Chữ và nghĩa: Nước khoáng và nước suối
Máy bay đã ổn định độ cao. Tín hiệu yêu cầu hành khách phải thắt dây an toàn đã tắt và đèn trong khoang bật sáng trở lại. Mấy cô tiếp viên hàng không đẩy một xe phục vụ nước uống. Qua các hàng ghế, họ dừng và hỏi hành khách:
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
- Anh/chị (hoặc ông, bác, chú, cô) dùng gì ạ?
- Cho tôi chai nước khoáng! - Một anh nói.
- Tôi, một nước suối! - Cô ngồi cạnh nói và giơ một ngón tay lên.
Ông khách nước ngoài ngồi cạnh không dùng gì. Nhưng ông rất ngạc nhiên khi thấy cô tiếp viên đều trao cho hai hành khách vừa gọi một chai nước giống như nhau. Ông ngạc nhiên cũng phải, vì theo như ông hiểu, hai từ “nước khoáng” và “nước suối” trong tiếng Việt không thể hiểu như nhau.
“Nước suối” được hiểu đơn giản là “nước (múc) từ một dòng suối nào đó”. Suối là “dòng nước tự nhiên ở vùng đồi núi, chảy thường xuyên hoặc theo mùa, do nước mưa hoặc nước ngầm chảy ra ngoài mặt đất tạo nên” - Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học (NXB Đà Nẵng, 2020). Còn “nước khoáng” là “nước ở dưới đất, có chứa nhiều chất khí và ion của các nguyên tố hóa học và hợp chất của chúng” - Từ điển tiếng Việt (đã dẫn).
Tuy nhiên, trong danh sách đồ uống nước tinh khiết đóng chai của dịch vụ thương mại, “nước khoáng” được dùng như “nước suối”. Và theo thói quen vùng miền (phương ngữ) mà mỗi nơi dùng một “biến thể”. Người miền Bắc hay dùng từ “nước khoáng”. Còn người miền Nam, miền Trung lại thích dùng “nước suối” hơn. Vậy hai từ này có phải “tuy hai mà một”không?
Nước khoáng, nước suối thiên nhiên là hai loại nước chảy qua những tầng địa chất có chứa một số nguyên tố hay hợp chất khoáng với hàm lượng cao hơn nước bình thường (như nước mưa, nước sông, nước hồ ao và cả nước máy). Nước khoáng và nước suối phải đóng chai tại nguồn, không qua xử lý pha trộn (làm ảnh hưởng tới thành phần của chúng) mà chỉ qua kỹ thuật đảm bảo vô trùng. Như vậy, nước khoáng, nước suối tinh khiết giống nhau ở chỗ đều là nước vô khuẩn, tiệt trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là những sản phẩm nước đủ tiêu chuẩn dùng trên thị trường hiện nay.
- Chữ và nghĩa: Cơm sôi bớt lửa, vợ chửa bớt làm
- Chữ và nghĩa: Nhìn miệng cho nhai…
- Chữ và nghĩa: Trai lành chửa vội, trai thối trời mưa
Chúng khác nhau cơ bản về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất, giá trị sử dụng. Nước suối đóng chai này không lấy từ dòng suối tự nhiên trên mặt đất mà là nước nằm trong các tầng địa chất đặc biệt, chứa hàm lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nhưng hàm lượng này trong nước suối không ổn định, không cao, nó đúng nghĩa là nước thiên nhiên tiệt trùng. Trong khi đó, nước khoáng lại có nhiều hàm lượng khoáng chất tốt. Hàm lượng này tương đối ổn định và phải có một số yếu tố đặc hiệu theo quy định của Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng hoặc theo tiêu chuẩn của Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Trong giao tiếp thông thường, như đã nói, cách dùng theo thói quen vùng miền vô hình trung đã đánh đồng hai từ “nước khoáng” và “nước suối”. Nhưng thực chất về mặt dinh dưỡng, nước khoáng là thứ nước tốt hơn, có giá trị hơn nước suối.
Vẫn là chai nước ấy thôi
Anh và em nói hai lời khác nhau
PGS-TS Phạm Văn Tình