U23 Việt Nam vẫn rất cần một mẫu trung phong như Anh Đức
(Thethaovanhoa.vn) – Chiến thắng 2-0 trước U23 Nepal vừa qua khẳng định một toan tính rất đúng đắn của HLV Park Hang Seo tại ASIAD 2018: U23 Việt Nam cần có một mẫu trung phong như Anh Đức trên hàng tấn công.
- Xem pha dứt điểm như 'bóng đá Anh' của Anh Đức trước U23 Nepal
- U23 Việt Nam: Văn Lâm, Văn Quyết, Anh Đức chắc suất tham dự ASIAD 2018?
- U23 Việt Nam: 'Anh Đức là lựa chọn tốt nhất để đá với Công Phượng'
Thế mạnh của các cầu thủ trẻ Việt Nam là lối đá thiên về kỹ thuật và khả năng phối hợp nhóm, chứ không phải bóng dài, thể lực. Mặc dù vậy, việc sở hữu một trung phong to cao, chơi bóng bổng tốt cũng rất quan trọng, và trận thắng vừa rồi là một minh chứng.
Video clip highlight bàn thắng U23 Nepal 0-2 U23 Việt Nam
Đơn giản, và hiệu quả
Ở lượt trận đầu tiên, U23 Nepal đã khiến các cầu thủ trẻ U23 Nhật Bản trở nên rất bế tắc bởi lối phòng ngự số đông, lăn xả. Đội bóng Đông Á pressing rất tốt, cầm bóng chắc chắn, nhưng khi đến gần vạch 16m50 thì họ chỉ có một phong cách tiếp cận bằng cách phối hợp nhỏ và nó trở nên thiếu hiệu quả khi đụng phải một chiếc xe bus 2 tầng.
U23 Việt Nam cũng pressing rất mạnh mẽ khi liên tục áp sát, giành bóng tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, họ không máy móc trong việc tìm đường vào khung thành đối phương như U23 Nhật Bản. Bên cạnh những pha đập nhả, phối hợp nhóm, vẫn có những tình huống tạt bóng bổng nhắm vào cái đầu của Anh Đức bên trong. Tiền đạo 33 tuổi này không còn tốc độ như trước, nhưng khả năng di chuyển, tì đè, và làm tường của anh vẫn còn rất hoàn hảo.
Cú đánh đầu thành bàn ở phút 31 là một minh chứng. Đón đường tạt từ cánh trái của Phan Văn Đức, tiền đạo cao 1m81 này đã bật cao hơn hẳn hậu vệ U23 Nepal để đánh đầu tung lưới thủ thành Kiran Chemjong. Trước đó chừng 10 phút, Anh Đức cũng có một tình huống bật cao, lắc đầu vào góc xa, đáng tiếc trái bóng đi chệch cột dọc trong gang tấc.
Không chiến xưa nay vẫn là điểm mạnh của Anh Đức, nhưng anh không chỉ là một ngọn hải đăng chỉ biết nhận bóng trên không, và làm tường cho các vệ tinh. Bản thân Anh Đức cũng chịu khó di chuyển và đã bắt nhịp rất tốt với những đàn em trẻ. Trong trận đấu này, rất nhiều lần chân sút này phối hợp nhịp nhàng với các vệ tinh xung quanh mình. Tình huống anh dạt ra cánh và đẩy trái bóng lại cho Văn Đức nâng tỷ số lên 2-0 là một minh chứng. Chính nhờ sự di chuyển của Anh Đức mà Văn Đức đã có một khoảng trống lớn để thoải mái dứt điểm ở pha bóng ấy.
Luôn cần một trung phong như Anh Đức
Đã lâu rồi, các đội tuyển của Việt Nam không đá theo kiểu một trung phong cắm tì đè phía trên, làm tường cho những vệ tinh linh hoạt và kỹ thuật xung quanh! Lần gần nhất họ đã theo kiểu như thế là cách đây 10 năm. Đó là khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, với những ngôi sao như Công Vinh, Quang Hải, Vũ Phong, song giá trị của Việt Thắng là rất đáng ghi nhận. Tiền đạo cao 1m77 này có tốc độ, tì đè tốt, và có thể pressing rất tốt lên các hậu vệ. Khoảng thời gian học nghề ở Porto B giúp anh có khả năng di chuyển không bóng rất tốt.
Đức lên tuyển từ năm 2006, nhưng so với các đồng đội cùng trang lứa, anh gặp khá nhiều thiệt thòi khi phải làm nền cho những Công Vinh, Quang Hải, Phan Thanh Bình,... Anh cũng vắng mặt trong kỳ AFF Cup lịch sử 10 năm về trước vì chấn thương. Trong 12 năm khoác áo tuyển Việt Nam, Đức mới đá 26 trận (ghi 7 bàn). Nhưng trong nhiều năm qua, Đức Eto'o luôn đạt hiệu suất xấp xỉ 10 bàn/mùa tại V-League, cao nhất trong số các chân sút nội. Việc được làm đối tác cho các tiền đạo ngoại chất lượng như Kesley Alves, Philani, Abass giúp Đức trui rèn rất tốt kỹ năng chạy chỗ, làm tường cũng như dứt điểm.
Và bây giờ, ở tuổi 33, Đức đang truyền lại những kinh nghiệm quý báu ấy cho lứa đàn em, ở một giải đấu mà người hâm mộ đang kỳ vọng rất nhiều vào họ, nửa năm sau kỳ tích khó quên ở Thường Châu.
Tuấn Cương