U23 Việt Nam:Từ Thường Châu đến Palembang
(Thethaovanhoa.vn) - Tại bảng D, ngoài ứng viên Nhật Bản thì Olymic Pakistan và Olympic Nepal đều không đáng ngại với nhà đương kim á quân U23 châu Á - Olympic Việt Nam, cho việc giành một trong 2 chiếc vé chính thức đi tiếp tại ASIAD 2018, sẽ diễn ra tại Indonesia vào tháng 8/2018 tới đây.
- HLV Phan Thanh Hùng: 'U23 Việt Nam rơi vào bảng đấu dễ tại ASIAD 2018'
- U23 Việt Nam chạm trán Nhật Bản tại ASIAD 2018
- 'U23 Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản đi tiếp tại ASIAD'
Với 24 đội bóng (thay vì 32 như con số đăng ký ban đầu), chia làm 6 bảng, chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng và 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất vào vòng 1/8, Olympic Việt Nam có thừa cơ hội để tiến xa hơn, so với ít nhất 2 kỳ ASIAD gần nhất là Quảng Châu 2010 và Incheon 2014.
Cái lý được đưa ra ấy, không hẳn bắt đầu từ việc mở rộng các suất lọt vào vòng knock-out hay việc Olympic Việt Nam bất ngờ được đôn lên nhóm hạt giống số 2, mà phải bắt đầu từ chính thực lực của chúng ta. Olympic Việt Nam sẽ bao gồm những người hùng trở về từ Thường Châu, cộng với 3 cầu thủ trên 23 tuổi.
Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, câu chuyện "Tuyết trắng Thường Châu" hay "Bão lửa Thường Châu" sẽ vẫn mãi đẹp trong ký ức, với không chỉ những người hùng đã sát cánh - chiến đấu cùng nhau trong bão tuyết, mà với cả nền bóng đá và người hâm mộ. Nhưng, chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng.
Thường Châu, với VCK U23 châu Á mới chỉ được tổ chức lần thứ 3 chính thức trong vòng 4 năm, đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi lọt vào chơi trận chung kết và chỉ chịu thua U23 Uzbekistan 1-2 ở những giây cuối cùng của hiệp phụ thứ 2. Mặc dù vậy, nó đã đánh thức tiềm lực cho nền bóng đá xứ sở.
Về mặt ý nghĩa, cũng như tính chất của giải đấu, ASIAD với bóng đá nam chỉ bao hàm một bộ huy chương, không giống với vị thế mà bóng đá trẻ Việt Nam đã tạo dựng được tại VCK U23 châu Á hồi đầu năm. Tại sân chơi ASIAD, bóng đá nam Việt Nam đã 2 lần vượt qua vòng bảng như đã nhắc.
Từ Thường Châu đến Palembang là những câu chuyện không giống nhau, đương nhiên rồi, với cuộc chiến dường như cũng khốc liệt hơn cho các nền thể thao châu Á, mà bóng đá là một trong số đó. Đây là sân chơi Olympic và một tấm huy chương có ý nghĩa thậm chí còn lớn hơn cả chức vô địch.
Ngay ở sân chơi Olympic, Thể thao Việt Nam chỉ mang một vị thể khá khiêm tốn và chiếc HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio, Brazil 2016, tuy mang biểu tượng với cả nền thể thao, nhưng thực sự nó chưa giúp chúng ta nâng tầm ở trường quốc tế. Thậm chí ở châu Á, Việt Nam còn xếp sau cả Thái Lan, lẫn Indonesia, Singapore và Philippines.
Nói thế để thấy rằng, Olympic Việt Nam đến Palembang lần này mang một sứ mệnh rất cao cả: Thay đổi phần nào thái độ của bè bạn châu lục, với nền thể thao của chúng ta. Đặc biệt sau những thành công bước đầu với bóng đá trẻ, từ vài năm đổ lại, người hâm mộ càng có lý do kỳ vọng vào thầy trò HLV Park Hang Seo ở lần “đem chuông đi đánh xứ người” này.
Trở lại với việc bốc thăm chia lịch thi đấu, cơ bản, chúng ta đã rơi vào một bảng đấu thuận lợi, ít nhất là so với VCK U23 châu Á 2018 hồi đầu năm, nơi mà U23 Việt Nam nằm chung bảng với Hàn Quốc, Australia và Syria. Nhưng, quân ông Park càng đá càng bốc, chúng ta vượt qua cả Iraq lẫn chủ nhà Qatar sau đó, trước khi chơi trận chung kết lịch sử với Uzbekistan.
Olympic Việt Nam sẽ được tập hợp những cầu thủ tốt nhất và về bản chất, nó giống như ĐTQG lúc này vậy. Sau ASIAD 2018 là AFF Cup 2018, và nếu xem Palembang là bệ phóng, việc trở lại ngai vàng Đông Nam Á sau 10 năm là có cơ sở. Bóng đá cần sự tích lũy và nếu muốn đánh chiếm những mục tiêu cao hơn, nền bóng đá cần ổn định biểu đồ thành tích ở những sân chơi thấp hơn.
Tùy Phong