Artbook, xưa và nay (kỳ 2): Trở thành tác phẩm độc lập
(Thethaovanhoa.vn) - Một thời gian dài, sự hạn chế về kĩ thuật in, chất liệu giấy... đã khiến nhiều họa sĩ bị giới hạn khi muốn thể hiện năng lực sáng tạo của mình trên những cuốn sách. Nhưng, mọi chuyện nay đã khác.
Bởi, với sự phát triển của công nghệ, họ đã hoàn toàn có khả năng vượt khỏi việc vẽ bìa (hoặc vài bức tranh minh họa) để biến cuốn sách thành tác phẩm ghi dấu ấn của riêng mình.
Từ dấu ấn tranh khắc gỗ
Vẽ bìa và minh họa sách được nhiều họa sĩ xem là nghề tay trái để giúp họ sống với đam mê mỹ thuật. Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, cho hay: “Tôi là dân sáng tác, mà như nhiều người biết, rất ít họa sĩ đương thời sống được bằng tranh của mình. Nên làm bìa, minh họa sách hay những “món hàng” khác nhờ mỹ thuật ứng dụng như là nghề tay trái để nuôi… tay phải".
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc là người áp dụng phần mềm máy tính vào vẽ, minh họa bìa sách từ 1987. Nhưng, như lời anh, trước đó, các họa sĩ muốn minh họa sách thường là dùng tranh khắc gỗ phù hợp với kỹ thuật in hiện giờ. Chính vì tranh khắc gỗ nên nhiều cuốn sách có in những minh họa này được giới sưu tầm sách và mỹ thuật săn tìm.
Hiện trên thị trường, sách Kiều văn họa có in minh họa của những danh họa Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân... được săn tìm rất nhiều. Trong đó, bản in Kiều văn họa giá cao nhất đã từng giao dịch thành công là khoảng 2.700 Euro.
Hoặc, tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ (in khi đoạt giải Tự lực Văn đoàn), có 4 tranh khắc gỗ của Tô Ngọc Vân; Chùa Đàn của Nguyễn Tuân 1946, có phụ bản của Nguyễn Tiến Chung; Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân 1943, có 2 phụ bản của Nguyễn Đỗ Cung… đều được giới sưu tập chú ý săn tìm. Bởi, những bản in này của các danh họa đều có giá trị nghệ thuật khi tách rời khỏi cuốn sách.
Tới hàng trăm tranh liên hoàn
Khi công nghệ in phát triển, các họa sĩ có thể in hẳn một cuốn sách giới thiệu tranh của mình. Tuy nhiên, để các bức thành này được liên hoàn nhằm kể một câu chuyện lại là việc của artbook. Mới đây, họa sĩ Tạ Huy Long và NXB Kim Đồng đã ấn hành một artbook gồm liên hoàn tranh như thế trong cuốn Lĩnh Nam chích quái.
Cũng cần nhắc lại, tập truyện Lĩnh Nam chích quái ghi lại những chuyện kì lạ ở nước Nam, là danh tác văn học trung đại, được xem là báu vật trong di sản văn hóa của ông cha. Ở Lĩnh Nam chích quái, những truyện tích thần kì được góp nhặt và ghi chép lại thể hiện quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc, về phong tục tập quán, về cách đối nhân xử thế... Và, ấn bản Lĩnh Nam chích quái vừa ấn hành của NXB Kim Đồng giữ lại gần như nguyên vẹn bản dịch của các học giả Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San.
Ba mươi sáu truyện trong Lĩnh Nam chích quái gồm những truyện thần tích, thần phả từ thời Hồng Bàng cho đến đời Trần. Đó là truyện về Âu Cơ - Lạc Long Quân, truyện Cây Cau, truyện Núi Tản viên… Kèm theo các truyện này, họa sĩ Tạ Huy Long đã vẽ hơn hai trăm tranh minh họa Lĩnh Nam chích quái.
Và như vậy, trong đời sống xuất bản, đây là ấn bản Lĩnh Nam chích quái đầu tiên có tranh minh họa màu tuyệt đẹp. Hơn hai trăm bức tranh minh họa trong Lĩnh Nam chích quái được vẽ tay hoàn toàn, thực hiện kì công, mô phỏng phong cách tranh khắc gỗ dân gian. Mỗi bức tranh gồm hai bản, một bản nét đen, và từ một đến hai bản màu. Ấn bản ra đời, ngay lập tức đã tạo được sự chú ý của giới họa sĩ, cũng như người yêu sách và người làm sách.
Thậm chí, qua minh họa của Tạ Huy Long, người xem tranh có thể hiểu được nội dung của các câu truyện trong Lĩnh Nam chích quái. Do vậy, có thể nói hơn 200 tranh của Tạ Huy Long là một tác phẩm độc lập được “phái sinh” từ Lĩnh Nam chích quái.
(Kỳ 3: Những cuốn sách để... nhìn)
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa