử vận động của những tác phẩm đã và đang xuất bản trên thế giới.
Chúng ta có được những tác phẩm quan trọng gắn với từng thời kỳ phát triển cụ thể, nhưng cũng có được những sáng tạo trong nhiều thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, với sáng tạo, “kinh điển” hay “mẫu mực” sẽ luôn là những khái niệm động, biến đổi không ngừng. Chính vì vậy, thay vì tìm kiếm những “tác phẩm kinh điển”, hãy hướng ưu tiên vào những gì “kinh điển”, mới mẻ tồn tại trong mỗi tác phẩm truyện tranh. Và để sự sáng tạo, tìm tòi cái mới luôn tồn tại, hãy gọi tác phẩm chứa những điều mới lạ ấy là “tác phẩm đỉnh cao”.
Thay vì tìm kiếm những “tác phẩm kinh điển”, hãy hướng ưu tiên vào những gì “kinh điển”, mới mẻ tồn tại trong mỗi tác phẩm truyện tranh. Và để sự sáng tạo, tìm tòi cái mới luôn tồn tại, hãy gọi tác phẩm chứa những điều mới lạ ấy là “tác phẩm đỉnh cao”. |
(Còn nữa)
Nguyễn Hoàng Dương