Bắt vợ ‘biến tướng’: Cần bàn tay sắt của luật
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, nhiếp ảnh gia Nhật Bản, Noriko Hayashi, ghi lại những khoảnh khắc một cô gái bị bắt và ép buộc kết hôn tại Kyrgyzstan, nơi gần 50% cuộc hôn nhân xuất phát từ phong tục này.
Có khác gì hình ảnh một cô gái dân tộc Thái ở Qùy Hợp, Nghệ An khóc lóc thảm thiết khi trên đường vẫy xe đò vào Nam làm việc, đã bị một nhóm thanh niên xúm vào “bắt”, hiện công an nghệ An đang xử lý. Hay, không để chàng trai bắt lên xe về làm vợ, một cô gái người Mông tuổi 16 ở Hà Giang đã lượm đá chống trả quyết liệt.
Còn bao nhiêu trường hợp bắt vợ, mà không có sự đồng ý của các cô gái, không được chụp ảnh, quay video clip và tung lên mạng?
Cô gái bị nhóm thanh niên đưa lên xe liên tục cầu cứu người xung quanh nhưng không ai giúp đỡ. Ảnh: Tân Kỳ/ Báo Nghệ An
Có bao nhiêu cô gái đành phải chặc lưỡi nhận lời làm vợ, khi đã bị kéo về nhà người dưng, vì dù sao cũng mang tiếng “đã bị bắt” rồi?
Tục bắt vợ, được coi là nét văn hóa truyền thống của nhiều bộ tộc trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã cho thấy tục lệ này đã làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, số phận, khát vọng luyến ái của các cô gái, nơi thế giới đang nỗ lực để trả lại sự bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân.
Sau vụ bắt vợ được lan truyền clip trên mạng, người viết đã điện thoại trò chuyện với một cô bạn thân người dân tộc Thái ở Quỳ Hợp, nơi xuất hiện vụ việc trên, để hỏi nguồn cơn tập tục này. Cô bạn chép miệng, dù đã đỡ hơn nhưng tục bắt vợ vẫn còn tồn tại, cùng một số huyện khác trong tỉnh, nơi có đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái sinh sống.
Tục lệ này đã góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường, thì phải từ bỏ tương lai khi bị bắt làm vợ. Chính quyền rất khó xử lý hình sự bởi bắt vợ được coi là nét văn hóa của dân tộc, nên chính quyền các cấp chủ yếu tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục lệ này.
Thực ra, tục bắt vợ chỉ còn xuất phát ở một số dân tộc còn lạc hậu, khả năng phản kháng của các cô gái, em gái yếu ớt, thường chỉ bằng tiếng khóc thảm thiết. Tôi nghĩ để điều chỉnh, thậm chí xóa bỏ tục lệ được coi là đang bị biến tướng này, vẫn cần “bàn tay” sắt của pháp luật.
“Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, những hôn nhân bị ép duyên luôn như bi kịch điển hình của nhiều phụ nữ trên thế giới. Cột cuộc đời một cô gái vào người chồng không có tình yêu, đấy là nỗi đau không của riêng ai.
Hữu Quý