Vấn đề mới trong công tác bảo tồn loài tê tê
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Australia mới đây đã phát hiện ra rằng nhiệt độ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động bảo tồn loài tê tê, loài thú có vú duy nhất có vảy cứng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sinh học thực nghiệm số ra gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Curtin (Australia) đã sử dụng camera nhiệt để phân tích hình ảnh của những con tê tê ở bang Tây Australia và phát hiện ra rằng loài động vật này có dấu hiệu hạn chế hoạt động trong khoảng 10 phút trước khi nhiệt độ cơ thể chúng quá nóng, vượt quá 40 độ C, dưới ánh nắng Mặt Trời.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Christine Cooper tại Trường Khoa học Đời sống và Phân tử thuộc Đại học Curtin, cho rằng mặc dù loài tê tê đã sử dụng các “kỹ năng” như làm phẳng lông để cân bằng nhiệt độ cơ thể, song cơ thể chúng vẫn bị quá nhiệt.
Ông mô tả: “Tê tê chỉ hoạt động vào ban ngày, với loại thức ăn duy nhất là mối. Do vậy, chúng thường tiếp xúc với nhiệt độ cao từ ánh nắng Mặt Trời. Ngay cả khi ở trong bóng râm, chúng vẫn hấp thu nhiệt bởi bức xạ từ mặt đất, đá và cây cối”.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khi trời lạnh, tê tê giữ ấm bằng cách dựng lông lên để cách nhiệt tốt hơn và cho phép nhiều bức xạ xuyên qua hơn. Khi trời nóng, chúng xẹp lông xuống để “giải nhiệt” và che chắn da khỏi bức xạ Mặt Trời. Bằng cách này, cơ thể chúng hoạt động như một “cửa sổ nhiệt” cho phép trao đổi nhiệt. Tuy nhiên, các sọc đặc biệt của tê tê không có vai trò cân bằng nhiệt mà chỉ có chức năng ngụy trang.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, với số lượng ước tính còn khoảng 2.000 cá thể, loài tê tê đang bị đe dọa do mất môi trường sống và trở thành mồi ngon cho cáo và mèo hoang. Ngay cả trong điều kiện có bóng râm, nhiệt độ cao cũng sẽ làm giảm thời gian kiếm ăn vào ban ngày của loài thú này, trong khi hoạt động về đêm bị hạn chế. Vì thế, nhiệt độ có thể trở thành vấn đề quan trọng đối với loài tê tê.
Tê tê từng từng được phát hiện ở khắp miền Nam Australia nhưng hiện nay chỉ xuất hiện ở 2 quần thể tự nhiên ở bang Tây Australia là khu bảo tồn Dryandra Woodland gần làng Narrogin, nơi diễn ra hoạt động nghiên cứu, và khu bảo tồn Perup gần thị trấn Manjimup. Tiến sĩ Cooper nhấn mạnh phát hiện từ nghiên cứu trên nêu bật tầm quan trọng của việc xem xét điều kiện nhiệt độ và bóng râm trong quá trình lập kế hoạch di dời để bảo tồn loài tê tê, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng Trái Đất ấm lên.