Đi bộ xuyên Việt để viết ca khúc và kiểm chứng tình người
(Thethaovanhoa.vn) - Với 100 ngàn đồng tiền mặt, 113 ngày và 2.300 km, Hồ Nhật Hà đã đi bộ từ TP.HCM đến tỉnh Hà Giang để viết ca khúc, viết nhật ký. Chắt lọc từ kinh nghiệm đó, cuốn sách Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar (NXB Thanh niên) của Hồ Nhật Hà vừa phát hành mang lại những cảm hứng gần gũi cho người đọc.
“Có ngày đi tới gần khuya mà chưa có chỗ nghỉ, chân sưng phồng, căng cơ, đói... lúc ấy tôi chỉ nghĩ duy nhất là phải tiến về mục tiêu. Có lúc vô cùng nản, chán, nhưng đã chấp nhận đi là không bỏ cuộc” - Hồ Nhật Hà nói.
“Dối cha, dối mẹ” để lên đường
Khởi hành từ TP.HCM vào ngày 18/10/2017, với 3 bộ quần áo, thuốc men, một ít lương khô, võng để ngủ dọc đường và cây đàn guitar. Trung bình mỗi ngày Hồ Nhật Hà đi 30 km, có ngày đi 40 km, một vài ngày phải đi gần 50 km để kịp tiến độ.
Khi được hỏi: Vì sao khi đi bộ vốn cần hành lý gọn nhẹ mà lại mang theo cây đàn guitar chi cho cực? Hồ Nhật Hà cho biết: “Tôi muốn viết ca khúc và hát ngẫu hứng dọc đường, nhiều bài viết theo yêu cầu của người dân, với những chủ đề rất ít nhạc tính, chỉ đầy cảm xúc. Chỉ mang theo 1 triệu đồng trong thẻ ATM để phòng hờ tai nạn cần dùng đến, trong túi chỉ có 100 ngàn đồng, nên cây đàn và việc hát dọc đường giúp tôi tồn tại. Có ngày hát được năm, bảy chục ngàn, có ngày một, hai trăm ngàn, đủ ăn bánh mì, mì tôm và ngủ trọ. Ngày nào không có ai cho tiền thì ngủ trong lùm cây, chợ, chòi giữ tôm cá, trại thanh long, chùa, nhà thờ, cây xăng…”
Khi về Phú Yên chào gia đình trước khi khởi hành, cha của Hà hỏi rằng đi để làm chi cho cực thân, Hà đành nói dối rằng đi để có chất liệu và cảm hứng viết ca khúc. Ở hoài một chỗ viết không hay, không tươi mới. Nghe vậy cha của Hà mới đồng ý, vì muốn con trai thành công với đam mê viết nhạc của mình.
Còn mẹ Hà thì lo lắng, sợ đi dọc đường bệnh tật, cướp giật, tai nạn. Hà đành lừa rằng biết đâu con đi sẽ lấy được vợ, TP.HCM giờ khó lấy vợ lắm, nhiều người phải lên truyền hình tìm vợ mà còn chưa được kia kìa. Mẹ của Hà nghe vậy là ưng liền, vì thấy con đã cứng tuổi mà chuyện gia đình vẫn chưa đả động gì. Sau chuyến đi đã gần 2 năm, thỉnh thoảng mẹ của Hà vẫn gọi điện hỏi rằng khi nào thì mang trầu cau đi hỏi vợ.
“Giữa khuya tôi tỉnh giấc vì những giọt nước rơi vào mặt. Mưa hoặc nước từ sóng biển thế? Mưa thật rồi! Hy vọng đừng to quá. Tôi ngước lên trời cao, những áng mây đen loáng thoáng lướt nhẹ qua mặt trăng. Nối theo ánh nhìn dựng thẳng lên là hàng dương cao vút. Cảm giác hòa mình vào tự nhiên khiến thời gian cũng trở nên lắng đọng. Tôi ngắm mãi ánh trăng như sợ mình sẽ không còn cơ hội được ngắm cảnh tượng này thêm lần nào nữa. Tôi ngắm mãi, ngắm mãi...” - Hồ Nhật Hà viết.
Đi để kiểm chứng một thực tiễn
Về mục đích chính của chuyến đi này, Hồ Nhật Hà viết: “Và gã có một ý tưởng. Gã có một trò chơi. Người chơi không ai khác là chính gã. Gã sẽ đi kiểm chứng về tình thương của người Việt. Gã sẽ đi đến mọi miền đất nước để kiểm chứng người Việt Nam thật sự như thế nào. Gã sẽ thử thách khả năng sinh tồn, thử để ước mơ của mình lần nữa sống lại. Và gã quyết định đi bộ xuyên Việt mà không mang tiền”.
Tất nhiên ý tưởng này chỉ tiết lộ với vài người để làm tin, còn lại được giữ kín để việc kiểm chứng cho khách quan. “Đôi khi ánh mắt cảnh giác của mọi người làm tôi có cảm giác rất tổn thương, nhưng tôi luôn giữ niềm tin vào cuộc sống, vào tình thương của mọi người” - Hồ Nhật Hà chia sẻ.
Hà nói thêm: “Tôi nghĩ về những cô chú, anh chị đã giúp đỡ tôi trên hành trình. Họ đều là những người lao động khá vất vả. Đồng tiền kiếm được với họ cũng rất khó khăn, nhưng khi gặp tôi họ đã mở lòng giúp đỡ mà không cần nhận lại bất cứ điều gì. Và tôi nghĩ họ đã lựa chọn trở thành người tử tế dù đang trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa. Ơn Chúa! Điều đó thật là phúc lành”!
Như Hà