Văn hóa đặt tên của người Việt: Không cần thiết phải luật hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Việc đặt tên con của các gia đình Việt Nam hiện nay đã thay đổi so với trước kia như thế nào? Việc đặt tên này có cần thiết được luật hóa như đề xuất đặt họ tên không được quá 25 chữ cái hay nên theo thói quen của cộng đồng?
Đó là những vấn đề Thể thao & Văn hóa đặt ra cho các chuyên gia để kết thúc loạt bài Văn hóa đặt tên của người Việt.
Bố mẹ đôi khi không hiểu tên con mình
TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm): “Thi thoảng, tôi vẫn nhận được những lời nhờ đặt tên con. Một số người muốn đặt tên theo phong thủy, theo ngũ hành, theo tuổi cho hợp với bố mẹ. Nhưng, nhu cầu này chỉ dành cho số ít những người cầu kỳ và thường khá giả. Còn hiện tại, phần lớn bố mẹ vẫn đặt theo những sở thích, kỷ niệm cá nhân về hôn nhân, tình yêu.
Theo kinh nghiệm của tôi, ước mong lớn nhất của các ông bố bà mẹ gửi gắm vào tên con trong xã hội hiện nay không phải là giàu. Những người nhờ tôi cố vấn thường mong muốn tên con mang những kỳ vọng về tài hoa, giỏi giang, khỏe mạnh.
Thực ra, văn hóa đặt tên hiện tại về cơ bản vẫn theo truyền thống dù ít nhiều thay đổi.
Ngày xưa, các cụ đặt tên không có ai quá dài và quá phức tạp, nhiều lắm cũng chỉ bốn chữ, ấy là tên tục. Còn tên tự, tên hiệu có phức tạp hơn nhưng hiện tại mọi người ít dùng nên cũng không nên so sánh với đề xuất đặt tên đang gây ồn ào dư luận”.
Người dân sẽ tự điều chỉnh
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển: “Xưa kia, cha mẹ hay tìm những người có chữ, các bậc tri thức để xin tên cho con, nhưng ngày nay người ta đã thoáng hơn. Tên dài hay ngắn không quan trọng, miễn là tên đẹp, tên có ý nghĩa là được thậm chí “thực dụng” hơn. Có những người ra định cư, công tác dài ngày ở nước ngoài họ cũng chọn cho mình những cái tên mới nghe “Tây” hơn, thuận tiện hơn cho chính những người nước sở tại khi muốn gọi tên của họ.
Ngược lại, có những người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống họ cũng chọn cho mình một cái tên thật Việt Nam hoặc chí ít “nửa tây, nửa ta” để người Việt dễ dàng gọi tên họ hơn. Ví dụ như một số cầu thủ Fabio Santos đổi thành Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Nguyễn Hoàng Helio, Johny Nguyễn Ngọc Anh… hay một số nghệ sĩ như Johnny Trí Nguyễn, Victor Vũ, Jennifer Phạm…
Tôi cho rằng xu hướng “quốc tế hóa” cái tên trong cộng đồng người Việt sẽ ngày càng phát triển và điều đó không phải là vấn đề gì quá lớn. Chính người dân sẽ tự điều chỉnh, tự quản lý, miễn là cái tên ấy phù hợp với lợi ích của chính họ. Thấy tên hay, tên đẹp, người ta sẽ trân trọng và giữ mãi. Ngược lại, nếu thấy tên không hay hoặc phản cảm hoặc họ chấp nhận sẽ mang theo nó suốt đời hoặc sẽ tự thay đổi.
Thế nhưng nếu cứ thích là thay tên vô tội vạ cũng không được vì nó sẽ gây bất tiện về nhiều thứ. Cứ lấy việc đổi tên “xoành xoạch” của các cơ quan, tổ chức là sẽ hiểu. Lúc thì gọi là trung tâm, khi thì phân viện, rồi được thời gian lại “nâng lên” thành học viện... Thế là người ta lại phải đi làm lại con dấu, rồi đổi tên các phòng ban cho “xứng tầm”… nhưng về bản chất thì nó vẫn vậy.
Không cần thiết phải luật hóa
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (công ty Luật hợp danh Thiên Thanh): “Văn hóa đặt tên của người Việt đã hình thành trong một thời gian dài và phụ thuộc khá nhiều vào đặc điểm văn hóa, ngữ âm, truyền thống của từng địa phương. Thậm chí, trong mỗi giai đoạn, cách đặt tên cũng chịu tác động từ hoàn cảnh xã hội hiện tại. Chẳng hạn, ở thời điểm hội nhập quốc tế như hiện nay, có những gia đình chọn tên con nhẹ nhàng, dễ phát âm, ít bị chi phối bởi bộ dấu. Bởi sau này, nếu có làm việc hoặc giao lưu với bạn bè quốc tế, tên các cháu vẫn sẽ được đọc chính xác và dễ dàng.
Cũng chính vì mỗi địa phương, mỗi dòng tộc có những quan điểm, truyền thống riêng về cách đặt tên nên việc phân định các khái niệm hay dở, xấu tốt, bình thường hay lập dị... là khá cảm tính và phụ thuộc vào từng cộng đồng. Chẳng hạn, ở những vùng đồng bào thiểu số phía Bắc, một cái tên như Vàng Thị Chanh là rất phổ biến và bình thường. Thế nhưng, nếu ra học tại Hà Nội hoặc các thành phố lớn, cô Vàng Thị Chanh ấy lại rất dễ ngượng ngùng, lúng túng khi tên mình được đọc to và gây những tiếng ồ, à trong lớp.
Như vậy, vấn đề tên gọi là lựa chọn của mỗi gia đình, thậm chí là đã được quy định rất rõ về quyền nhân thân trong pháp luật. Từ đó, nếu nhìn sang đề xuất cấm đặt tên quá 25 chữ cái của ngành quản lý, tôi cho là điều không cần thiết. Chúng ta chỉ nên tìm những biện pháp khuyến khích cộng đồng chọn cho con mình những cái tên không gặp khó khăn trong việc kê khai giấy tờ sau này, hoặc xa hơn là không quá "đặc biệt" vì dễ gây phiền toái cho các cháu trong tương lai”.
Cúc Đường – Mỹ Mỹ - Huy Thông (ghi)
Thể thao & Văn hóa