Ứng xử ra sao với vàng mã? (Kỳ 3): Có một 'triết lý vàng mã'
(Thethaovanhoa.vn) - Du nhập vào Việt Nam một cách lâu dài, vàng mã đã bén rễ và phát triển theo những logic không hề hời hợt trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi thế, "xóa tận gốc" tập tục này là điều vô cùng khó.
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 2): Gần chục năm... lúng túng
- Ứng xử ra sao với vàng mã? (kỳ 1): Khi Phật giáo nói 'không'
Ở thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào xác định được thời điểm vàng mã bắt đầu xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số phỏng đoán, tập tục này có thể đã tồn tại ở nước ta vào giai đoạn Bắc thuộc trước thế kỷ X.
Bén rễ
Nguồn gốc của vàng mã liên tục được nhắc tới trong những ngày qua. Vắn tắt, loại vật dụng tâm linh này xuất hiện tại Trung Quốc để thay thế tục chôn những vật dụng quý giá (và cả kẻ hầu người hạ) theo người chết. Từ việc được dùng trong cung đình, vàng mã và đồ mã dần được "đại chúng hóa" tại quốc gia này từ khoảng thế kỷ thứ VIII.
Theo một số nhà nghiên cứu, cách triết lý gửi đồ mã thay "đồ thật" này gặp gỡ với văn hóa Việt ở cách tư duy chung về sự sống và cái chết. Nhiều người đã chỉ rõ: tại một số vùng cao của nước ta, người dân bản địa từ lâu cũng đã có tập tục đập vỡ đồ đạc hàng ngày rồi chôn theo người đã khuất. Tập tục ấy không phải được hình thành ngẫu nhiên, mà đến từ sợi dây tình cảm nối giữa những người ở lại với người đã mất trong gia đình mình. Và dần trong tâm thức, họ muốn gửi tới người đã khuất những vật dụng có thể cần thiết ở thế giới bên kia.
"Vàng mã đến từ Trung Hoa, nhưng lại được người Việt Nam tiếp nhận bởi sự phù hợp với đạo đức và tình cảm của mình. Cũng giống như đạo Hiếu của phương Bắc, chúng ta không chỉ dừng lại ở ước muốn chăm sóc cha mẹ lúc sinh thời, mà còn tự đặt ra trách nhiệm hương khói, thắp một nén hương, đốt một chút vàng mã khi các cụ không còn" - GS Ngô Đức Thịnh từng chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trong một cuộc trò chuyện - "Bởi thế, dù không biết rõ về sự tồn tại của thế giới bên kia, nhưng người ta khi thắp hương, đốt vàng xong vẫn cảm thấy ấm lòng và xúc động nhớ về tổ tiên".
Thẳng thắn, ông cho rằng một khi có sự phù hợp với nhận thức, tình cảm và đạo đức của người Việt, tập tục đốt vàng mã dễ dàng "bén rễ" và theo thời gian trở thành một nghi thức, một tập quán xã hội có một nền tảng quan niệm khá vững chắc. Và nếu muốn thay đổi điều này, chỉ có những chủ thể vận hành tập tục - ở đây chính là người dân từng đốt vàng mã - chủ động từ bỏ quan niệm của mình.
"Đó là việc khó vô cùng. Và thực ra, việc chúng ta giúp người dân hiểu đúng về triết lý vàng mã, thì hợp lý hơn nhiều so với ý tưởng xóa bỏ nó hoàn toàn" - PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ thêm - "Bởi, bản chất của vàng mã không phải nằm ở việc nó có tồn tại hay không, mà thuộc về cách người ta hành xử với nó".
"Giải tỏa" những vấn đề về tâm linh
Rộng hơn xuất xứ ban đầu, vàng mã và đồ mã dần được sử dụng trong khá nhiều nghi thức tâm linh. Đơn cử, đó là việc vàng mã (thường đóng thành nén) vẫn được rắc trên đường trong những gia đình có đám hiếu và mặc định là để đánh dấu đường trở về nhà của những người đã khuất. Thực tế, dù được phản ánh là các nén vàng, lá vàng này có thể bị cuốn bay và cản trở tầm quan sát của những lái xe trên đường cao tốc, nhiều nhà quản lý cũng đã thừa nhận rằng việc nhắc nhở hoặc xử lý trong trường hợp này là nhạy cảm vô cùng.
Ở một góc độ khác, với những đặc thù về tạo hình và nghi thức sử dụng, vàng mã và đồ mã cũng giữ một vai trò quan trọng trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể - đặc biệt là 2 di sản đã "kịp" nhận danh hiệu cấp Thế giới của UNESCO: Hội Gióng và Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đơn cử, tại Hội Gióng Sóc Sơn, voi chiến và "ngựa sắt" được coi là hai linh vật gắn với truyền thuyết chống giặc Ân của Thanh Gióng. Các đồ tế này được dân làng xung quanh làm bằng tay, rước lên đền. Và, tất cả những ai tới hội đều mong được khiêng các đồ tế này ra bờ sông để hóa - bởi theo niềm tin của người bản địa, việc chạm vào đồ tế của Đức Thánh sẽ mang tới may mắn trong cuộc sống.
Còn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, một hệ thống vô cùng phong phú đồ mã luôn được sử dụng, kèm theo những triết lý riêng. Ở đó, có những đồ mã được bày thường xuyên (vài năm mới thay một lần) như nón Tứ Phủ, vàng Tứ Phủ, cây Tứ Phủ, và cũng có những đồ mã được sử dụng trong buổi lễ như dàn Mã gồm bộ mũ, thuyền rồng, voi, ngựa, bộ tranh Thập vật...
Thậm chí, trong vài năm gần đây, vào ngày 23 tháng Chạp, việc thả cá chép phóng sinh thường gặp một số phiền hà về địa điểm, mặt nước, hoặc nạn ô nhiễm khiến cá sớm chết sau khi được thả. Bởi thế, một số gia đình đã chuyển sang hình thức hóa cá chép bằng đồ mã để thay thế.
Có nghĩa, nói như PGS Nguyễn Văn Huy, vàng mã và đồ mã có chức năng giải tỏa những nhu cầu có thực về tâm linh. Và rõ ràng, khi gắn với khái niệm tâm linh, đó không còn là việc đúng - sai mà là câu chuyện về niềm tin từ tâm thức.
(Còn tiếp)
Cúc Đường