Văn hóa 'nóng' trong tuần: Hội chứng 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' thống trị
(Thethaovanhoa.vn) - Đã lâu rồi, lĩnh vực văn hóa mới có một chủ đề nóng thực sự là… văn hóa, thu hút làng trên xóm dưới ùn ùn đến rạp xem phim và viết bài bình luận như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nóng hơn cả cô hoa hậu hoàn vũ mới đăng quang và phát ngôn về “hy sinh” của đạo diễn Lê Hoàng.
Tôi thấy mọi người vui cả thôi
Với chiến dịch PR rầm rộ và bài bản, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) gây chú ý từ mấy tháng nay và khi ra rạp, từ ngày 30/9, đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trong điện ảnh Việt Nam. Phim còn được dự báo đạt doanh thu 100 tỷ đồng.
Ban đầu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến mang theo nhiều tình cảm yêu mến, “lấy nước mắt khán giả”, “đưa khán giả về lại tuổi thơ”... Nhưng chỉ một ngày sau khi công chiếu, phim bắt đầu thu hút bình luận trái chiều. Đó cũng là một hạnh phúc khác của nhà làm phim. Một bộ phim thành công là khiến người ta đi xem và bàn luận. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chắc chắn đã làm được điều đó.
Không những vậy, bộ phim đã đưa câu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thành câu cửa miệng của cư dân mạng với vô vàn lời chế, không khác gì các hiện tượng “Không phải dạng vừa đâu” hay “Thật không thể tin nổi” trước đây. Thậm chí, fanpage trên Facebook của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn phải kêu trời vì nhiều câu chế… bậy quá. Nhưng xã hội hóa mà, biết làm sao được.
Tóm lại, chỉ cần phim Việt được làm chỉn chu, có người xem và nhớ là tất cả cùng vui.
Thí sinh nhiều thị phi nhất đoạt ngôi Hoa hậu Hoàn vũ
Phạm Thị Hương đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tuần qua. Trước đó, cô được biết đến là thí sinh có nhiều tin đồn không hay nhất: phẫu thuật thẩm mỹ, lùm xùm hợp đồng thời trang độc quyền với một nhà thiết kế, bị đồn chảnh chọe, bị đồn được ưu ái khi có đồng nghiệp là thành viên Ban giám sát đạo đức thí sinh (hoa hậu là giảng viên Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM)…
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chọn thí sinh nhiều thị phi nhất đăng quang
Sau khi Phạm Hương đăng quang, nhiều trang mạng cũng nhắc lại tin đồn phẫu thuật thẩm mỹ khi đăng bộ ảnh so sánh giữa cô trước đây và bây giờ. Đặc biệt, chiếc cằm chẻ của hoa hậu đã thay đổi thành cằm nhọn theo đúng mốt. Nhưng trả lời phỏng vấn sau đăng quang, Phạm Hương nói cô “tự hào vì chưa hề trải qua dao kéo”.
Đạo diễn Lê Hoàng “thấy nhục” khi xem hoa hậu
Trong một diễn biến khác liên quan đến hoa hậu, đạo diễn Lê Hoàng tự biên bài “Phỏng vấn một chàng trai xem hoa hậu”. Trong đó, Lê Hoàng hóa thân thành nhân vật trả lời, trả lời: “Tôi thấy vui, thấy buồn và thấy nhục khi xem hoa hậu”.
“Trong các cuộc thi hoa hậu, tôi đã xem và vừa xem, nhiều cô gái đã trả lời trong phần thi ứng xử đại ý rằng: Đức tính cao quý nhất của người phụ nữ Việt Nam là sự hy sinh. Có người gật đầu khi nghe nói như thế, có người thì khóc vì cảm động. Riêng cá nhân tôi, tôi thấy nhục. Nhục cho ai? Tôi không dám đại diện cho bất cứ ai hết. Tôi nhục cho mình”.
“Tại sao những người phụ nữ cứ phải hy sinh mới là tốt?... Tại sao họ cứ “bị” phải hy sinh?” - bài phỏng vấn đăng trong thời điểm đang nóng chuyện hoa hậu gợi một số bàn tán liên tưởng. Lê Hoàng còn cố ý gài cắm câu “Tiếc thay, tôi chỉ có một mình” như lời khích tướng những người đàn ông Việt khác, những người lâu nay vẫn ung dung để phụ nữ hy sinh vì mình.
Nhưng nhiều người vẫn thắc mắc, các cô hoa hậu cứ trả lời thế, chứ ai biết các cô có hy sinh gì thật không?
"Mùi đu đủ xanh” vào top 100 phim châu Á hay nhất
Tại LHP quốc tế Busan lần thứ 20, bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng được xếp thứ 66 trong Top 100 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Hình ảnh trong phim Mùi đu đủ xanh
Đứng đầu danh sách 100 phim châu Á hay nhất mọi thời đại là bộ phim Tokyo Story của đạo diễn Yasujiro Ozu (Nhật Bản). Đứng thứ hai là Rashomon của đạo diễn Akira Kurosawa, cũng của Nhật Bản. Đứng thứ ba là Tâm trạng khi yêu của đạo diễn Vương Gia Vệ (Hong Kong). Bộ phim Bi tình thành thị của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền (Trung Quốc) đứng thứ 5.
Mùi đu đủ xanh xếp thứ 66 trong top này. Trước đó, bộ phim từng được giới thiệu tại LHP Cannes (Pháp) vào năm 1993 và giành được giải Camera vàng cho phim đầu tay, giải Cesar của điện ảnh Pháp cho Phim đầu tay xuất sắc. Năm 1994, phim được đề cử giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Nhạc phim James Bond: Kim cương mới là mãi mãi?
Nhạc phim James Bond chẳng dễ hát, nam ca sĩ Sam Smith hẳn thấm thía điều đó khi anh vừa công bố bản ballad Writing’s On The Wall, nhạc nền bộ phim Spectre, phần mới nhất của 007. Bài hát đạt kết quả khá khó hiểu: lên hạng Nhất bảng xếp hạng âm nhạc Anh, thành tích mà chưa bài hát nhạc phim James Bond nào làm được, đồng thời bị chê dở và bị Twitter phát động chiến dịch “troll”.
Nhận lời hát nhạc phim James Bond như giọng ca đồng hương Adele, Sam Smith lại bị chê
Người hâm mộ của James Bond trên Twitter đã bài trừ Writing’s On The Wall bằng cách đưa tên nữ ca sĩ Shirley Bassey, người từng hát nhạc phim 007 thành công với hai ca khúc Diamonds Are Forever (Kim cương là mãi mãi) và Goldfinger (Ngón tay vàng). Người hâm mộ loạt phim cho rằng ca khúc của Sam Smith chưa chạm được đến độ xuất sắc của Shirley Bassey.
Tranh cãi quay ca khúc nhạc phim làm nóng không khí trước ngày ra mắt phim Spectre, phần phim 007 mới nhất với sự tham gia của 2 mỹ nhân châu Âu: Lea Seydoux (Pháp) và Monica Bellucci (Italy).
Haruki Murakami tiếp tục “cuộc đua” Nobel
Lại một mùa giải Nobel Văn học mới và Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay của Nhật Bản, lại là ứng viên tiềm năng với tỷ lệ đặt cược cao thứ hai. Mặc dù kết quả giải Nobel Văn học không liên quan gì đến tỷ lệ đặt cược của các nhà cái, công luận vẫn coi đây như một “danh sách đề cử” của công chúng. Và Murakami là cái tên được yêu thích nhất nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa hề trúng giải.
Mọi năm Haruki Murakami dẫn đầu cuộc đua của các nhà cái về Nobel Văn học, năm nay ông chỉ xếp thứ hai
Nhân dịp này, báo chí nhắc lại lịch sử Nobel Văn học của Nhật Bản, so sánh Murakami với Yukio Mishima, một nhà văn Nhật từng là trung tâm của nền văn học và rất thành công ở phương Tây, cũng từng khao khát đoạt giải Nobel nhưng giải lại cứ trôi về tay những đồng nghiệp kiêm đối thủ đồng hương như Yasunari Kawabata hay Kenzaburo Oe.
Tóm lại, nền văn học lớn là thế nhưng trong 114 năm qua, chỉ có 2 nhà văn Nhật là Kawabata và Oe đoạt giải Nobel Văn học. Thế nên độc giả và nước Nhật đang chờ đợi Murakami.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần