Đằng sau việc người mẫu bị 'cấm cửa'
(Thethaovanhoa.vn) - Liên tục các người mẫu đăng thông tin tố nhà tổ chức Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week (VIFW) Thu Đông 2016 cấm cửa họ đến trình diễn tại sự kiện này.
- Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam: Đưa khán giả đến gần thời trang Đông Nam Á
- Những bộ sưu tập đắt giá khai mạc Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2016
Nào ta cùng tố
Từ sự việc đi thi Asia’s Next Top Model của Kikki Lê mà Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có bài phản ánh, trên Facebook của người mẫu Cao Thiên Trang - Top 3 VIFW 2012 đã có những thông tin về việc chèn ép, trừ lương vô tội vạ trong cách sử dụng lao động của BeU Model trong thời gian cô còn hợp đồng với công ty này.
Ngay sau đó, Lê Thúy, Top 3 VNTM 2011 cũng lên tiếng về việc cô bị cấm cửa ở VIFW mới đây. Không chỉ thế, cô còn nói đến việc chậm trả cát-sê đến hơn nửa năm của nhà tổ chức sự kiện này.
Dưới các status này là những bình luận của nhiều người mẫu có chung cảnh ngộ. Một danh sách những người mẫu bị cấm cửa ở VIFW đã được công bố, đó là: Hoàng Thùy, Lê Thúy, Kha Mỹ Vân, Cao Thiên Trang, Thùy Dương, Hằng Nguyễn, Lê Thanh Thảo. Tất cả đều từ VNTM bước ra.
Đằng sau ánh đèn lung linh của sân khấu Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam là khoảng tối và những lùm xùm
Chung quy lại, họ đều cho rằng Multimedia và người đứng đầu công ty này hành xử ngang ngược, cấm cửa các người mẫu chỉ vì “Chị ghét tụi nó lắm”.
Không chỉ có các người mẫu - thí sinh của VNTM, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, người mẫu Xuân Lan, những cựu giám khảo của cuộc thi này cũng lên tiếng nói về hành xử của Multimedia SJC và cá nhân người đứng đầu đơn vị này.
Ai là người có quyền cấm cửa?
Trong khuôn khổ bài viết này, xin tạm gác sang một bên chuyện đối nhân xử thế của các bên liên quan, cũng tạm không đề cập đến chuyện lời qua tiếng lại của những người đã từng cộng tác với Multimedia SJC. Chỉ xin đề cập đến vấn đề cấm cửa người mẫu ở sự kiện VIFW Thu Đông diễn ra ở Hà Nội mấy tuần trước.
Được biết, để được trình diễn bộ sưu tập tại VIFW Thu Đông 2016, các nhà thiết kế phải trả cho nhà tổ chức 150 triệu đồng (nghe nói đây là mức giá đã được hạ xuống gần một nửa so với con số lúc đầu mà ban tổ chức đưa ra).
Số tiền này thực chất là để mua suất biểu diễn tại VIFW. Đây là điều rất bình thường, giống như cách mà các tuần lễ thời trang danh tiếng lâu đời trên thế giới như Paris Fashion Week, Milan Fashion Week hay New York Fashion Week đã và đang làm. Đó là chi phí cần thiết để nhà tổ chức sử dụng cho việc vận hành một tuần lễ thời trang, ngoài số tiền tài trợ mà họ huy động được.
Trong 150 triệu đồng này bao gồm cả tiền thù lao cho đội ngũ người mẫu sẽ xuất hiện ở show diễn của nhà thiết kế. Nếu cần thuê thêm người mẫu khác ngoài danh sách những người mẫu mà đơn vị tổ chức cung cấp trong khuôn khổ sự kiện này, nhà thiết kế sẽ phải tự chi trả, coi như một khoản chi nằm ngoài hợp đồng và không liên quan đến nhà tổ chức.
Vậy thì ai thật sự là người có “quyền sinh quyền sát” hay quyền “cấm cửa” những người mẫu nào đó trình diễn ở show thời trang của nhà thiết kế - người đã bỏ tiền trả để bộ sưu tập được xuất hiện ở sự kiện này?
Tất nhiên, đó chính là các nhà thiết kế chứ không ai khác. Dù nhiều hay ít so với chi phí tổ chức tuần lễ thời trang này thì đó vẫn thực sự là một cái giá của một món hàng - ở đây là suất diễn. Như vậy nhà thiết kế chính là thượng đế - người mua hàng của đơn vị tổ chức. Vậy thì họ phải có quyền cho ai xuất hiện trong show diễn của họ chứ không phải ai khác.
Thông tin từ một số người mẫu và cả những công ty có cung cấp người mẫu tham gia trình diễn tại VIFW cho biết, họ được mời làm việc nhưng không hề được thông báo mức cát-sê, cũng như không hề ký hợp đồng lao động với đơn vị tổ chức VIFW. Và cho đến thời điểm này, chưa ai nhận được thù lao!
Vấn đề đặt ra ở đây là nhà thiết kế, các công ty cung cấp người mẫu và bản thân các người mẫu cần phải nắm trong tay những bản hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, mức thù lao cũng như thời hạn thanh toán thay vì lên Facebook đấu tố nhà tổ chức.
Họ nên tự biết vị trí, quyền hạn của mình ở đâu thay vì phải cư xử theo thái độ của người đứng đầu Multimedia. Và để câu nói “Chị ghét tụi nó lắm” hoàn toàn thuộc về vấn đề cảm tính cá nhân và luôn luôn nằm ngoài các hợp đồng, thỏa thuận giấy trắng mực đen dấu đỏ…
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa