Con đường gốm sứ, Graffiti và sự vỡ vụn của nghệ thuật đường phố
Công trình kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, được Tổ chức guiness ghi danh, công sức của nhiều nghệ nhân nghệ sĩ trong một thời gian dài. Tất cả dường như vẫn không thể đánh đổi được sự tôn trọng đúng mức đến từ công chúng. Khi mà bên cạnh vô số vết lở lói bong tróc hãy còn cả những tấm bạt che mưa quầy hàng và vài thanh niên chân đạp lên mặt tường gốm phi người như ninja đi lối tắt.
Xét trên khía cạnh nghệ thuật, con đường gốm sứ là tác phẩm tổng hòa của nghệ thuật hội họa và điêu khắc. Nhưng khác ở chỗ, nó không nằm trong khu trưng bày triển lãm. Nó nằm trên đường phố. Thuộc về đường phố, hay gọi khác đi, con đường gốm sứ là một tác phẩm nghệ thuật hội họa đường phố. Và bỗng có một câu hỏi nảy ra: đến một tác phẩm có qui mô lớn, thành tựu lớn và ghi nhận như vậy còn thất bại, thì ở Việt Nam hội họa đường phố có chỗ đứng như thế nào?
Trên thế giới, tranh tường phủ đầy trên những con phố ở London, ở Mexico City. Tại thánh địa của Graffiti là New York, thứ hội họa này còn bò lên trên những mái nhà, phủ kín các căn hộ và nhà cao tầng. Melbourne thì coi graffity như một hoạt động hoàn toàn hợp pháp và Berlin còn có cả những tour du lịch theo hình thức đi bộ để khách thập phương tìm hiểu về những bức họa đường phố của họ.
Ở Việt Nam, câu chuyện thật khác. Một con hẻm graffity ở TP.HCM bị dẹp vì lý do mất vệ sinh, mất trật tự mỹ quan. Người đi vẽ graffiti vừa sáng tạo bằng mắt trái, vừa đảo mắt phải canh chừng công an, dân phòng và tổ trường tô dân phố. Để rồi tranh tưởng vẽ còn chưa khô, vài ngày sau đã bị sơn trắng xóa.
Nghệ thuật cả đấy, nhưng trong khi những bức tranh tưởng ở Melbourne, Berlin vươn mình lên giữa phố như thể chúng là một phần của văn hóa thị thành; thì ở Việt Nam ngược lại, Graffiti Việt lầm lũi tồn tại trong một bộ phận rất nhỏ những người đam mê và bảo vệ nó.
Nghệ thuật thì cần sự tự do để sáng tạo, nhưng môi trường làm nghệ thuật ở Việt Nam thì đã hẳn là thoáng đạt? Các nhà văn cãi nhau hàng tháng giời xem sex bao nhiêu là đủ cho một tác phẩm. Một hội đồng quyết định thị hiếu của hơn 80 triệu dân, không ít lần tranh cãi không ra được cái chuẩn bạo lực máu me của điện ảnh như thế nào. Những giai điệu tự hào chỉ cần hát khác với người tiền nhiệm, y như rằng bị mổ xẻ chỉ trích. Có những thứ kì lạ cứ luẩn quẩn quanh chân những người nghệ sĩ, mà kể đích danh ra thì rất cũ: “truyền thống”, “thuần phong mỹ tục”…
Xét ra thì Graffiti đầy đủ tiêu chuẩn để bị giới làm nghệ thuật "bảo thủ" ghét bỏ: du nhập từ nước ngoài, phổ biến trong giới trẻ cùng với phá cách dị biệt. Câu chuyện về sự xung đột giữa văn hóa ngoại và văn hóa nội đã được người ta ôn đi ôn lại đến phát nhàm. Khoảng cách giữa các thế hệ già trẻ dẫn đến sự khác nhau về cách thưởng thức nghệ thuật cũng chẳng còn gì mới nữa...
Còn phá cách dị biệt, thì Graffiti không chỉ khác ở những phông chữ biến tấu, hình họa khác người mà nó còn làm được một điều đặc biệt mà rất ít thứ khác dám làm: đó là thoát ly khỏi những thánh đường nghệ thuật như khu triển lãm tranh, phòng trưng bày hay những nơi sang trọng, linh thiêng để tìm tới hè phố bụi bặm, ngõ hẻm, gầm cầu. Chừng đó yếu tố đi ngược truyền thống như vậy thì chẳng có gì dễ hiểu khi hội họa đường phố không có chỗ đứng ở Việt Nam.
Nhìn vào cái cách mà chính quyền thành phố Melbourne từng đặt lồng kính để bảo vệ bức tranh tường Little Driver của nghệ sĩ graffity Bansky, thì có cảm tưởng các bức graffiti ở Việt Nam chỉ được đánh giá ngang với những quảng cáo khoan cắt bê tông và thông tắc bể phốt.
Xa xôi hơn một chút, năm 1991 họa sĩ Pháp Blek Le Rat có vẽ một bức graffiti trên tường thành phố Leizpig, Đức. 20 năm trôi qua, bức tranh ấy vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, thu hút vô số khách tham quan tới ngắm nhìn. Không biết nên cười hay nên khóc khi mà một bức tranh đen trắng bằng sơn acrylic ấy hóa ra lại sống thọ hơn cả công trình như con đường gốm sứ.
Những vết nứt hay mảng bong tróc ở con đường gốm sứ chỉ là bề nổi. Những thứ thấy được thì dễ bào chữa như cách người ta trám nguệch ngoạc vài miếng gạch khác màu lên công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Còn cái sâu xa ở trong, là sự rơi rớt về cách thưởng thức và đón nhận nghệ thuật của người Việt Nam với mảng nghệ thuật đường phố dường như còn lâu lắm mới phơi bày ra ánh sáng.
Nhật Minh